29/08/2019 08:18 GMT+7

Tử tế với Sa Cần - Kỳ 1: Câu chuyện của Thương

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Tại cảng biển Sa Cần (Quảng Ngãi), có một câu chuyện tử tế được viết lên từ công việc chống rác thải nhựa.

Tử tế với Sa Cần - Kỳ 1: Câu chuyện của Thương - Ảnh 1.

Anh Thương, người tử tế với Sa Cần - Ảnh: TRẦN MAI

Chị Nga bảo tôi phải tập hợp chị em và thanh niên trong thôn để dọn rác. Môi trường bẩn quá nhìn lo âu, rồi con cháu sống sao khi đổ mãi ra mà không ai chịu dọn.

Bà Đỗ Thị Thu Dung

Cửa biển Sa Cần ngập ngụa những bãi rác dày cả mét nằm ngay dưới lớp cát mỏng. Hòn Tà, Hòn Ông, Hòn Bà là những danh thắng nổi tiếng Quảng Ngãi nằm ngay cửa biển Sa Cần, nhưng rất ít du khách ghé thăm cũng vì rác. Mấy chục năm rồi, rác chỉ dày thêm chứ chưa hề vơi đi. 

Đến khi chàng trai Huỳnh Văn Thương (35 tuổi, TP Quảng Ngãi) trở về thăm quê thì sự đổi thay mới xuất hiện.

"Đây là trách nhiệm của thế hệ chúng ta"

Thương lớn lên ngay cửa biển Sa Cần, sau đó theo cha mẹ chuyển đi nơi khác sinh sống. Thế nhưng mỗi lần về quê, anh lại đau đớn khi nhìn thấy bãi cát tuyệt đẹp của quê hương ngập ngụa trong rác thải. 

"Khi tôi 10 tuổi đã thấy bãi biển có rác. Nhưng hơn 20 năm sau trở về quê, tôi không nghĩ rác lại nhiều đến vậy, từ bãi cát đến chân sóng và cả ngoài lòng biển toàn là rác. Thật khủng khiếp, rác dày cả mét" - Thương nói.

Là phóng viên theo đuổi đề tài "sống tử tế" ở Đài phát thanh - truyền hình Quảng Ngãi, Thương đau đớn khi nhìn thấy con người không tử tế với biển khơi. Trong khoảnh khắc đôi chân đứng lì trên bãi rác, Thương quyết định làm "cuộc cách mạng" cho biển Sa Cần. 

Thương quay hình rác thải bao phủ cả một bờ biển dài chừng 2km rồi đưa lên trang Facebook của mình cùng với lời kêu gọi "Tử tế với Sa Cần". Những lượt chia sẻ kéo câu chuyện của Sa Cần tỏa đi nhanh chóng.

Chiến dịch "giải cứu" cửa biển cuối nguồn sông Trà Bồng bắt đầu thu hút đông người tham gia. Team "Tử tế với Sa Cần" được lập nên, cả thanh niên địa phương lẫn những người chưa hề đến Sa Cần trước đó tụ lại. 

"Hành động trước khi quá muộn", "Đừng bắt biển chịu đựng rác thải nhựa của con người", "Chúng ta quá tàn nhẫn với thiên nhiên"... những bình luận kéo theo hành động của những con người trẻ đầy nhiệt huyết.

"Cả nhóm ai cũng nhìn nhận đây là trách nhiệm của thế hệ chúng ta, không thể đùn đẩy việc dọn rác thải đổ ra đại dương cho người khác nữa. Và thế là chúng tôi bắt đầu hành động. Chúng tôi rất sợ khi chúng ta nhận ra cần hành động thì đã quá muộn rồi" - Thương chia sẻ.

Nhóm "Tử tế với Sa Cần" cũng thật đặc biệt bởi có rất nhiều thành phần tham dự với những mục tiêu khác nhau, nhưng cùng chung mục đích là dọn sạch rác thải. Có người là cán bộ Sở Tài nguyên - môi trường, người là hiệu trưởng trường mẫu giáo, đại diện hãng du lịch lữ hành chuyên dẫn tour trở về với thiên nhiên, thậm chí có người đã đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải lâu năm cũng tham gia... 

"Cô hiệu trưởng đi với mong muốn sẽ có bài học hình ảnh cho học trò của mình; người làm du lịch muốn dọn sạch biển để có thể đưa khách về khám phá sông Trà Bồng và khu vực cửa biển Sa Cần... Câu chuyện của tôi đã kết nối mọi người lại, và điều vui nhất là tôi nhìn thấy một thế hệ dần biết sống có trách nhiệm với môi trường" - anh Thương thổ lộ.

Tử tế với Sa Cần - Kỳ 1: Câu chuyện của Thương - Ảnh 3.

Máy đào rác được thuê từ tiền của bà Nga - Ảnh: TRẦN MAI

Người địa phương xấu hổ và ra tay

Khi câu chuyện trên trang Facebook cá nhân Thương đến với Sa Cần, người dân cửa biển đọc và cảm thấy xấu hổ. Bà Nga là chủ một vựa cá, nhà ở cách cửa biển chừng 2km, nhưng đến 20 năm rồi bà chưa ra bãi biển sau cái lần nhìn thấy biển quá nhiều rác.

Sau hơn 20 năm, bà Nga trở lại bờ biển ấy, nhìn lượng rác khủng khiếp hơn ngày xưa. Người phụ nữ sống dựa vào những con cá cảm thấy xót xa cho vùng biển quê mình. Thế là bà Nga bỏ tiền túi 25 triệu đồng thuê một máy đào và bắt đầu kêu gọi người dân ra bãi rác để cứu lấy biển. Sau 8 ngày cả làng đi dọn rác và các bà nội trợ bàn luận việc hạn chế sử dụng túi nilông đủ để bà Nga thấy vui.

Cuộc giải cứu cửa biển Sa Cần do chính những người vợ, người mẹ phát động kéo theo là đoàn viên thanh niên, bộ đội diễn ra trước cả khi đội "Tử tế với Sa Cần" ra tay dọn rác. 

Tám ngày liên tục, người dân đã dọn sạch cơ bản lượng rác thải trên bãi cát. Kể về câu chuyện tự nguyện dọn rác, bà Đỗ Thị Thu Dung (55 tuổi) - chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Hải Ninh (xã Bình Thạnh) - nhớ như in cái hôm ra chợ gặp bà Nga. 

"Chị Nga bảo tôi phải tập hợp chị em và thanh niên trong thôn để dọn rác. Môi trường bẩn quá nhìn lo âu, rồi con cháu sống sao khi đổ mãi ra mà không ai chịu dọn" - bà Dung cho biết.

Thế là bà Dung đến từng nhà dân, có người ủng hộ, có người từ chối tham gia. Bà Dung không ép, chỉ cảm ơn và ra về. Nhưng khi số người nhận lời tham gia ra biển dọn rác, những người từ chối cũng lần lượt theo ra. 

Tám ngày với cả trăm con người liên tục dọn dẹp vẫn chẳng thể làm sạch hoàn toàn cửa biển Sa Cần. Bà Dung biết rác nhiều nhưng không thể ngờ khi máy đào cạp cát lên, cả mét rác toàn bao nilông và chai nhựa. Thậm chí nhiều chỗ rác còn nhiều hơn cát. Chính người dân bao đời sinh sống ở cửa biển Sa Cần cảm thấy sốc khi thấy bờ biển quê mình chỉ toàn rác và rác. Nhiều nhất là túi nilông, các loại chai nhựa, lưới cá...

Tử tế với Sa Cần - Kỳ 1: Câu chuyện của Thương - Ảnh 4.

Núi rác khổng lồ tồn đọng mấy chục năm đang được người địa phương dọn dẹp - Ảnh: DUY SINH

"Chuyện vẫn còn rất dài"

Ngày 4-8, khi dự án cộng đồng "Tử tế với Sa Cần" chính thức đến cửa biển Sa Cần, Thương và nhóm của mình hết sức bất ngờ khi nhìn thấy sự thay đổi của bờ cát vàng phủ dọc theo những danh thắng tuyệt đẹp ở nơi này. Vẫn đoạn đường y hệt trước đây, nhưng rác đã được dọn sạch.

Thương quay lại đoạn phim để đối chiếu, ai cũng thấy sự tương phản rõ rệt giữa clip trước và clip sau. Thương cảm ơn bà con đã vì môi trường sống của mình mà hành động.

Và đây là điều mà người đàn ông tử tế 35 tuổi này đã nói: "Chỉ khi nào rác và việc bảo vệ môi trường nằm trong suy nghĩ của từng người, lúc đó sẽ chẳng còn rác để mà dọn. Dĩ nhiên là chuyện vẫn còn rất dài và còn nhiều việc phải làm vì sự sạch sẽ của môi trường biển ở Sa Cần nói riêng và biển khắp đất nước này nói chung".

Kỳ tới: Người hùng thầm lặng

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên