Từ sách - từ phim
(Nhân đọc Mười tám thôn Vườn Trầu của Trần Nhật Vy)
Phóng to |
Sách do NXB Văn Hóa - Văn Nghệ ấn hành Ảnh: L.Điền |
Nhưng đây rồi, không phải đếm cây số làm gì. Vì tôi đang nghe mùi trầu cay, vôi nồng, mùi cau chát quyện vào nhau thành cái mùi cổ trầu của ngoại, của vú nuôi, của dì Hai - cái mùi của má!
Mùi cổ trầu phải chăng đã gây ghiền cho tuổi ấu thơ còn bú sữa mẹ? Cái mùi gây ngủ mê, cái mùi say giấc cho trẻ con mau lớn: mùi mẹ! Giờ thì kiếm đâu ra? Vậy mà Trần Nhật Vy đã tìm ra, rồi không thể nào quên ở những trang Lời cuối sách: "Tôi không sinh ra tại Vườn Trầu, nhưng từ lúc biết đi lẫm đẫm đã sống ở quê của má ấp Ðông Lân, Bà Ðiểm. Tôi lớn lên dưới bóng cau, dưới những đám trầu và những vạt tầm vông... Quanh tôi là những người phụ nữ không chồng phải nai lưng làm lụng khuya sớm để nuôi con...".
Ðó là ai vậy?
Tôi ao ước có nhiều bạn yêu sách cầm trên tay mình cuốn sách Mười tám thôn Vườn Trầu của Trần Nhật Vy, để biết rõ miền đất anh hùng này có máu xương những người thân yêu của tác giả. Biết những người thân của mình sống và sống như thế nào, không phải ai cũng biết và viết lên, gây cho người đọc một lòng kính yêu đồng cảm.
Năm 1999, Vy nghe đoàn sưu tầm dân ca Nam bộ về Bà Ðiểm, Hóc Môn. Vy lặng lẽ đi cùng. Tôi nhớ lại, Vy đã đi sưu tầm cùng chúng tôi về Ðồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre... thích thú khi nhìn thấy biết bao điều lạ, như chỉ có "một trăm điệu lý mà có tới một vạn tấm lòng". Vy cười cười nói nói, hồn nhiên, thoải mái. Nhưng khi về vườn trầu quê ngoại, anh bỗng trầm tư, già trước tuổi trông thấy. Vy dắt chúng tôi len lách qua những nọc trầu vàng, sáng sớm còn đọng sương trên những lá trầu rơi rơi lên đầu, lên vai chúng tôi. Trưa trưa đụt mưa bên mái hiên nhà đồng bào.
Trần Nhật Vy, nhà báo ngoại đạo về âm nhạc dân gian, bỗng tằng hắng rồi cất giọng hò: "Hò ơ... Chữ gì chôn dưới đất? Chữ gì cất trên trang? Chữ gì mang không nổi? Chữ gì gió thổi không bay?". Tất cả chúng tôi đều lặng thinh. Và, Trần Nhật Vy tiếp tục độc diễn: "Hò ơ... Chữ thọ đường chôn dưới đất. Chữ hiếu cất trên trang. Chữ tình mang không có nổi (lắc đầu lia lịa). Chữ tạc đá bia vàng... gió thổi không bay!"...
Ðúng vậy! Không có tiếng vỗ tay. Không nên vỗ tay vì tiếng nghẹn ngào xúc động của anh nhà báo đang đứng trên mảnh đất anh từng đi lẫm đẫm dưới bóng cau, dưới những đám trầu và những vạt tầm vông.
Vậy, hãy để cho Trần Nhật Vy tập trung thần lực "tạc đá bia vàng" cho quê ngoại, cho người thân của anh cùng những người yêu nước trên mảnh đất được ghi tên trong mỗi trang sách sử ký, địa dư: Mười tám thôn Vườn Trầu.
Tập khảo cứu của nhà báo Trần Nhật Vy cũng là tập sách hiếm hoi viết riêng về vùng đất 18 thôn Vườn Trầu - nơi nổi tiếng vì gắn với nhiều sự kiện lịch sử của vùng đất phương Nam nói chung và Sài Gòn - Gia Ðịnh nói riêng. Ðây cũng là công trình đầu tiên mang lại cái nhìn cụ thể để các thế hệ dân cư TP.HCM sau này có thể hình dung khu vực được gọi là 18 thôn Vườn Trầu từ ngày xưa ấy hiện là ở đâu. Ðặc biệt, trong phần khảo riêng về địa danh Bà Ðiểm, cứ liệu thâu thập được của Trần Nhật Vy cho thấy xuất xứ tên gọi địa danh Bà Ðiểm có gắn với một người phụ nữ tên Hồ Thị Ðiểm (tên gốc là Phạm Hồng Huê, con gái của đô đốc triều Tây Sơn Phạm Văn Thanh). Ðiều này gợi ra một cách tiếp cận khác với những địa danh ở Sài Gòn - Gia Ðịnh và vùng Nam bộ lâu nay, vốn được hiểu chữ "bà" trong các tên ấy xuất xứ từ tiếng Khmer có nghĩa là vùng gò. Và nội dung quan trọng của tập sách là phần khảo về những cuộc cách mạng, những nhân vật cách mạng xuất thân hoặc có đứng chân ở 18 thôn Vườn Trầu. Bạn đọc sẽ tìm thấy trong tập này lai lịch cụ thể của sự kiện Phan Văn Hớn khởi nghĩa diệt đốc phủ Ca - sự kiện đã đi vào thơ vè Nam bộ. Ðặc biệt sự kiện lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa diễn ra trên đất 18 thôn Vườn Trầu được thuật tả như một cách ghi nhận tinh thần cách mạng hào hùng vốn trở thành bản sắc của vùng đất "nhỏ mà có võ" này. LAM ĐIỀN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận