Tư thế nằm nghiêng. Ảnh: parenting.firstcry.com
Khi mới lọt lòng mẹ trẻ sơ sinh cũng cần được giữ nguyên ở tư thế bào thai (có được cảm giác an toàn). Tuy nhiên tư thế của trẻ không đúng hoặc nằm lâu ở một tư thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như về thẩm mỹ của trẻ, chính vì vậy sau khi chào đời nên xen kẽ tư thế đặt nằm cho trẻ.
Nguyên tắc của tư thế nằm
- Duy trì cảm giác giới hạn và đảm bảo an toàn cho trẻ.
- Tránh biến dạng ở đầu.
- Giúp trẻ phát triển đồng đều cả hai bên cơ thể.
- Tránh sự hình thành và ứ đọng dịch tiết (đặc biệt với trẻ ốm).
Các tư thế nằm ngủ của trẻ
Tư thế nằm ngửa: Nằm ngửa là tư thế tự nhiên.
Cách đặt trẻ: Hai tay mở ngang, cẳng tay và bàn tay hướng lên trên đầu, cuộn một chiếc khăn tắm lớn tạo thành ổ cuốn, gấp khăn mỏng làm gối đặt dưới vai trẻ (không đặt ở đầu) để đường thở của trẻ được thẳng.
Đặt trẻ vào ổ sao cho ổ cuốn ôm sát vào trẻ, đặt chân của trẻ gập sát thân mình và bàn chân của trẻ chạm vào mặt trong của vòng khăn, tay trẻ đặt ở giữa ngực và gần với mặt như nằm trong bụng mẹ.
Ưu điểm:
- Giúp trẻ toàn thân thư giãn, thả lỏng, tạo cảm giác thoải mái.
- Tạo cảm giác an toàn khi nằm ngửa mũi miệng của trẻ không gặp các chướng ngại vật cản trở đến quá trình hô hấp.
- Không gây áp lực cho các cơ quan nội tạng như tim, phổi, dạ dày, đường ruột và bàng quang.
- Thuận tiện chăm sóc.
Nhược điểm:
- Nằm ngửa nhiều sẽ khiến đầu trẻ dễ bị bẹp.
- Ở tư thế này, độ an toàn cho sức khỏe của trẻ cao, nhưng khi nằm ngửa không có vật gì chặn nên trẻ sẽ cảm thấy không có chỗ dựa.
- Khi trẻ bị ngạt mũi (viêm đường hô hấp trên) không nên để trẻ nằm ngửa.
Tư thế nằm nghiêng: Đây là tư thế đem đến nhiều lợi ích mà các chuyên gia khuyên rằng các bậc cha mẹ nên luyện tập cho trẻ quen với tư thế này.
Cách đặt trẻ: Cho trẻ nằm nghiêng toàn thân về một bên, cuốn ổ đến ngực trẻ hai tay, chân ôm sát ổ cuốn.
Ưu điểm
Tránh ngạt thở: Ngay cả khi trẻ bất ngờ nôn trớ, tư thế nằm nghiêng này giúp đẩy những thứ trong khoang miệng của trẻ ra ngoài nhanh chóng mà không bị đẩy ngược vào trong, giúp trẻ không ngủ ngáy, thở khò khè khi ngủ. Nếu các tư thế khác, trẻ có hiện tượng ngáy ngủ, các bà mẹ nên chuyển trẻ sang tư thế này.
Nhược điểm
Dễ làm bẹp tai trẻ, trong khi nhiều người rất coi trọng hình dáng đôi tai, nằm tư thế này không mặc cho trẻ những áo có cài cúc, nên buộc dây bên cạnh.
Tư thế nằm sấp
Trẻ rất thích nằm sấp, vì có cảm giác ấm cúng, dễ chịu khi ngủ.
Cách đặt trẻ: Đặt trẻ nằm sấp trên khăn bông mềm dày khoảng 4cm dài 23 x 15cm hoặc 25 x 15cm sao cho bàn tay trẻ ôm vào khăn bông một cách thoải mái, không để hông và đùi gấp quá 90o.
Ưu điểm:
- Trẻ có cảm giác an toàn. Khi còn là bào thai nằm trong tử cung trẻ cũng có tư thế gần như vậy, đây là tư thế ngủ tự nhiên với bản năng tự bảo vệ của trẻ.
- Ở tư thế nằm sấp dịch hòa tan của dạ dày không thích hợp nằm ở thực quản – nguyên nhân dẫn đến sự nôn trớ sẽ được từ từ di chuyển xuống phần ruột non giúp hạn chế sự nôn trớ của trẻ.
- Nằm sấp giúp trẻ nhanh phát triển hơn do thường xuyên phải luyện tập các động tác như lật người, xoay người, ngẩng đầu, bên cạnh đó chân tay của trẻ cũng nhanh cứng cáp hơn.
Nhược điểm:
- Dễ dẫn đến ngạt thở: Mặt trẻ có thể úp sấp xuống giường khi cổ mỏi không ngóc đầu lên được.
- Dễ tích nhiệt và khó tản nhiệt, điều này khiến nhiệt độ của cơ thể tăng cao hơn, mồ hôi ra nhiều. Bà mẹ cần chú ý và lau người cho trẻ.
- Ở tư thế này khó quan sát trẻ hơn.
Khuyến cáo: Chỉ cho trẻ nằm tư thế này khi theo dõi sát được trẻ.
Phòng ngừa
- Trẻ sơ sinh chưa tự thay đổi tư thế được ta cần giúp trẻ thay đổi tư thế tạo cảm giác thoải mái, an toàn cho trẻ.
- Thay đổi tư thế và đặt nằm tư thế đúng sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển hình dáng trẻ sau này.
- Trẻ đang điều trị tại các khoa hồi sức thay đổi tư thế giúp trẻ tránh ứ đọng dịch tiết, tì đè, hăm loét,… góp phần không nhỏ trong sự tiến triển của trẻ bệnh.
- Thời gian thay đổi tư thế tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận