31/03/2018 11:00 GMT+7

Từ sân trường đến giấc mơ Olympic

H.ĐĂNG - T.PHÚC
H.ĐĂNG - T.PHÚC

TT - Một ngày học 7 giờ nhưng tập luyện chỉ khoảng 3 giờ, liệu có thể mơ đến đẳng cấp VĐV quốc tế? Với trường hợp của 2 VĐV trong tuyển cầu lông trẻ TP.HCM Vũ Thị Anh Thư (16 tuổi) và Nguyễn Hải Đăng (17 tuổi), câu trả lời là có.

*** Error ***
Bộ đôi cùng tiến Anh Thư - Hải Anh. Ảnh: T.P

Bằng phong độ xuất sắc trong một năm qua, Anh Thư - Hải Đăng giờ đây đang tiến sát đến chiếc vé dự Olympic trẻ 2018 sẽ diễn ra ở Buenos Aires (Argentina) vào tháng 10.

Học nhiều hơn tập

HLV Văn Tuấn Kiệt, người phụ trách đội cầu lông trẻ TP.HCM, cho biết 2 vé dự Olympic trẻ hiện đã nằm trong tầm tay của Anh Thư và Hải Đăng. Cụ thể, sắp tới Anh Thư và Hải Đăng chỉ cần giành vé vào vòng tứ kết ở giải đấu tại Cộng hòa Cyprus là đủ điểm dự Olympic trẻ. Theo quy định, mỗi nội dung đánh đơn môn cầu lông ở Olympic trẻ có 32 VĐV tham dự và mỗi quốc gia chỉ được cử một người. Thứ hạng của Hải Đăng hiện là 26, còn Anh Thư hạng 29.

Giành vé dự Olympic trẻ là một vinh dự đặc biệt ở bộ môn cầu lông, bởi trước Anh Thư và Hải Đăng chỉ có một số ít VĐV tên tuổi như Phạm Cao Cường, Vũ Thị Trang đoạt được. Đáng nói ở chỗ cả hai tay vợt trẻ này cách đây một năm vẫn chưa đi học ở Trường THPT Năng khiếu TDTT TP.HCM. Học ở những mái trường bình thường như bao học sinh khác, Anh Thư và Hải Đăng phải đối mặt với “cuộc chiến thời gian” vô cùng khó khăn.

“Mỗi ngày tôi đi học vào buổi sáng, buổi chiều phải học, làm bài ở trường và đi học thêm các môn toán, lý, hóa, tính ra tôi học khoảng 7 giờ/ngày. Đến tối mới tập luyện cùng tuyển cầu lông TP.HCM 2-3 giờ” - Anh Thư kể. Đó là lịch sinh hoạt của Anh Thư cách đây một năm, thời điểm cô còn theo học Trường THPT Diên Hồng (Q.10). Đến tận năm lớp 11, Anh Thư mới chuyển sang học Trường Năng khiếu TDTT TP.HCM để tập trung tối đa mục tiêu giành vé dự Olympic trẻ.

Quê ở Đồng Nai, cô gái vóc người mảnh khảnh này có một tuổi thơ khá khác lạ so với những VĐV ở tỉnh khác. Năm 10 tuổi, Anh Thư mới đến với cầu lông và chỉ tập nghiệp dư đến khi tham dự Giải cầu lông thiếu niên toàn quốc một năm sau đó, rồi bất ngờ đoạt huy chương. Được Trung tâm TDTT tỉnh Đồng Nai gọi vào tuyển, gia đình Anh Thư vẫn quyết định cho cô duy trì việc tập luyện “cho vui” với thầy cũ ở trường.

Ông Vũ Ngọc Thành, cha Anh Thư, cho biết: “Khi đó, tôi không tin tưởng vào con đường VĐV chuyên nghiệp cũng như điều kiện tập luyện ở Đồng Nai nên vẫn muốn cho Thư theo con đường học hành bình thường”. Một năm sau, Anh Thư tình cờ lọt vào “mắt xanh” của HLV tuyển cầu lông TP.HCM Nguyễn Thế Huy. Được mời vào tuyển TP.HCM tập luyện, đến lúc này ông Thành mới quyết định cho Thư theo đuổi con đường VĐV.

Ở tuổi 12, Anh Thư lên TP.HCM ở chung với anh chị để tập luyện trong tuyển TP.HCM. Dù vậy, gia đình Anh Thư vẫn muốn cho con gái tập trung vào con đường học hành. Thư được cho học trường công lập ở TP.HCM và có lịch học như các bạn bè cùng trang lứa.

Tập cầu lông nhưng không quên rèn ngoại ngữ

So với Anh Thư, Hải Đăng thuận lợi hơn nhờ sinh trưởng ở TP.HCM. Nhưng chàng trai 17 tuổi này cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc sắp xếp giữa việc học và tập luyện khi học ở trường ngoài. Có lẽ vì hoàn cảnh khá giống nhau nên Anh Thư, Hải Đăng trở thành bộ đôi thân thiết cùng tiến trong tuyển cầu lông TP.HCM. Chở nhau đi tập hằng ngày, cả hai còn thường phối hợp khi tham dự các nội dung đánh đôi và có sự tiến bộ thần tốc trong một năm qua.

Nhận định về Anh Thư và Hải Đăng, HLV Kiệt nói: “Cả Thư và Đăng đều có điểm chung là tinh thần tự giác rất cao. Vì vậy, tuy chỉ có 2-3 giờ tập mỗi ngày nhưng cả hai vẫn đạt hiệu quả cao nhất trong đội. Nhưng như vậy vẫn rất khó vì mỗi ngày sau khi học xong đã là 6-7h tối, các em đã mệt, tinh thần cũng khó mà tập trung, hiệu quả tập luyện chưa thể nào đạt đến 100% được. Vì vậy, đến năm rồi tôi mới khuyên phụ huynh cho cả hai vào Trường Năng khiếu TDTT để tiện hơn cho việc tập luyện”.

Ở độ tuổi U-18, cả Anh Thư và Hải Đăng đều sớm có ý thức về tương lai của mình. Cả hai tự tìm ra cách thức để cân bằng quá trình tập luyện cũng như học tập, bổ sung kiến thức cho cuộc sống sau này. “Bây giờ tôi đã quyết chí tập trung vào con đường VĐV chuyên nghiệp nên dành nhiều thời gian hơn cho việc chơi cầu lông. Tôi cũng từng suy nghĩ về việc sau này vào đại học, học một ngành không liên quan đến thể thao. Song hành việc học văn hóa cùng cuộc đời VĐV chuyên nghiệp, điều này tuy khó nhưng trước mắt tôi sẽ không bỏ bê việc học, ít nhất là trong việc rèn luyện ngoại ngữ. Mỗi lần đi nước ngoài tập huấn, tôi vẫn thường chủ động giao tiếp với VĐV các nước để nâng cao khả năng nghe, nói” - Anh Thư cho biết.

Đàn em Tiến Minh, Vũ Thị Trang

Ngoài HLV Văn Tuấn Kiệt, đôi “uyên ương vàng” của làng thể thao VN Tiến Minh - Vũ Thị Trang cũng có tác động vào sự thăng tiến của Anh Thư và Hải Đăng.

Cùng tập luyện ở Trung tâm TDTT Phú Thọ, Tiến Minh và Vũ Thị Trang thường chỉ dạy ít nhiều cho hai tay vợt đàn em khi Tiến Minh phụ trách Hải Đăng, còn Vũ Thị Trang lo cho Anh Thư. Ông Vũ Ngọc Thành cho biết rất mừng khi thấy con được tập chung với hai tay vợt được xem như hình mẫu của giới cầu lông chuyên nghiệp.

H.ĐĂNG - T.PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên