Từ “rã đông” đến “hâm nóng”

NHƯ BÌNH 11/12/2021 19:35 GMT+7

TTCT - Du lịch Việt Nam vừa mở cửa với khách quốc tế thì thế giới lại “dậy sóng” với biến thể Omicron. Thách thức bây giờ không chỉ là chính sách phải thông thoáng hơn, mà còn phải có ứng biến linh hoạt hơn.

 
 Du khách Hàn Quốc đến Phú Quốc theo chương trình "hộ chiếu vắc xin". Ảnh: B.C.

 Kế hoạch mở cửa du lịch đã khởi đầu với những đoàn khách đầu tiên mang hy vọng mới, như hơn 200 du khách Hàn Quốc trong đó có cả em bé hơn 2 tuổi đến Phú Quốc (Kiên Giang) trong chùm tour khép kín theo “hộ chiếu vắc xin” vào ngày 20-11. 

Mùa này ở Hàn Quốc trời bắt đầu chuyển lạnh, nên được hưởng nắng ấm Phú Quốc là một kỳ nghỉ trong mơ với du khách khi nước họ cũng như nhiều quốc gia khác vừa trải qua thời gian dài chống dịch. 

Không chỉ Phú Quốc, lần lượt các tỉnh thành khác cũng đã chuẩn bị mở cửa đón khách nội địa và quốc tế. 

Sau khi đón những đoàn khách đầu tiên trong tháng 11, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet đã làm việc với đối tác để chuẩn bị cho những chuyến bay kết nối nội địa và quốc tế đến những địa phương đang được phép đón khách với các thị trường trọng điểm là Úc, Nga, Hàn quốc, Nhật…   

Ngắm nhìn hình ảnh các du khách thư giãn trong những khu nghỉ dưỡng, ít ai biết, để có những đoàn khách quốc tế rộn ràng đó cần tới nỗ lực rất lớn phía sau của đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú, hãng bay… Họ đã cùng nhau làm việc trong thời gian ngắn, nhanh nhất với mục đích chung “hồi sinh thị trường”.

Giám đốc thị trường quốc tế của một hãng du lịch lớn ở Việt Nam cho biết những ngày qua cả công ty bận rộn không ngơi nghỉ nhưng không có nghĩa là có lợi nhuận. 

Trước dịch, du khách chỉ cần nhảy lên một chuyến bay và không phải lo về cách ly, nhưng hiện nay mọi chuyện đã khác. Đội ngũ làm sản phẩm và kinh doanh liên tục bám sát các diễn biến của thị trường, bởi “để có nguồn khách đến Việt Nam lúc này, chúng tôi khai thác và tìm kiếm mệt muốn chết”.

“Rã đông” phần nào đã xong, còn chuyện “hâm nóng” ngành du lịch sau nhiều tháng nằm yên quả không dễ. Một số đơn vị lữ hành chủ yếu tập trung vào nhóm Đông Bắc Á nhưng “miếng bánh” này đang nhỏ lại vì chính sách chống dịch, việc khai thác vì thế còn khó hơn.

Sự thiếu vắng khách du lịch Trung Quốc, từng chiếm 1/3 tổng lượt khách đến Việt Nam, vì vẫn thực hiện chính sách “zero COVID” cũng cho thấy khả năng tăng trưởng trong tương lai gần có thể không xảy ra.

Nhật Bản vẫn chưa khuyến khích người dân đi du lịch nước ngoài, dù tình hình khá ổn với số ca nhiễm giảm mạnh. “Chỉ riêng việc đọc thị trường thôi cũng đã có cảm giác nghẹt thở lắm rồi” - vị giám đốc trên chia sẻ.

Ông Trần Xuân Hùng - giám đốc Công ty du lịch Viking, chuyên khai thác thị trường Đông Nam Á - cho biết doanh nghiệp này vẫn đang chờ chứ chưa khởi động lại vì tình hình bất định cùng các hỗ trợ về y tế, chính sách chưa đủ mạnh từ cơ quan chính phủ. 

“Thị trường Việt Nam phải mở cho khách Việt Nam đi du lịch nữa thì mới là hồi sinh. Nếu chúng ta đón khách mà không trả lại, chi phí các tour sẽ rất cao do các chuyến bay, dù là charter, cũng khó tận dụng hết công suất” - ông Hùng nói.

Vì vậy, theo các doanh nghiệp, họ cần có sự hỗ trợ thông tin, một chiến dịch quảng bá hữu hiệu hơn cùng chính sách hỗ trợ dịch vụ y tế làm sao giảm chi phí tổ chức cao nhất cho doanh nghiệp. 

Giá thành các tour hiện nay đã rất cao do nhiều dịch vụ bị hạn chế. Xác định thị trường trọng tâm để xúc tiến, quảng bá cũng chưa thật sự rõ ràng nên chưa hỗ trợ được doanh nghiệp tham gia rình rang như Thái Lan trước đó.

Ông Nguyễn Ngọc Toản - tổng giám đốc Công ty Images Travel, chuyên khách Âu - cho rằng lộ trình mở cửa của Việt Nam hiện nay khó tạo đột phá cho thị trường du lịch quốc tế. 

Ngay như giai đoạn 2, mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ từ tháng 1-2022, cơ hội đón Việt kiều về quê ăn Tết rất lớn, nhưng đọc qua các quy định thì sẽ hình dung được nhóm khách này sẽ không mặn mà bởi nhiều biện pháp quản lý quá ngặt nghèo.

Giám đốc kinh doanh một hãng bay chia sẻ, sau khi đưa được chuyến khách quốc tế đầu tiên, hãng cần thủ tục có thể thay đổi nhanh chóng, dễ dàng, thống nhất hơn cho du khách ngoại quốc. 

Để vào Việt Nam, du khách phải khai báo hệ thống “hộ chiếu vắc xin” của VN, nhưng hệ thống khai báo này không hoạt động tại Hàn Quốc, do đó hãng bay đã gặp khó khăn khi chuẩn bị thủ tục trước ngày xuất phát.

Đó là chưa kể sự hồi phục không đồng bộ giữa các dịch vụ ở địa phương. Có nhiều điểm đến, dịch vụ, khi doanh nghiệp lữ hành đến làm việc để xây dựng sản phẩm thì mới tá hỏa là “họ không biết gì nên chưa mở cửa”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận