16/12/2012 05:29 GMT+7

Tự phản biện - chiêu mới của các nhà khoa học suy đồi

NHƯ MY (Theo Retraction Watch)
NHƯ MY (Theo Retraction Watch)

TT - Internet - một phát minh vĩ đại của loài người trong thế kỷ trước, khi đã tạo nên một cuộc cách mạng vĩ đại trong công nghệ thông tin truyền thông.

Tuy nhiên, bên cạnh vô vàn mặt tích cực, hiện nay có thể Internet là một nỗi ám ảnh cho các tạp chí khoa học và cũng có thể là một công cụ hữu ích cho các nhà khoa học đã mất đạo đức nghề nghiệp.

Vào ngày 11-12-2012, Retraction Watch (một blog được thiết lập bởi hai nhà báo khoa học Ivan Oransky và Adam Marcus nhằm thông báo về các bài báo khoa học chuyên ngành bị rút từ các tạp chí) đã thông báo họ phát hiện hệ thống biên tập của Nhà xuất bản Elsevier (EES), một nhà xuất bản nổi tiếng về các tạp chí khoa học ở châu Âu, đã bị hack nhiều lần trong tháng qua. Kết quả của việc này dẫn đến 11 bài báo khoa học của các tác giả từ bốn quốc gia Trung Quốc, Iran, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ bị rút xuống từ ba tạp chí của EES do các nhận xét giả mạo của hệ thống phản biện.

Theo EES, một trong hai thông báo giống nhau được đăng trên tạp chí Optics & Laser Technology (một tạp chí chuyên về công nghệ quang học và laser) cho hai bài báo khác nhau: “Bài báo này bị rút xuống do yêu cầu của tổng biên tập. Một thông báo của phản biện cho đăng bài được tìm thấy là giả mạo. Báo cáo của phản biện được đệ trình dưới tên một nhà khoa học có uy tín thông qua một tài khoản giả mạo của EES. Tuy nhiên nhà khoa học này xác nhận đã không biết bài báo cũng như không viết nhận xét. Mặc dù là giả mạo nhưng chủ biên của tạp chí đã chấp nhận cho đăng do bị đánh lừa bởi một nhận xét tốt và được viết một cách chuyên nghiệp. Điều này rõ ràng đã vi phạm nguyên tắc cơ bản các tiêu chuẩn về phản biện, chủ trương và đạo đức trong việc xuất bản của chúng tôi”.

Tạp chí Optics & Laser Technology đã đăng tám thông báo như vậy tương ứng với tám bài báo bị rút xuống và giống hệt với một thông báo trên Journal of Mathematical Analysis and Application (JMAA - tạp chí chuyên ngành về toán giải tích và ứng dụng) vào tháng 8-2012.

Việc giả mạo các nhà khoa học tiếng tăm để nhận xét tốt đẹp về công trình của mình, không phải là mới phát hiện lần đầu. Bởi vào tháng 8-2012, một nhà nghiên cứu về sinh học của Hàn Quốc là Hyung-In Moon đã giả mạo địa chỉ email của các nhà khoa học tiếng tăm trong lĩnh vực để tự phản biện các bài báo của mình. Khi việc làm dối trá đó bị phát hiện, 24 bài báo của tác giả này đã bị Nhà xuất bản Informa rút xuống. Xa hơn nữa, Moon cũng chỉ là người đã học sách của Guang-Zhi He - một tác giả ở Đại học Y khoa truyền thống Quý Dương của Trung Quốc trước đó, khi tạo địa chỉ email giả mạo để tự phản biện một bài báo của mình, và kết cục bài báo của ông ta cũng bị rút xuống.

Trước những vụ việc đang xảy ra, làng nghiên cứu khoa học đang rúng động, nhiều người đã đặt vấn đề: phải chăng đạo đức nghề nghiệp của các nhà khoa học xuống cấp trầm trọng? Phải chăng tiền bạc, danh vọng trong thế giới ngày nay là áp lực làm cho đạo đức trong khoa học suy đồi, không còn được trong sáng như ở các thế kỷ trước đây?

NHƯ MY (Theo Retraction Watch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên