TTCT - Mới cách đây mấy tuần, người ta vẫn xem chuyện theo dõi người dùng điện thoại di động để biết họ đi đâu, gặp ai là chuyện riêng tư, nhà nước không được đụng tới. Thế mà nay hàng loạt nước đã triển khai các ứng dụng tận dụng điện thoại di động như một công cụ hỗ trợ chuyện cách ly, phòng chống dịch bệnh. Ảnh: WIREDĐi xa nhất là Hàn Quốc. Theo Business Insider, Hàn Quốc sử dụng dữ liệu thu thập được từ điện thoại di động để lập nên một bản đồ mà người dân có thể truy cập được để kiểm tra xem họ có tình cờ tiếp xúc với người nhiễm bệnh hay không. Chính phủ Hàn Quốc còn sử dụng dữ liệu này để gửi tin nhắn cảnh báo người dùng nếu họ có thể đã tiếp xúc với nguồn bệnh. Tờ Washington Post cho biết tin nhắn rất cụ thể, ví dụ thông báo có người nhiễm bệnh ghé qua “tiệm karaoke Magic Coin ở Jayang-dong vào nửa đêm ngày 20-3”. Tờ Guardian trích một tin nhắn khác: “Một phụ nữ 60 tuổi vừa mới xét nghiệm dương tính. Hãy nhấn vào đây để biết lộ trình di chuyển của người này trước khi nhập viện”.Singapore cũng có một ứng dụng tương tự, gọi là TraceTogether vừa mới phát hành vào ngày 20-3. Theo Strait Times, ứng dụng có thể xác định những người đã từng đến gần người bị dương tính virus corona trong vòng 2m kéo dài trên 30 phút. Dù không bắt buộc cài, những ai đồng ý sử dụng ứng dụng này phải bật Bluetooth lên, cho phép theo dõi vị trí và đồng ý nhận thông báo. Nếu có người xét nghiệm dương tính, những ai từng tiếp xúc sẽ được thông báo ngay.Đài Loan nay có thể biết ngay ai đang phải tự cách ly ở nhà mà lại ra khỏi nơi cách ly nhờ một ứng dụng theo dõi vị trí người dùng thông qua điện thoại di động. Nhờ thế, bất kỳ ai vi phạm lệnh cách ly sẽ bị phát hiện ngay và trong vòng 15 phút sẽ có cảnh sát đến hiện trường.Ở Áo, hãng viễn thông lớn nhất nước này là Telekom Austria cho biết họ bắt đầu chia sẻ thông tin về vị trí người dùng với chính phủ nhưng ở dạng dữ liệu chung, không gắn với tên tuổi cụ thể. Mục đích là giúp chính quyền nắm được lượng người ở những địa điểm họ cần kiểm soát. Hình thức hợp tác này trước dịch khó lòng hình dung sẽ xảy ra nhưng giờ đây đang được triển khai ở nhiều nước như Bỉ, Đức, Ý… Nhờ thế mà, theo tờ Guardian, tính đến ngày 18-3 chính quyền nước Ý đã phạt 40.000 người vi phạm lệnh phong tỏa.Theo Washington Post, các ông lớn công nghệ như Google, Facebook đang bàn chuyện hợp tác với Chính phủ Mỹ nhằm tổng hợp dữ liệu di chuyển của dân Mỹ. Thông tin này có thể giúp các nhà hoạch định chính sách kiểm tra xem lệnh tự cách ly, lời kêu gọi “không tiếp xúc cộng đồng” có được tuân thủ và cần thêm biện pháp nào nữa để chặn sự lây lan của dịch trong các cộng đồng.Điều đáng nói là những tiếng nói ủng hộ việc theo dõi dữ liệu người dùng miễn sao nó giúp chặn đứng dịch bệnh đang chiếm phần áp đảo. Bloomberg có một bài xã luận cho rằng thật mỉa mai nếu người ta dùng điện thoại di động để săn quái thú được thì sao lại ngập ngừng khi dùng cũng chức năng ấy để chiến đấu chống lại một con virus có thể gây ra cái chết lên đến hàng triệu người.Đa số ý kiến cho rằng nên xem khả năng theo dõi dấu chân của người dùng điện thoại di động là cơ hội hơn là mối nguy nếu việc theo dõi đó giúp xác định người bị lây nhiễm, cảnh báo cho người từng tiếp xúc, và kiểm tra xem việc cách ly có được tuân thủ nghiêm túc hay không.Chỉ mới cách đây mấy tuần, tờ New York Times có bài phóng sự dài về việc Trung Quốc yêu cầu người dân cài một ứng dụng rồi cấp cho họ một mã QR kèm theo màu: xanh thì đi lại tự do, vàng phải tự cách ly trong 7 ngày và đỏ nghiêm cấm đi lại, phải cách ly 14 ngày. Lúc đó tờ báo này tỏ vẻ lo ngại chuyện một xã hội bị kiểm soát có thể kéo dài sau khi dịch đã qua.Không ai muốn biến chiếc điện thoại di động của chúng ta thành một phiên bản kỹ thuật số cái chuông của người bị hủi thời Trung cổ phải đeo để cảnh báo người khác. Nhưng có một ứng dụng trên điện thoại dựa vào vị trí để cảnh báo người dùng phải rửa tay ngay sau khi đi đâu về sẽ là một công cụ phòng dịch rất đắc lực.Ở quy mô xã hội, nếu bật điện thoại lên mà biết chúng ta đang đi vào khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao thì dù quyền riêng tư có bị xâm phạm tới một mức độ nào đó, có lẽ mọi người cũng chấp nhận được trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ dữ liệu phải chính xác, không bị lạm dụng vào mục đích khác và việc theo dõi chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp như để chống chọi với dịch bệnh. ■ Tags: An toàn thông tinVirusĐiện thoại di độngBảo mật dữ liệuTự do cá nhânChống dịch COVID-19Theo dõi người nhiễm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố về hành vi môi trường NHƯ BÌNH 22/11/2024 72% người Việt nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường. Nhưng khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.