01/09/2019 09:52 GMT+7

Tử tế với Sa Cần - Kỳ cuối: Sức sống của sự tử tế

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Trên đời này, chẳng điều gì lan tỏa mạnh mẽ hơn những câu chuyện đẹp. Dự án "Tử tế với Sa Cần" đã thôi thúc không chỉ người dân thôn Hải Ninh mà nhiều địa phương khác của huyện Bình Sơn ra quân dọn núi rác thải khắp các bãi biển.

Tử tế với Sa Cần - Kỳ cuối: Sức sống của sự tử tế - Ảnh 1.

Thư ngõ của chủ tịch UBND huyện Bình Sơn kêu gọi hành động khẩn cấp để chống rác thải nhựa - Ảnh: TRẦN MAI

Người dân đã thực sự ra quân dọn rác thì chính quyền sẽ có cách quản lý thực tế. Những gì tồn đọng khiến người dân bức xúc, chúng tôi sẽ làm triệt để. Phải dọn sạch ý thức thì môi trường mới thực sự sạch.

Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư

Hành quân ra biển

Sau lời kêu cứu của anh Thương và người dân thôn Hải Ninh lao ra biển dọn đống rác thải khủng khiếp mấy chục năm ùn ứ lại, lời kêu cứu tương tự trên Facebook đã xảy ra ở thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) từ chính những người trẻ sinh sống ở vùng biển này. Một đoàn quân được kết nối và cuộc chiến với rác thải bắt đầu.

Cũng như Sa Cần, người dân thôn Phước Thiện sẽ ra quân liên tục trong nhiều ngày, đến khi nào rác được dọn sạch thì tiến hành tiếp giai đoạn sống xanh, thân thiện với thiên nhiên. Nghe thông tin này, anh Huỳnh Văn Thương, người phát động dự án "Tử tế với Sa Cần", rất vui. Thương bảo dọn sạch bãi biển không thể một ngày, hai ngày mà cả một quá trình dài. Bao nhiêu năm xả ra thì cũng cần chừng ấy thời gian thu gom lại và cả một thời gian dài sau này không ai vứt rác nữa.

"Khi người dân Phước Thiện ra quân, rõ ràng ý thức của người dân được định hình. Và tôi nghĩ việc tử tế với đại dương sẽ không còn là phong trào làm xong rồi mọi chuyện lại như cũ. Chúng tôi thấy được sự tử tế đến từ nhận thức của mỗi người dân" - Thương nói.

Trước thôn Phước Thiện, toàn xã Bình Đông cũng ra quân, từ người dân địa phương đến các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đều cử lực lượng tham gia dọn rác. Từ trên bờ đến dưới biển, thậm chí cả những khu vực tù nước, rác ngập ngụa cũng nhanh chóng được xử lý. Khi có sự đồng lòng thì chẳng còn gì khó khăn, trở ngại cho môi trường nữa. "Bới tung lòng biển, bờ sông dọn rác" - câu khẩu hiệu mới đang dần hình thành ở huyện Bình Sơn. Đó như một sự tử tế cần thiết với môi trường trước khi quá muộn.

Trên các trang mạng xã hội của tỉnh Quảng Ngãi, câu chuyện "Tử tế với Sa Cần" đang thu hút đông sự theo dõi. Những điểm đen môi trường đang bị "tố giác" và những lời kêu gọi "hành động ngay" đang kết nối từng làng, xã, cư dân. Người thôn Hải Ninh thấy tự hào vì điều đơn giản ấy. Họ thấy sự tiên phong của mình không còn dừng lại ở một nhóm dân cư nhỏ bé cuối sông Trà Bồng.

Và cũng như niềm hi vọng của anh Thương khi bắt đầu thực hiện dự án "Tử tế với Sa Cần", sẽ có nhiều hơn những cảng biển, cửa sông trên khắp đất nước được cứu khỏi rác thải. Anh Dương Duy Din, trưởng thôn Hải Ninh, tâm sự: "Sau khi chúng tôi dọn rác, có rất nhiều báo đài liên hệ làm chương trình. Chúng tôi thấy rất vui và mong truyền thông mang câu chuyện này đi xa hơn".

Tử tế với Sa Cần - Kỳ cuối: Sức sống của sự tử tế - Ảnh 3.

Người dân thôn Phước Thiện cùng nhau xử lý rác thải nhựa, khẳng định sự lan tỏa của chương trình “Tử tế với Sa Cần” - Ảnh: TRẦN MAI

Người dân "đánh thức" chính quyền

Sự tử tế từ một cộng đồng dân cư sống bám mình vào biển, đang lan tỏa ra nhiều khu vực khác. Tiếp theo đấy là chính quyền phát đi những thông điệp mạnh mẽ như một lời khẳng định không để người dân đơn độc giải quyết vấn đề mà đáng ra chính quyền phải thực hiện đầu tiên.

Ngày 13-8, 10 ngày sau cuộc giải cứu bờ biển Sa Cần, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi (Khu kinh tế Dung Quất nằm hoàn toàn ở huyện Bình Sơn, cửa biển Sa Cần nằm cạnh các cảng biển lớn của khu kinh tế) phát đi văn bản gửi các cơ quan và doanh nghiệp trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp trong tỉnh tăng cường thực hiện phong trào phòng chống rác thải nhựa.

Văn bản đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể giảm thiểu và triệt tiêu rác thải nhựa trong hoạt động sản xuất; tăng cường sử dụng bao bì thân thiện với môi trường trong hoạt động vận chuyển hàng hóa; tái chế rác thải nhựa khó phân hủy thành các sản phẩm hữu ích thân thiện với môi trường.

Ông Đàm Minh Lễ, phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng để hạn chế rác thải nhựa, cán bộ, nhân viên phải vận động người thân không sử dụng túi nilông dùng một lần. "Ban quản lý nói không với việc dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần như ống hút, chai nước nhỏ, hộp xốp, hộp nhựa đựng cơm... trong các hoạt động của cơ quan. Thay vào đó chúng tôi sẽ sử dụng bình nước lớn, nước tự nấu, các loại cốc sứ, thủy tinh, phích nước sử dụng nhiều lần" - ông Lễ cho biết.

Bình Sơn là huyện có nhiều doanh nghiệp lớn, sản xuất từ sắt thép, dầu khí đến công nghiệp cơ khí, ximăng..., lượng công nhân lên đến cả trăm ngàn người, phần lớn trong số đó là con em địa phương. Chính họ sẽ trực tiếp tham gia việc bảo vệ môi trường. Một ngày sau khi Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất phát đi thông báo, ông Đỗ Thiết Khiêm, chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, đã có thư ngỏ gửi đến cán bộ nhân viên và người dân địa phương đề nghị hành động khẩn cấp.

Một cuộc thi dọn rác đang được huyện Bình Sơn lên kế hoạch và triển khai trong thời gian tới. Theo đó, mỗi cộng đồng sẽ tự dọn sạch rác thải nơi mình sinh sống và những bức ảnh trước và sau khi dọn sẽ là kết quả tốt nhất để đánh giá thành công. Những bức ảnh dọn rác sẽ được dùng để "chấm điểm" cán bộ địa phương có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không.

Từ một dự án cộng đồng nơi cửa biển, giờ đây dự án "Tử tế với Sa Cần" đang lan tỏa để kêu gọi người dân tử tế với đại dương và cũng chính là tử tế với cuộc sống của mình.

Đi chợ bằng giỏ nhựa

Chi hội phụ nữ thôn Hải Ninh đã phát động phong trào đi chợ bằng giỏ nhựa để hạn chế sử dụng túi nilông. Sắp đến, hội phụ nữ sẽ kêu gọi chị em mua những hộp nhựa sử dụng nhiều lần mang theo trong giỏ để đựng cá, thịt, hải sản khác. Dần dà chị em phụ nữ sẽ triệt tiêu túi nilông khi đi chợ. Lúc đó, cộng đồng dân cư cửa biển Sa Cần sẽ không còn vứt rác thải nhựa ra môi trường.

ky4 (4) tử tế 2(read-only)

Hình ảnh đẹp “Đi chợ bằng giỏ nhựa” đang dần định hình ở thôn Hải Ninh - Ảnh: TRẦN MAI

Bà Đỗ Thị Thu Dung, trưởng chi hội phụ nữ thôn Hải Ninh, cho biết: "Các chị em đều ủng hộ việc đi chợ bằng giỏ nhựa. Bây giờ chỉ còn vận động thay đổi thói quen là sẽ ổn".

Tử tế với Sa Cần - Kỳ 3: Góp sức cứu "con sông quê" của Tế Hanh Tử tế với Sa Cần - Kỳ 3: Góp sức cứu 'con sông quê' của Tế Hanh

TTO - Đoạn cuối của dòng sông mà Tế Hanh mô tả chính là cửa biển Sa Cần. Có lẽ Tế Hanh không ngờ rằng dòng sông thơ của đời mình sau mấy chục năm đang bị bức tử từng ngày.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên