Một nữ du khách thích thú chụp lại những bức ảnh Thảo Cầm Viên xưa được trưng bày - Ảnh: Q.Khải |
Trải qua 150 năm hình thành và phát triển, dù có nhiều tên gọi khác nhau nhưng Thảo Cầm Viên Sài Gòn vẫn giữ được nét độc đáo riêng giữa trung tâm Sài Gòn hoa lệ và là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách trong ngoài nước, nhiều em nhỏ đến tham quan học tập.
Ngày 22-12, Công ty TNHH một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã tổ chức triển lãm ảnh và hội thảo kỷ niệm 150 năm ngày thành lập.
Vườn Bách Thảo được ông Louis Adolph Germain - một y sĩ thú y thuộc quân viễn chinh Pháp triển khai quy hoạch và thiết kế sơ bộ ban đầu với những khu vực cho việc ươm trồng các loài thực vật, xây dựng một số chuồng trại cho người dân có thể gửi vào những loài động vận bản địa.
Ngày 28-3-1965, ông J.B. Louis Pierre nhậm chức giám đốc Vườn Bách Thảo (trước đó ông là người phụ trách vườn Bách Thảo Calcuta - Ấn Độ).
Ông đã du nhập nhiều loài cây nhiệt đới từ các nước châu Mỹ, châu Phi và khu vực Đông Nam Á đưa về trồng tại các công viên (trong đó có công viên Tao Đàn), đường phố như: xà cừ, giáng hương, lòng mang lá cò ke, dầu…
Năm 1924, Vườn Bách Thảo Sài Gòn được mở rộng qua bên kia kênh Thị Nghè, rộng thêm 13ha, và tên gọi được thay đổi là Cognag. Một chiếc cầu bắc qua hai bờ kênh được xây dựng năm 1927 được đặt tên là cầu ông Nghè.
Ngay cả những thợ chụp ảnh lâu năm cũng khá bất ngờ thích thú với những tấm hình xưa của Thảo Cầm Viên - Ảnh: Q.Khải |
Trong giai đoạn 1926-1929, nhiều công trình như đền Vua Hùng, bảo tàng lịch sử được xây dựng với kiến trúc Đông - Tây kết hợp. Bên cạnh đó nhiều chuồng trại quy mô lớn được xây dựng và tồn tại đến ngày nay như chuồng cọp, chuồng khỉ.
Nhiều loại thú trong nước và nước ngoài được đưa về nuôi dưỡng với số lượng hơn 500 con nên Vườn Bách Thảo còn được gọi tên là Sở Thú.
Từ năm 1942-1954, Sở Thú trở thành nơi quân đội Pháp, Nhật đồn trú nên nhiều chuồng trại bị hư hỏng. Đến năm 1956 chính quyền Sài Gòn tiếp quản sửa sang lại đồng thời đổi tên thành Thảo Cầm Viên cho đến hôm nay.
Trải qua 150 năm hình thành và phát triển, từ số lượng hạn chế động, thực vật, đến nay Thảo Cầm Viên chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 120 loài với số lượng hơn 1.000 cá thể (con).
Trong đó có nhiều động vật quý hiếm của VN và thế giới như: báo lửa, vượn má vàng, trĩ sao, tê giác, hưu cao cổ, hổ Đông Dương, hổ trắng… đồng thời chăm sóc hơn 2.490 cây xanh, có nhiều loài quý hiếm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận