Ca sĩ Hoàng Thùy Linh hóa thân thành một Thánh cô của đạo Mẫu trong MV Tứ phủ - MV khai thác yếu tố tâm linh gây tranh cãi nhưng hiện đã đạt trên 5 triệu lượt xem trên YouTube sau 10 ngày ra mắt - Ảnh từ MV
1. Hoàng Thùy Linh có lẽ là nhân tố gây nhiều bất ngờ nhất của mùa hè nhạc Việt. Cô đãi các sĩ tử bằng Để Mị nói cho mà nghe, kéo văn học Việt lại gần hơn với pop đại chúng, rồi tiếp tục thể nghiệm với những tầng nấc ngóc ngách văn hóa còn sâu xa hơn nữa trong Tứ phủ.
So với Để Mị nói cho mà nghe, Tứ phủ là một tiến bộ vượt bậc với cấu trúc âm nhạc phức tạp, nhiều tầng bậc, cách xử lý của Hoàng Thùy Linh cũng tinh tế hơn, dù cách hát rung ngân trong trẻo của Linh có vẻ như được lấy cảm hứng từ những ca nương ca trù nhiều hơn.
Hoàng Thuỳ Linh đưa tín ngưỡng thờ Mẫu và MV mới Tứ Phủ
Phần thú vị nhất của Tứ phủ có lẽ lại là phần "rap" của Hồ Hoài Anh, tác giả ca khúc. Đó là một đoạn rap nhưng lại "nhập" vào âm hưởng của một bài văn khấn, cộng thêm bản chất giọng hơi bẹt của nhạc sĩ, sau khi xử lý kỹ thuật thực sự dấy lên bầu không khí u huyền.
May thay, Tứ phủ gặp nhiều tranh cãi. Gọi là may vì bất kỳ một nền nhạc đại chúng nào, trên tiến trình vận động của nó đều phải (và nên) gặp những cú "sốc văn hóa" như vậy để lột xác.
Như có người bảo Hoàng Thùy Linh làm không sát với những nghi lễ, vũ điệu, hóa trang trong đạo Mẫu, hay tại sao chỉ có hình ảnh Cô Bơ mà đặt tên là "Tứ phủ".
Nhưng nghệ thuật có bao giờ là sự mô phỏng hiện thực đâu. Bởi nếu thế còn cần nghệ thuật làm gì? Họ còn lấy cả cách Madonna khai thác văn hóa Nhật để nói Linh làm chưa tới.
Nhưng trong Nothing really matters, hình tượng geisha của Madonna cũng đâu giống với hình tượng geisha truyền thống, vũ đạo robot vị lai càng không có điểm chung với những điệu múa của geisha.
Những ý kiến đó vẫn còn nhẹ nhàng. Nặng nề hơn, người ta bảo Hoàng Thùy Linh phạm thánh và tín ngưỡng thuộc phạm trù linh thiêng, không thể đem ra biểu diễn "mua vui một vài trống canh".
Hoàng Thuỳ Linh hát Tứ phủ
2. Vậy lại nói về Madonna, hồi tháng 3 năm nay nhân kỷ niệm 30 năm ca khúc Like a prayer, nữ hoàng nhạc pop nhớ lại trên trang cá nhân của mình: "Ngày này 30 năm trước, tôi phát hành Like a prayer và thực hiện một video gây ra quá nhiều tranh cãi, bởi tôi đã hôn một vị thánh da màu và nhảy múa trước những cây thánh giá đang bốc cháy!".
Madonna năm đó 31 tuổi, đã quá quen với việc trở thành cái gai trong mắt của những "nhà đạo đức học", và cũng đã quá quen với việc "bị cấm" vì cổ súy những giá trị suy đồi. Thế mà cũng không ai nghĩ được cô có thể đi quá giới hạn tới tận mức đó. Họ chỉ nghĩ Madonna là một "cô nàng vật chất" hư hỏng, chứ việc biến một nghi phạm da màu oan ức thành một vị thánh được tôn sùng, lại còn âu yếm vị thánh đó thì quả là khiêu khích đến choáng váng!
Cộng đồng tôn giáo kêu gọi tẩy chay Madonna. Giáo hoàng John Paul II phản đối ca khúc ấy. Một nhà sử học của Giáo hội Công giáo Roma tức giận tuyên bố đây là "một sự báng bổ". Thế nhưng chung cuộc, những tranh luận chỉ còn mang ý nghĩa tô thêm màu sắc giai thoại cho một nhạc phẩm để đời.
Sự ra đời của Like a prayer là tiền thân cho những sáng tạo pop lấy chất liệu tôn giáo sau này, mà gần đây nhất trong MV God is a woman (Thượng đế là một người đàn bà), Ariana Grande đã thế vào vai Thượng đế sáng tạo ra con người đầu tiên.
Tất nhiên, cô bị lên án là dị giáo. Nhưng sao chứ? MV đạt 241 triệu lượt xem trên YouTube và được đề cử giải Grammy. Vốn dĩ người làm nhạc chỉ cần sự tán thành của người nghe nhạc.
3. Không đời nào nên so sánh Hoàng Thùy Linh với Madonna. Và Tứ phủ liệu có thể để lại một "di sản" nào đó cho nhạc Việt không là một câu hỏi quá sớm. Nhưng chỉ riêng việc Linh có thể dấy lên một cuộc tranh luận về giới hạn trong âm nhạc, điều đó đã có nghĩa giới hạn đã được đẩy đi xa hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận