Nhà bà Nữ hiện thu 435 tỉ đồng từ 5,5 triệu vé (tính đến 16-2). Nhưng 5,5 triệu vé cũng chỉ khai thác tối đa 10% số khán giả tiềm năng của rạp Việt (50,6 triệu người từ 15 tuổi trở lên, theo thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của Tổng cục Thống kê năm 2022).
"Làm sao kéo những khán giả còn lại ra rạp?" và "Phim nghìn tỉ, doanh thu cao có phải là cách duy nhất để điện ảnh Việt vươn tầm quốc tế?" là câu hỏi Tuổi Trẻ đặt cho các chuyên gia.
Các chuyên gia điện ảnh lạc quan về con số 1.000 tỉ, dự báo có thể xuất hiện trong khoảng 5 năm tới. Còn chuyên gia chính sách công cho rằng doanh thu không phải đích đến duy nhất của thị trường. Chúng ta cần nâng tầm bằng cách quốc tế hóa trình độ sản xuất ở mọi phương diện.
* Đạo diễn NGUYỄN HỮU TUẤN (người thực hiện "Báo cáo về ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam 2018 - 2019" với sự hỗ trợ của Trường Điện ảnh châu Á Busan):
Cần gấp đôi số khán giả của Trấn Thành
Nếu nói một phim Việt đạt doanh thu 1.000 tỉ đồng, tức khoảng 42,3 triệu USD, thì câu hỏi là "Khi nào?". Chúng ta thử dùng Nhà bà Nữ để phân tích.
Thứ nhất, toàn bộ hệ thống rạp chiếu đã tận dụng tối đa công suất cho riêng Nhà bà Nữ hay chưa? Câu trả lời là có.
Rạp đã huy động tối đa công suất để Nhà bà Nữ đạt 435 tỉ đồng sau 4 tuần. Đặc biệt, trong 3 tuần đầu, số suất chiếu cho Nhà bà Nữ ước lượng chiếm 60% tổng số suất.
Nếu tính nhân đơn giản, có thể thấy: nếu muốn một phim đạt doanh thu 1.000 tỉ, điều kiện đầu tiên là quy mô hệ thống rạp chiếu cả nước phải tăng ít nhất gấp đôi hiện nay. Tức là cần 2.000 đến 2.400 phòng chiếu so với 1.200 phòng hiện nay.
Câu hỏi thứ hai là: Nhà bà Nữ đã kéo được tối đa lượng khán giả khả thể tại Việt Nam hay chưa?
Với các bộ phim thành công khác, đối tượng khán giả hầu hết vẫn là khán giả trẻ có thói quen đi xem phim. Doanh thu chủ yếu tập trung ở thị trường các thành phố lớn.
Đối với phim Trấn Thành, ngoài những khán giả nói trên, còn có cả những khán giả không có thói quen đi xem phim, những người thu nhập thấp, những người lớn tuổi, những người trước đây thậm chí chưa từng bao giờ ra rạp. Và đặc biệt là khối doanh thu rất đáng kể đến từ các tỉnh, các thành phố nhỏ.
Đây chính là điểm khác biệt, khi Trấn Thành có thể "nạo vét" một lượng khán giả dị biệt lớn.
Như vậy, để một phim đạt được con số 1.000 tỉ, cần ít nhất có gấp đôi số khán giả mà Trấn Thành đã quyến rũ được, tức gấp ba lần số khán giả đã có thói quen xem phim. Chúng ta sẽ phải chờ khá lâu để thấy một bộ phim thu 1.000 tỉ đồng riêng ở thị trường Việt Nam.
Nhưng rất may, đó không phải con đường duy nhất để thu 42,3 triệu USD. Năm 2017, theo Box Office Mojo, một bộ phim Đông Nam Á thu 44 triệu USD trên toàn cầu, trong đó có 41 triệu USD riêng ở Trung Quốc.
Bộ phim đó là Bad Genius (Thiên tài bất hảo, của Thái Lan) - một phim mà doanh thu nội địa chỉ có 3 triệu USD, quá ít ngay cả khi so sánh với Việt Nam.
Suy ra, cả khi các điều kiện trong nước chưa đảm bảo, nếu một phim Việt Nam có chất lượng tương đương Bad Genius, tạo được tiếng vang quốc tế, đồng thời thỏa mãn được các điều kiện để được nhập về chiếu ở một thị trường cực lớn và tương đồng về văn hóa như Trung Quốc, thì doanh thu 1.000 tỉ đồng là chuyện có thể.
Chỉ có điều, các nhà sản xuất phim Việt Nam có khát vọng coi cả thế giới như một thị trường? Đầu tiên cần khát vọng, sau đó cần cả dũng khí và tài năng để thảo ra một chiến lược kinh doanh vươn ra ngoài mẩu thị trường nội địa nhỏ hẹp.
* Ông JUSTIN KIM (trưởng bộ phận sản xuất phim quốc tế CJ ENM (Hàn Quốc) kiêm tổng giám đốc CJ HK Entertainment (Việt Nam)):
Không xa vời nhưng cần nhiều phim "bom tấn" bùng nổ
Tôi không nghĩ 1.000 tỉ đồng là con số xa vời đối với phim Việt. Để tạo nên một cột mốc lớn như thế, cần có nhiều thể loại phim được sản xuất và cần mở rộng quy mô phòng vé.
Cần thêm những bộ phim lớn (phim "bom tấn") từ các hãng phim trong nước để làm bùng nổ thị trường, và dĩ nhiên các phim vừa và nhỏ ở các thể loại cũng cần được tiếp tục ra đời.
Chúng tôi luôn suy nghĩ về nhiều yếu tố nên phát huy để cùng nhau cải thiện ngành điện ảnh.
Chẳng hạn, cần sản xuất và giới thiệu những bộ phim Việt Nam lớn được quốc tế hoan nghênh, cần khám phá những thể loại phim mới chưa được chứng minh là ăn khách ở Việt Nam từ trước đến giờ.
Tôi tin rằng đây cũng là những chương trình nghị sự lớn cho tất cả các nhà làm phim Việt Nam.
5,5 triệu vé, 10% số khán giả mục tiêu vẫn là con số rất thấp so với mặt bằng chung. Thị trường điện ảnh Việt có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai cùng với việc mở rộng số lượng chuỗi rạp dự kiến.
* Ông NGUYỄN QUANG ĐỒNG (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), chuyên gia từng góp ý cho Luật điện ảnh):
Vươn tầm quốc tế không chỉ bằng doanh thu
Chuyện "xuất khẩu" điện ảnh Việt không dừng ở việc phát hành và chiếu phim.
Doanh thu phim chỉ là phần nổi cuối cùng của tảng băng. Việt Nam còn thiếu toàn diện những thế mạnh bên dưới, chứ không chỉ chóp đỉnh ở trên cùng.
Hiện nay, trên thị trường điện ảnh toàn cầu, một bộ phim có thể sản xuất ở nhiều nước. Việt Nam có thể trở thành một khâu trong chuỗi giá trị phim ảnh toàn cầu.
Một phim điện ảnh tốt không chỉ cần đạo diễn và diễn viên, mà còn cần kịch bản tốt, quay phim giỏi, xử lý hậu kỳ, ánh sáng tốt…
Nếu muốn vươn ra toàn cầu thì phải cân nhắc tất cả những khía cạnh đó. Những đạo diễn, nhà làm phim châu Á nổi danh trên thế giới cũng có khả năng kết nối quốc tế rất tốt.
Bên cạnh đó, tại sao chúng ta không kéo việc quay phim, quay quảng cáo của các nước từ Thái Lan sang Việt Nam?
Chúng ta phải tham gia nhiều vào những công đoạn như vậy thì điện ảnh mới phát triển được. Còn nếu không, những sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài thành công thì phần nhiều còn ăn may.
* Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI (giám đốc phát hành của CJ CGV Việt Nam):
Một Nhà bà Nữ có thể bằng toàn bộ rạp Việt năm 2010
Tôi ước tính tổng doanh thu Nhà bà Nữ đạt 500 tỉ đồng. Con số này là toàn bộ doanh thu điện ảnh Việt Nam năm 2010 và 50% của năm 2012.
Mới 10 năm thôi mà thị trường đã phát triển như vậy, chưa kể có 2 năm COVID-19.
Tôi nghĩ trong vòng 5 năm sắp tới, khi khán giả nhiều hơn, rạp nhiều hơn, nguồn lực tăng và chất lượng phim Việt tốt hơn, chúng ta có quyền hy vọng một phim Việt thu 1.000 tỉ đồng.
Vào năm 2019, năm ngành điện ảnh có kết quả kinh doanh tốt nhất, tổng số vé bán ra trên cả nước là xấp xỉ 56 triệu vé.
Năm 2023, riêng Nhà bà Nữ đã đạt khoảng 10% con số này.
Trong năm 2019, mỗi người Việt Nam đi xem phim tại rạp trung bình 0,6 lần/năm. Con số này của Việt Nam còn rất thấp so với các nước khác trong khu vực như Singapore (3,4 lần), Malaysia (2,4 lần), Hàn Quốc (4 lần).
Ước lượng số người ra rạp xem phim tại Việt Nam chỉ khoảng 5-8 triệu người, chiếm khoảng 5% - 8% dân số Việt Nam.
Điều quan trọng là làm sao kéo một phần những khán giả chưa bao giờ ra rạp đến với rạp chiếu phim (ước lượng 92% - 95% dân số)?
Tôi nghĩ bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh của Nhà nước, số lượng và chất lượng phim (đặc biệt là phim Việt Nam) thì tốc độ mở rộng thị trường của các nhà vận hành rạp cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Đây là một mối quan hệ tương hỗ: khán giả ra rạp nhiều, nhà sản xuất có tiền để tiếp tục sản xuất phim hay hơn, các cụm rạp có tiền đầu tư mở rộng cụm rạp đến những tỉnh thành, khu vực xa hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận