Từ những vấn đề lớn như ý thức về chủ quyền quốc gia (sách dạy học, tham khảo cho trẻ em có ảnh minh họa là cờ Trung Quốc, số điện thoại cứu hỏa là số cứu hỏa của Trung Quốc), đến vấn đề nhỏ hơn nhưng cũng không kém phần quan trọng như sai tên dịch giả, tác giả, sách dạy ngoại ngữ dịch từ sách Trung Quốc, lập lờ bản quyền...
Phóng to |
Cũng trong hai tuần qua, cứ mỗi khi phát hiện một “ca” nào như vậy, các “nhà” có liên quan - nhà xuất bản, nhà liên kết xuất bản... đến các cá nhân có liên đới lại lên tiếng xin lỗi - rút kinh nghiệm - thu hồi để chỉnh sửa... Cứ thế, mỗi ngày điệp khúc phát hiện - xin lỗi - thu hồi lặp đi lặp lại. Và không biết đến bao giờ thì những “phát hiện” này mới dừng lại trong khi hằng ngày vẫn có rất nhiều sách học, sách tham khảo các kiểu được phát hành.
Biết rằng trách nhiệm hậu kiểm để đảm bảo sách “có vấn đề” không lọt lưới ra thị trường thuộc về các cấp quản lý văn hóa, nhưng với tình hình như hiện nay, các nhà quản lý văn hóa sẽ khó lòng kiểm tra được hết tất cả những lỗi đã nêu, đặc biệt với những sai sót có khi là hiếm ngờ tới.
Giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết tình trạng này nằm chính ở người viết/biên soạn sách và các nhà xuất bản. Hơn ai hết, họ hiểu rằng mình từng viết/biên soạn, duyệt xuất bản bao nhiêu sách “nằm trong nhóm có nguy cơ sai sót”. Chính họ chứ không phải ai khác biết rõ sách đứng tên mình thực chất là đã tùy tiện “mượn” của ai và sao chép từ đâu (?). Nhiều sạn lớn sạn nhỏ cũng từ sự cẩu thả, lập lờ đó mà ra. Có ý thức và có trách nhiệm tự rà soát lại sản phẩm của mình trước khi bị người đọc phát hiện bởi thế là việc rất nên làm. Tự soi mình để tự dọn mình cũng vì lẽ đó.
Như một động thái có tính tích cực trong việc “tự soi” này, ngày 22-3-2013 đại diện Nhà xuất bản Trẻ vừa gửi một lá thư xin lỗi đến độc giả thông qua các cơ quan truyền thông đại chúng về việc in nhầm hình Nguyễn Trãi thay vì Lê Quý Đôn và sai tên dịch giả trên bìa sách của 40 bộ Kiến Văn Tiểu Lục (gồm 80 quyển) vừa được phát hành.
Thư viết: “Lỗi sai này cực kỳ nghiêm trọng đối với chúng tôi, chúng tôi thật lấy làm xấu hổ về điều này. Ban giám đốc Nhà xuất bản Trẻ và toàn thể nhân viên cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi bạn đọc. Ngay lập tức, chúng tôi sẽ thu hồi và chỉnh sửa những ấn phẩm có sai sót này. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tiến độ sửa chữa, phát hành của bộ sách này. Chúng tôi xin hứa sẽ đưa ra thị trường bộ Kiến Văn Tiểu Lục sửa chữa ở mức hoàn chỉnh nhất”.
Làm sách, đặc biệt là sách văn hóa - giáo dục, là một phần của việc “trồng người”, giúp độc giả người lớn học tập thêm kiến thức, bồi bổ tâm hồn trẻ thơ thêm nhân văn. Hơn bao giờ hết, “tự soi” đang là một yêu cầu bức thiết của độc giả với những người làm sách chứ không chỉ thuần túy là lời kêu gọi hay đề nghị. Độc giả không muốn phải mua những cuốn sách có sai sót như thế nữa!
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận