15/09/2016 10:10 GMT+7

Từ quân ngũ đến giảng đường đại học

NGỌC HIỂN, ngochien@tuoitre.com.vn
NGỌC HIỂN, [email protected]

TTO - Đúng bốn tháng sau khi xuất ngũ, chiến sĩ Hồ Thanh Phong, 20 tuổi, đã thi đậu vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

czowOiIiOw==
Hồ Thanh Phong đi làm tại quán trà sữa để gom góp tiền nhập học - Ảnh: N.HIỂN

Năm 2014, vì nghèo khó mà Phong không dự thi ĐH, chỉ thi cao đẳng để bớt đi một năm học. Dù đậu với số điểm 25,5 nhưng Phong đành gác lại giấc mơ giảng đường để viết đơn tự nguyện vào quân ngũ và tự hứa với bản thân sẽ trở lại con đường học vấn sau hai năm...

Nhường cho em

“Vì sợ không theo được ba năm học nên tôi đã làm đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự từ tháng 9-2014 đến tháng 3-2016 thì xuất ngũ. Khi về nhà, tôi xin đi phụ việc ở quán trà sữa với thu nhập 15.000 đồng mỗi giờ để phụ mẹ đóng tiền trọ hằng tháng. Những ngày tháng như thế tôi mới nghiệm ra chỉ có con đường học mới có thể vươn lên đổi đời".

Hai năm trong quân ngũ đã rèn cho tôi ý chí và kỹ năng vượt qua nghịch cảnh. Nghèo là bước cản vào giảng đường ĐH nhưng tôi phải vượt qua bằng mọi giá."

HỒ THANH PHONG

"Tôi quyết tâm ôn thi lại, ba tháng ôn thi ngắn ngủi nhưng tôi đã rất cố gắng và thi đậu vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Sài Gòn. Nhưng trước niềm vui mừng đậu ĐH thì tôi lại mang trong mình nỗi lo: mẹ làm nghề giúp việc, thu nhập không ổn định, lại đi ở trọ thì làm sao có thể lo cho tôi và đứa em trai vừa mới lên lớp 12...”.

Đó là những trăn trở mà Hồ Thanh Phong đã bộc bạch trong lá thư gửi đến báo Tuổi Trẻ. Năm 2014, Phong là trường hợp hiếm hoi của Q.Tân Phú (TP.HCM) nhập ngũ dù có giấy báo nhập học. Đến bây giờ, Phong vẫn nhớ như in những lời mẹ dặn khi cầm giấy báo trong tay.

Trong bữa cơm chiều giữa căn phòng trọ vỏn vẹn 9m2 nóng hừng hực, mẹ Phong, bà Hồ Thị Ánh Nguyệt (55 tuổi), nghẹn lòng nói với hai đứa con trai: “Hai đứa không có cha, một tay mẹ nuôi cả hai khôn lớn nên mẹ thương hai đứa như nhau. Nhưng giờ mẹ cực khổ, lo không nổi chuyện học hai đứa cùng lúc. Đứa này đi học thì đứa kia đi làm, hai con liệu đó mà tính toán”. Hai đứa con trai ham học nhìn mẹ, rồi nhìn nhau khóe mắt cay cay không dám đáp lời. Riêng Phong im lặng, trằn trọc suốt cả đêm hôm đó...

Sáng hôm sau, Phong nói thẳng với mẹ: “Con sẽ nhường cho em đi học”. Phong liền viết đơn xin nhập ngũ, ở nhà thêm một thời gian rồi mặc áo lính lên đường trong khi bạn bè xách cặp vào giảng đường. Bước vào quân ngũ nhưng trong balô của Phong vẫn có hai quyển tập toán và vật lý. “Buồn lắm, tiếc lắm nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Ai lại muốn cắt đứt con đường học của mình bao giờ chớ...” - Phong kể.

Ôn thi kiểu con nhà nghèo

Tại quán trà sữa trên P.Phú Thọ Hòa (Q.Tân Phú), Phong thoăn thoắt làm hết thảy các công việc từ rửa ly, pha trà sữa, lau bàn ghế đến bưng bê... đã gần năm tháng nay. Phong cho biết mỗi tháng nhận được 1,5 - 2 triệu đồng tiền lương, toàn bộ tiền Phong đưa hết cho mẹ để phụ trả tiền trọ. Từ khi xuất ngũ, một buổi đi làm còn một buổi Phong ở nhà ôn thi.

Những kiến thức khó không giải được, tìm đến bạn bè cũng bó tay nên Phong chỉ còn nước tìm đến thầy giáo. Biết có thầy giáo môn toán và môn lý dạy ở một trung tâm luyện thi gần nhà nhưng Phong không có tiền để đi ôn.

Phong liền nghĩ đến một “ý tưởng” được đi học mà không tốn một đồng. May thay, “ý tưởng” của cậu học trò nghèo này được hai thầy chấp thuận. Thầy cho Phong lịch dạy ở trung tâm, cứ mỗi lần có 5-7 phút giao giữa hai suất học thì Phong lại chạy ào vô lớp, nhờ thầy bày vẽ kiến thức, khi có chuông Phong lại chạy về.

Cứ tuần này qua tuần khác Phong đều có những “tiết” ôn thi chớp nhoáng kiểu con nhà nghèo như thế. Điều đặc biệt là thầy giáo vật lý Huỳnh Công Đạt dù khác trường, chưa từng dạy Phong buổi nào nhưng khi nghe hoàn cảnh của cậu học trò ham học này cũng sẵn sàng giúp ôn tập, cho Phong những bộ đề miễn phí.

Thấy con ham học, mẹ Phong không ý kiến gì, đến khi Phong bất ngờ cầm hai tờ giấy báo trên tay, bà cũng im lặng. “Rầu lắm, nghĩ nhiều lắm mà không biết làm sao. Mừng cho con nhưng giờ nó muốn học Trường ĐH Khoa học tự nhiên tận dưới Thủ Đức, đi về xe buýt thì thời gian đâu làm thêm nữa, tiền đâu lo cho con bây giờ...” - bà Nguyệt nói.

Bà Nguyệt làm nghề giúp việc, những lúc xong việc bà thường nán lại đọc báo Tuổi Trẻ của chủ nhà. Khi thấy báo đăng chương trình “Tiếp sức đến trường”, bà hé lên một tia hi vọng cho con đường học của con trai. Bà xin phép mang tờ báo về cho con trai đọc rồi hai mẹ con làm đơn xin học bổng gửi đến báo Tuổi Trẻ.

Tuy nhiên, khi gặp chúng tôi, bà vẫn băn khoăn: “Đến đường cùng rồi nên hai mẹ con mới gửi đơn xin học bổng, chứ thật sự trong tâm tôi vẫn nghĩ là có khi ngoài kia họ khốn khó hơn mình, có sinh viên còn không cha không mẹ ở thôn quê, trong khi mình sống ở thành phố. Nhưng thực tâm tôi không biết phải làm sao...” - bà Nguyệt bật khóc.

Người thầy tốt bụng!

Thầy giáo Huỳnh Công Đạt (giáo viên Trường quốc tế Việt - Úc) cho biết khi nghe tin Phong nhà nghèo, vừa xuất ngũ lại siêng năng ôn thi ĐH nên dù chưa từng dạy cậu học trò này nhưng thầy sẵn sàng “tiếp sức” về kiến thức miễn phí cho Phong. Ngoài ra, thầy Đạt còn cho những bộ đề mà thầy dạy ở trung tâm để Phong về nhà tự ôn luyện.

“Hoàn cảnh khó khăn đã tạo cho Phong một nghị lực mãnh liệt, Phong cũng đã xác định cho mình một mục tiêu rõ ràng là phải vào ĐH. Phong luôn luôn chịu khó ôn luyện và công sức của em đã được đền đáp xứng đáng khi đậu vào hai trường ĐH” - thầy Đạt nói.

NGỌC HIỂN, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên