Các phạm nhân tham gia lớp học nội quy tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), có đại biểu Quốc hội đề xuất xem xét hình thức "tù tại gia" đối với các tội phạm nhẹ để giảm tình trạng xây nhà tù, giảm tải kinh phí cho ngân sách. Đây là đề xuất mang tính "đột phá" nên đã thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Có thể nói hình thức giam giữ "tù tại gia" đã được áp dụng, triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Hình thức giam giữ này đã mang lại một số kết quả như giảm được chi phí xây dựng nhà tù, chi cho cán bộ quản giáo, kinh phí chăm sóc, ăn uống, sinh hoạt của tù nhân…
Tuy nhiên, ở nước ta chưa phải là thời điểm thích hợp để cho phép áp dụng hình thức tù này. Vì những lý do sau:
Thứ nhất, hình thức "tù tại gia" là phạm nhân bị giam giữ tại nhà, hạn chế tối đa sự đi lại của phạm nhân, trừ trường hợp đặc biệt như ốm đau, trình diện cơ quan chức năng. Việc giam giữ dạng này không chỉ dựa vào tinh thần tự giác của phạm nhân, quản lý của gia đình mà còn có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng thông qua hỗ trợ của công nghệ.
Thông thường phạm nhân được gắn chíp điện tử truyền tín hiệu qua định vị GPS về nơi quản lý, có thể là trụ sở cảnh sát hoặc một công ty quản lý dịch vụ giám sát để theo dõi. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có đủ phương tiện, công nghệ tiên tiến nên không thể triển khai hình thức "tù tại gia" được.
Thứ hai, hình thức "tù tại gia" thường do các công ty tư nhân chuyên về quản lý dịch vụ giam giữ thực hiện theo dõi, giám sát phạm nhân thực hiện. Nhưng hiện nay pháp luật nước ta chưa có cơ chế, hành lang pháp lý cho việc ra đời các công ty thuộc dạng này nên việc "tù tại gia" rất khó thực hiện và không có nhiều ý nghĩa.
Ngược lại nếu đưa buồng sắt đến nhà phạm nhân, nhốt phạm nhân vào đó và giao cho cha mẹ, vợ chồng, con cái người ta chăm sóc thì hàng ngày nhìn thấy cảnh người thân bị nhốt như vậy họ lại đau lòng thêm lại không có ý nghĩa giáo dục phạm nhân. Thậm chí, áp dụng cách thức giam giữ này phạm nhân có cảm giác bị xem như nhốt... vật nuôi, rất phản cảm!
Thứ ba, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của nhiều người dân, nhất là những kẻ phạm tội chưa tốt. Do đó, nếu triển khai hình thức tù này rất dễ xảy ra vi phạm như yêu cầu trình diện họ lại không đến, tự ý ra khỏi nơi cư trú… khi đó rất phức tạp, khó khăn cho cơ quan quản lý.
Ngoài ra, xã hội Việt Nam có cách nhìn, quan niệm đối với phạm nhân là khá nặng nề. Vì thế, rất khó chấp nhận cùng chung sống với phạm nhân phải thi hành án trong cùng môi trường. Tâm lý đa số người dân thường đòi hỏi người phạm tội phải hoàn toàn cách ly đối với đời sống xã hội, phải chịu hình phạt giam giữ, đúng nghĩa "đi tù" mới chịu!
Do đó, thời điểm hiện tại chưa nên triển khai hình thức "tù tại gia". Chỉ khi đáp ứng được yêu cầu công nghệ, cho phép công ty tư nhân được tham gia việc quản lý, giám sát giam giữ phạm nhân, đặc biệt ý thức tuân thủ pháp luật của người dân và xã hội được nâng cao, tốt lên thì hãy triển khai. Như vậy sẽ hạn chế, phòng ngừa những rủi ro, phức tạp có thể xảy ra khi áp dụng hình thức "tù tại gia" ở thời điểm hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận