Chiều qua 18-11, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV kết thúc. Hỏi điều ấn tượng của kỳ họp này là gì, có lẽ những ai theo dõi trực tiếp tại hội trường hoặc các buổi chất vấn được truyền hình trực tiếp có thể nhận ra: tham luận còn nhiều nhưng đã giảm, thay vào đó là hình ảnh những tấm bảng sử dụng quyền tranh luận - nét mới của kỳ họp này - liên tục được giơ lên, mô tả khá sống động hình ảnh của hoạt động nghị trường.
Đây đã là kỳ họp áp chót của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Lại nhớ đầu nhiệm kỳ, trao đổi với phóng viên sau khi nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã bày tỏ mong muốn "chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận". Theo thời gian, công chúng đã thấy được "hình hài" của một "Quốc hội tranh luận" và qua đó thấy được hiệu quả của việc đổi mới này.
Kết quả thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội đối với các dự án luật chính là "đáp án" của quá trình tranh luận, đeo bám sôi nổi trên nghị trường, có lúc diễn ra khá căng thẳng giữa các quan điểm khác nhau. Chất lượng của các phiên thảo luận thể hiện ở chỗ người tranh luận đã nêu dẫn chứng cụ thể, thuyết phục để biện luận cho quan điểm của mình, thay vì những ý kiến "lớn tiếng" hoặc "nói suông".
Chẳng hạn để phản pháo những ý kiến cho rằng việc giao Bộ Công an quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe là phù hợp thông lệ quốc tế, ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội, thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ đã bắt đầu bằng một câu hỏi: "Thông lệ quốc tế là thông lệ nào?" và dẫn ra hàng loạt quy định từ châu Mỹ đến châu Âu, qua châu Úc về châu Á, cho thấy đại đa số các nước giao quyền này cho cơ quan dân sự.
Không chỉ hấp dẫn đối với người theo dõi, quá trình tranh luận ở nghị trường cho phép một vấn đề được bám đuổi để đạt kết quả tối ưu, ra được đáp án tốt. Ý kiến của một nữ đại biểu Quốc hội rằng cây cao su hút khí O2 và nhả CO2 có thể còn gây nhiều tranh cãi nhưng sau tiếng nói gay gắt của bà trong việc bảo vệ rừng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới. Những màn đối đáp nảy lửa về các vấn đề khác tại nghị trường giữa đại biểu và các "tư lệnh ngành" cũng đã ít nhiều thể hiện tinh thần ấy.
Tranh luận ở nghị trường còn giúp mỗi đại biểu Quốc hội hoàn thiện chính bản thân mình thông qua việc nhìn nhận, đánh giá, tiếp thu các ý kiến thuyết phục, có hàm lượng chất xám cao, đồng thời giúp họ trau dồi năng lực hùng biện và thuyết phục người khác.
Nói tại kỳ họp Quốc hội lần này việc thay đổi từ tham luận sang tranh luận là nét mới cũng từ thực tế ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận