​Tự quản ở chung cư 

YẾN TRINH- NGỌC HÀ 13/08/2015 17:08 GMT+7

Chung cư đang là sự lựa chọn của không ít người dân bởi những tiện ích thiết thực của nó. Hơn thế, cư dân ở đây còn được hưởng hàng loạt quyền lợi đi kèm nếu công tác tổ chức, điều hành thật sự hiệu quả.

Ông Quang (phải) - trưởng ban quản trị chung cư 4S Riverside - tiếp thu, trao đổi ý kiến với cư dân.

Ảnh: YẾN TRINH

Theo quy định của Luật nhà ở, mỗi chung cư có một ban quản trị do cư dân bầu ra để thực hiện những việc chung và được hưởng thù lao. Công việc này tuy không quá nặng nhọc nhưng được ví như “làm dâu trăm họ”, các thành viên gần như phải “bao sô”, đứng mũi chịu sào cho tất cả những việc xảy ra ở chung cư.

“Quyền lực” ban quản trị

Trước thời điểm tổ chức hội nghị nhà chung cư tại chung cư Hoàng Anh Gold House (Nhà Bè, TP.HCM), các cư dân bất ngờ nhận được những tài liệu về các ứng cử viên ban quản trị. Mỗi ứng cử viên tự giới thiệu “lý lịch trích ngang” và chương trình hành động nếu được bầu vào ban quản trị chung cư.

Tài liệu được gửi trước nhiều ngày để cư dân của khoảng 1.000 căn hộ ở đây có thời gian lựa chọn nhằm bầu ra những thành viên có năng lực để điều hành mọi hoạt động của chung cư.

Một trường hợp thi công đường ống nước trái phép bị ban quản trị phát hiện, lập biên bản. Ảnh:T.T.D.

Phần tự giới thiệu và chương trình hành động của các ứng cử viên được đưa lên forum và Facebook của chung cư để cư dân có thể tiếp cận bất cứ lúc nào. Chị Vũ Quỳnh, sống tại chung cư, giải thích: “Chúng tôi phải nắm rõ thông tin về nghề nghiệp, chương trình hành động của từng ứng cử viên để bỏ phiếu tại hội nghị nhà chung cư tổ chức mỗi năm một lần. Quan điểm của vợ chồng tôi là bỏ phiếu cho những người trẻ, năng động, có thể dành thời gian lo việc chung”.

Còn cư dân ở chung cư 4S Riverside (Q.Thủ Đức) bầu thành viên trong ban quản trị dựa trên uy tín và nghề nghiệp của từng cá nhân. Ông Trần Quang - sống ở chung cư sáu năm nay - thẳng thừng chê ban quản trị nhiệm kỳ trước quá... hiền và hoạt động không hiệu quả, vì vậy trong năm người nhiệm kỳ cũ chỉ còn một người ở lại trong ban quản trị đương nhiệm.

“Quản trị chung cư phải lo lắng tất tần tật từ tài chính, sửa chữa kỹ thuật, an ninh trật tự, làm việc với ban quản lý tòa nhà... Hiện tại ban quản trị có một luật sư, một kỹ sư, kế toán... để tiện điều hành công việc” - ông Quang nói. Tương tự, chung cư 584 (Q.Tân Phú) phải bầu bán kỹ lưỡng mới tìm ra được ban quản trị gồm 10 người để quán xuyến công việc chung của 364 hộ dân ở đây.

Đối với những chung cư lâu năm, chung cư do Nhà nước cấp, việc bầu ban quản trị có phần đỡ phức tạp hơn. Bà Nguyễn Thu Hà, trưởng ban quản trị chung cư 14 Tôn Thất Đạm (Q.1), cho biết: “Người dân thấy tôi chu đáo, am hiểu tình hình ở đây nên tín nhiệm. Tôi cùng hai người nữa chia nhau phụ trách 4 lầu với khoảng 50 hộ dân. Mỗi tháng chúng tôi họp một lần, thông báo tình hình an ninh, các loại phí thu...”.

Còn ở chung cư Vườn Lài (Q.Tân Phú), ông Nguyễn Hữu Minh, trưởng ban quản trị lô C gồm 48 hộ dân, cho biết trước đây ông làm bảo vệ, sau đó chung cư hóa giá nên bàn giao cho ông quản lý. Ông nói vì môi trường sống ở đây khá tốt nên các hộ dân cũng ít khi họp hành, chỉ khi nào có việc liên quan cơ sở vật chất thì gặp ông hỏi ý kiến.

Bỏ phiếu bầu ban quản trị chung cư Topaz (Q.Bình Thạnh), khu dân cư Sài Gòn Pearl. Ảnh:T.T.D.

Những cuộc gọi lúc nửa đêm

Trong văn phòng chung cư 4S Riverside đặt một quyển sổ lớn để ghi nhận những phản ảnh của cư dân. Ý kiến mới nhất là của một hộ dân trên tầng 5 phản ảnh tầng hầm để xe quá nhiều bụi, đèn ở hồ bơi dù đã 7g sáng vẫn chưa tắt.

Ông Trương Nhật Quang - trưởng ban quản trị - cho biết ngoài sổ góp ý, ban quản trị còn đặt ba thùng thư để tiếp nhận ý kiến của cư dân. Ngoài ra, toàn chung cư có năm bảng thông báo để truyền đạt thông tin đến người dân nhanh và thuận tiện nhất.

“Từ chuyện cái ống nước bị xì, con chó tè không đúng chỗ đến việc chủ đầu tư xây dựng trái phép, không làm giấy chủ quyền... đều đến tay ban quản trị. Nhiều khi chúng tôi cũng đau đầu vì phải tìm cách giải quyết sao cho hợp tình hợp lý và vừa ý phần lớn các hộ dân” - ông Quang chia sẻ.

Ông Nguyễn Phạm Duy - trưởng ban quản trị chung cư Hoàng Anh Gold House - cho biết từ ngày làm trưởng ban, ông nhận nhiều cuộc gọi lúc nửa đêm về sáng. Ông kể: “Những cuộc gọi vào giờ “linh” như vậy chủ yếu phản ảnh những chuyện vặt như nhà bên cạnh làm ồn hoặc một anh về khuya hết chỗ đậu xe trong hầm...”.

Còn ông Nguyễn Đình Chung, trưởng ban quản trị chung cư 584 (Q.Tân Phú), cho biết khổ nhất là bị cư dân nghi ngờ mình ăn chặn khi thu chi. Ông kể thấy tầng trệt chung cư chưa có hệ thống camera, các thành viên ban quản trị hùn tiền lại mua. Vậy mà một số người xầm xì chắc do anh em ăn chặn tiền quỹ chung nên mới hào phóng vậy.

Một trong những khó khăn của ban quản trị là phải tìm được tiếng nói chung giữa các hộ dân. Trước đây, hai thang máy lô C chung cư 584 bị hư nên ông Chung họp gần 100 hộ dân để bàn việc đóng tiền sửa chữa.

Vậy mà cuộc họp nào đông lắm cũng chỉ 40 hộ tham dự, trong khi việc quyết định phải dựa trên sự đồng thuận của hơn 50% hộ. Không nản, ông Chung tổ chức họp đến lần thứ... 10 mới thống nhất mức đóng góp. Giai đoạn thu tiền cũng trần ai bởi có hộ làm lơ, có hộ “thách” sửa trước đóng sau.

Chuyện nuôi chó mèo trong chung cư cũng lắm khôi hài. Chung cư 4S Riverside có 16 hộ nuôi chó, dù đã nhiều lần yêu cầu phải chích ngừa, đăng ký với phường, rọ mõm khi dắt đi dạo nhưng nhiều hộ không thực hiện. Còn ở chung cư Hoàng Anh Gold House có hẳn một quy định đối với người nuôi chó mèo. Tuy vậy, ông Lâm Bình Bảo, một cư dân, vẫn còn thắc mắc: “Ban quản trị đâu có quyền xử phạt.

Rồi quy định chó từ 3kg phải rọ mõm là không hợp lý vì đâu phải chó nhỏ hơn là không cắn người?”. Riêng ở chung cư Hùng Vương (Q.5), ông Lê Đình Túc - trưởng ban quản trị - đã thống nhất với cư dân không ai nuôi chó mèo để tránh phiền toái từ trong... trứng nước.

Tuy nhiên, vai trò của ban quản trị tại một số chung cư còn hạn chế, như trường hợp chung cư HP (Q.5) cư dân thường xuyên than phiền về bãi xe chật chội. Ông Vũ Văn, sống ở chung cư này 10 năm nay, cho biết sống ở đây cực nhất là việc gửi xe vì nhà xe chật và quy định tối đa mỗi nhà chỉ gửi hai chiếc, còn người mới mua lại căn hộ ở đây mà chủ cũ không đi xe thì coi như không được gửi. Ông và một số cư dân đã kiến nghị với ban quản trị nhưng tình hình vẫn không thay đổi.

Ông Thắng (58 tuổi, ở chung cư R, Q.Thủ Đức) cho biết một số căn hộ bị thấm nước, tường loang lổ nhưng chờ đợi được bảo trì rất lâu dù cư dân đã đóng đủ các loại phí. Ban quản trị đã làm hết trách nhiệm nhưng cũng không giải quyết được gì cho bà con.

Việc các ban quản trị tạo nên các hoạt động vui chơi giải trí, sinh hoạt chung góp phần “kéo” cư dân xích lại gần nhau hơn. Ảnh :T.T.D.

“Kéo” cư dân ra khỏi “chiếc hộp”

Cư dân sống ở chung cư thường có thói quen “cố thủ” trong căn hộ của mình. Vì thế, những người trong ban quản trị có trách nhiệm tạo sự gắn kết, “kéo” cư dân của mình ra khỏi những “chiếc hộp” bằng những mô hình sinh hoạt chung, hoạt động cộng đồng, vui chơi giải trí...

Vài năm trở lại đây, cư dân chung cư Hoàng Anh Gold House thường sinh hoạt chung trong các câu lạc bộ bóng đá, bơi lội, bóng bàn, nhiếp ảnh, cầu lông, hội vườn rau...

“Ai có cùng sở thích thì tập hợp trong một câu lạc bộ, cùng đề ra chế độ sinh hoạt, tập luyện. Hình thức sinh hoạt này tạo điều kiện cho chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với nhau nhiều hơn, tình làng nghĩa xóm cũng bền chặt hơn” - anh Trung, thành viên câu lạc bộ nhiếp ảnh, chia sẻ.

Sáng thứ bảy hằng tuần cũng là lúc các cư dân thích chơi cầu lông, bóng đá của chung cư 4S Riverside tập hợp dưới sân cùng thi thố. Ông Quang, trưởng ban quản trị, cho biết: “Vì chung cư có hồ bơi phía dưới nên những dịp Trung thu, quốc tế thiếu nhi, tất niên... chúng tôi đều tập trung tiệc tùng quanh hồ, vui lắm”.

Còn ở chung cư 14 Tôn Thất Đạm, bà Hà cho biết nhiều năm nay cư dân quyên góp mỗi tháng 300.000 đồng cho một gia đình liệt sĩ ở chung cư. Mỗi khi có thanh niên trong chung cư đi nghĩa vụ quân sự, mọi người vận động quyên góp tặng mỗi em 500.000 đồng. Khi kết thúc năm học, các em học sinh giỏi được ban quản trị tổng kết danh sách đề xuất phường khen thưởng.

“Mỗi khi có ma chay, cưới hỏi, người đau bệnh nặng... chúng tôi đều quan tâm giúp đỡ. Dù gì cũng là hàng xóm với nhau mấy chục năm nay rồi” - bà Hà nói. Ở chung cư Vườn Lài, ông Minh cho biết vào mỗi dịp hè, tổ dân phố đều phối hợp với cư dân tổ chức sinh hoạt hè hai buổi/tuần cho thiếu nhi. Dịp tết âm lịch hằng năm, mọi người cùng bày bàn ghế dưới sân, ai có món gì góp lại liên hoan.

Không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót trong công việc chung, vì vậy theo ông Quang, ban quản trị cần lắng nghe người dân và dựa trên luật lệ để giải quyết một cách mềm mỏng. Ông nói có lẽ hạnh phúc nhất là mỗi sáng người lớn và trẻ con gặp ông vui vẻ chào hỏi, có điều gì cần góp ý họ trao đổi ngay. Nếu các ban quản trị hoạt động hiệu quả, có tâm, có trách nhiệm thì mong ước về những “tổ dân phố” yên ấm trong chung cư là trong tầm tay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận