27/12/2016 10:19 GMT+7

Từ rừng thuốc phiện thành... khu du lịch homestay

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Một ngôi làng xa xôi, hẻo lánh trên ngọn núi cao nhất của Thái Lan Doi Inthanon thuộc tỉnh Chiang Mai từng một thời là nơi trồng thuốc phiện. Nay ngôi làng đã trở nên nổi tiếng không chỉ với cà phê mà còn là du lịch sinh thái homestay.

*** Error ***
Ông Somsak Sriphumthong pha cà phê do tự tay ông rang, xay tại xưởng của mình - Ảnh: Ensia

Không phải ai cũng biết từ nhiều năm trước ông Somsak Sriphumthong chính là người đã biến cả một khu rừng trồng toàn thuốc phiện ở gần ngôi làng Ban Mae Klang Luang trên núi Doi Inthanon của tỉnh Chiang Mai, Thái Lan thành rừng trồng cà phê theo phương pháp hữu cơ bền vững.

Ông đồng thời còn giúp người dân địa phương phát triển hoạt động du lịch sinh thái homestay tại khu vực này.

“Chưa bao giờ từ bỏ hi vọng”

Ông Somsak Sriphumthong chia sẻ về thời quá khứ gian khổ: "Tôi đã làm nông kể từ khi còn là một đứa trẻ, khi đó ở đây không có trường lớp nào. Những gia đình giàu có hơn đã gửi con họ lên thành phố học. Gia đình tôi nghèo lắm nhưng chúng tôi chưa bao giờ từ bỏ hi vọng".

Cũng vì cảnh nghèo, ông chưa bao giờ được đi học. Năm 13 tuổi, ông quyết định rời làng đi tìm việc, bôn ba mưu sinh khắp nơi trên lãnh thổ Thái Lan và sau đó ra cả nước ngoài tìm việc. Nhưng rồi một ngày, sau nhiều năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài, người đàn ông này trở về quê hương và suy nghĩ về việc nên làm gì tại nơi ấy và vì nơi ấy.

Nhiều năm trước, thời điểm ông Somsak Sriphumthong hồi hương, tại khu vực ông sinh sống gần như không còn cây cối gì. Chỉ có những đồn điền thuốc phiện và những cánh đồng lúa. Dân làng thì rất nghèo. Để trồng thuốc phiện, họ phải chặt hạ cây rừng. Và hậu quả khi cây rừng bị đốn sạch là lúc mưa lớn, đất không giữ nổi nước, lũ lụt bắt đầu hoành hành trong thành phố.

Điều kiện thời tiết ôn hòa trên núi Doi Inthanon ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển là một nơi lý tưởng để trồng loại cà phê Arabica. Ông Somsak Sriphumthong còn biết rằng cây cà phê không giống như thuốc phiện, nó hoàn toàn có thể sống chung với cây rừng, do đó sẽ không gây thêm áp lực phá rừng nếu người dân muốn canh tác loại cây này. Hơn thế, cây rừng còn giúp che phủ cho cà phê, giảm bớt áp lực lũ quét trong mùa mưa.

Trồng cà phê sạch

Vườn cà phê của ông Somsak Sriphumthong không cần quá nhiều nước, cũng không cần phân bón hay các loại chất hóa học chăm sóc, nó là một trang trại canh tác theo phương thức hoàn toàn hữu cơ.

Người nông dân này áp dụng biện pháp quản lý tự nhiên, sử dụng côn trùng để chiến đấu với các dịch bệnh. Ông cho chim ăn loại thức ăn đặc biệt để chúng không ăn hạt cà phê của ông mà chỉ săn lùng các loại ấu trùng gây hại. Trang trại cà phê của ông không dùng bất cứ loại hóa chất bảo vệ thực vật nào.

Bây giờ thì ông Somsak Sriphumthong đã tự mình giải quyết thành thạo mọi công đoạn rang xay cà phê do chính trang trại của ông sản xuất. Nhưng trước kia, khi chưa biết làm việc này, ông đã phải bán hạt cà phê thô cho thương lái. Ông cũng từng bị một thương lái lừa đảo, chiếm đoạt rất nhiều tiền và biến mất. Sau lần ấy ông bắt đầu học và thử nghiệm việc tự tay rang xay cà phê.

Dần dà tiếng lành đồn xa, tới giờ đã có rất nhiều du khách từ các nước khác nhau tìm tới để thưởng thức hương vị cà phê được trồng theo phương thức canh tác hữu cơ của ông Somsak Sriphumthong. Ông cũng giúp những người dân trong làng cùng tham gia hoạt động kinh doanh du lịch, cũng như trong hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng.

Ông Somsak Sriphumthong nói: "Trong quan điểm của tôi, du lịch có thể làm tăng thêm hoặc làm giảm đi các chi phí trong việc quản lý của chúng ta. Điều đó phụ thuộc vào cộng đồng của chúng tôi trong cách thức quản lý ngành kinh doanh du lịch".

Hiện tại ông Somsak Sriphumthong đang phối hợp với các cộng đồng khác trong tỉnh Chiang Mai để mở rộng mô hình canh tác cà phê hữu cơ và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc giữ rừng.

Theo Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc, từ năm 1990 đến năm 2010, Thái Lan đã mất 3% trong tổng diện tích che phủ rừng của nước này. Trong những năm gần đây, rừng đã được phục hồi nhờ những nỗ lực tập trung phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp bền vững, cải cách trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và những chính sách xóa đói giảm nghèo.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên