20/04/2007 06:28 GMT+7

Tủ sách văn Học VN bằng tiếng Anh và tiếng Hoa: Ước mơ lớn của Lý Lan

NGỌC BÍCH thực hiện
NGỌC BÍCH thực hiện

TT - Dù đang cùng chồng sống ở nước ngoài, nhà văn Lý Lan vẫn âm thầm làm được những việc không nhỏ cho văn hóa đọc, đau đáu ước muốn làm sao để văn học VN đến được với nhiều người đọc trên thế giới.

7lucvf07.jpgPhóng to

Nhà văn Lý Lan - Ảnh: T.B.

Và kế hoạch về một tủ sách đã được chị tha thiết bày tỏ nhân dịp về thăm quê.

* Nghe nói chị về ăn tết, rong chơi với bạn bè, ai ngờ trước khi đi chị cũng làm được nhiều việc.

- Toàn là những việc bao đồng. Chỉ có việc hoàn tất bản thảo tập Miên man tùy bút để cho ra mắt vào cuối tháng tư là đáng khoe với bạn đọc thôi.

* Còn việc chị cùng các đối tác liên kết xây dựng tủ sách văn học song ngữ được tiến hành ra sao?

- Tôi nghĩ đã đến lúc cần xuất bản tác phẩm văn học VN bằng những ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, như tiếng Anh, tiếng Hoa. Anh Đức Bình, giám đốc nxb Văn Nghệ, vừa ký với tôi hợp đồng xuất bản một tập truyện ngắn và một tập thơ song ngữ Việt - Anh trong năm 2007. Bên cạnh đó, đại diện NXB Văn Nghệ và Công ty văn hóa Phương Nam cũng đã gặp gỡ các nhà văn sáng tác bằng tiếng Hoa ở Chợ Lớn tạo tiền đề cho sự hợp tác sau này: song song với xuất bản tác phẩm của các nhà văn người Hoa, sẽ cho dịch và xuất bản tác phẩm văn học VN bằng tiếng Hoa.

* Vì sao chị đề xuất ý tưởng này?

- Tôi thấy có nhu cầu đó. Người nước ngoài đến VN làm ăn, nghiên cứu, sinh sống, du lịch khá nhiều... cho dù chỉ một số rất ít muốn biết về văn học VN, 1% chẳng hạn, thì con số cũng là nhiều ngàn. Một số không nhỏ những người Việt trẻ sinh trưởng ở nước ngoài cũng có nhu cầu tìm về nguồn cội thông qua tác phẩm văn học, nhưng lại không đọc trôi chảy tiếng Việt.

* Trong khi đó, tác phẩm văn học VN được dịch và xuất bản ở nước ngoài lại chưa nhiều…

- Một phần tác phẩm văn học VN được dịch và xuất bản ở nước ngoài tuy chưa được phong phú, đa dạng, chủ yếu thông qua quan điểm và lợi ích của người ta, cũng góp phần phổ biến văn học VN trên thế giới. Mình cảm ơn người ta nhưng mình cũng cần có tiếng nói của chính mình. Thị trường ngoài nước vẫn còn nhu cầu, thị trường trong nước vẫn còn bỏ ngỏ, mà sách là sản phẩm hiện nay chúng ta có đủ tài nguyên nhân lực để tạo ra thì tại sao ta lại thờ ơ!

Tôi cũng có cơ hội dự nhiều hội sách ở Âu Mỹ, nhiều khi nghẹn ngào vì không có được một cuốn sách văn học nào là sản phẩm VN thật sự để giới thiệu với bạn bè. Thỉnh thoảng đi các nhà sách ở trong nước với bạn bè nước ngoài, tôi tìm đỏ con mắt cũng không ra mấy tác phẩm văn học đương đại của VN đã được chuyển ngữ để giới thiệu với bạn, cuối cùng phải mua những cuốn sách “luộc” lại các sách xuất bản ở nước ngoài bán lén lút ở vỉa hè. Có người cần mua để nghiên cứu, có người đọc để trám thời gian chết như khi chờ tàu xe chẳng hạn. Một cuốn sách xuất bản ở đây nếu bán giá bìa 5-7 USD thì có sức cạnh tranh (giá sách tương tự ở nước ngoài cao gấp 3-4 lần) mà lại có ý nghĩa hơn.

Trong giao lưu với đối tác nước ngoài, những món quà lưu niệm hay hàng tiêu dùng đã lỗi thời (ở đâu cũng có thể sản xuất na ná nhau) nên tặng sách văn học hay sách về văn hóa xứ mình mới độc đáo. Tất nhiên sách phải có nội dung hay và bằng thứ tiếng người ta đọc được. Tiếng Anh phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, tiếng Hoa cũng có khoảng một tỉ rưỡi người sử dụng. Riêng khu vực Đông Nam Á và Đông Á của chúng ta, tiếng Hoa rất thông dụng. Nên đã đến lúc chúng ta cần có tủ sách văn học VN bằng tiếng Anh và tiếng Hoa.

* Chị có kinh nghiệm thú vị nào trong việc này không?

- Tôi dịch một bài thơ tiếng Việt sang tiếng Anh đưa cho hai người Mỹ xem, cả hai đều là tiến sĩ và giáo sư đại học. Một người đọc đi đọc lại và bảo là không cần sửa sang (không sai ngữ pháp, chính tả!). Người kia, nhà thơ Bruce Weigl, sau khi trò chuyện với tôi về bài thơ đã sửa một hai chữ, đổi vài chỗ ngắt câu, rồi nói đây là một bài thơ hay, và khi tôi đọc trước công chúng, nhiều người cũng nói vậy, ngay cả vị giáo sư đã đọc bản dịch đầu tiên của tôi cũng ngạc nhiên khi đọc lại bản đã được nhà thơ hiệu đính. Tôi nghĩ việc tìm được người “hiệu đính” là nhà thơ hay nhà văn tài hoa là chìa khóa thành công của đề án này. Hiện nay tôi đã thuyết phục được hai người và đang thuyết phục thêm ba người nữa.

Đối với phần dịch từ Việt sang Hoa thì thuận lợi hơn: các nhà thơ, nhà văn người Hoa ở Chợ Lớn đều am hiểu văn hóa lẫn ngôn ngữ VN, họ sống tại đây và luôn luôn có thể trao đổi với chính tác giả đương đại trong quá trình dịch thuật...

* Công việc chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn khi thực hiện, nên không chỉ cần tâm huyết, tài năng mà còn cần sự hỗ trợ cụ thể…

- Mình đi tiên phong thì phải tự mở đường mà đi, biết trông cậy vào ai! Chỉ mong khi đường đã mở thì người đi sau sẽ có nhiều thuận lợi hơn, và dòng sông văn học VN có thể hòa vào biển lớn.

* Xuất thân là một nhà văn nhưng mới đây tập thơ Là mình của chị lại được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM. Người đọc bất ngờ, còn với chị, khi viết được một truyện ngắn và một bài thơ, chị thấy cái nào “sướng” hơn?

- Không có cái nào sướng cả. Viết cực lắm.

* Xin cảm ơn chị.

NGỌC BÍCH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên