14/07/2022 08:10 GMT+7

Từ những nghịch lý trong nhà ở xã hội, chỉ cần nhà cho thuê giá rẻ

DƯƠNG NGỌC HÀ - NGỌC HIỂN
DƯƠNG NGỌC HÀ - NGỌC HIỂN

TTO - Người thu nhập thấp đều không có tiền tích lũy, cũng không đủ khả năng trả nợ ngân hàng nên không thể mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, người thu nhập đủ trả nợ ngân hàng lại không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.

Từ những nghịch lý trong nhà ở xã hội, chỉ cần nhà cho thuê giá rẻ - Ảnh 1.

Khu nhà trọ công nhân nhỏ hẹp, nóng bức trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Đây là nghịch lý được nhiều đại biểu nêu ra tại buổi tọa đàm "Nhà ở cho người thu nhập thấp: bao giờ?" do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại một khu nhà trọ công nhân ở phường Thạnh Lộc, quận 12 (TP.HCM) ngày 13-7. Theo một số đại biểu, với giá nhà quá cao như hiện nay, ngay nhà ở xã hội thấp nhất cũng lên tới 1,5 tỉ đồng/căn, cần tập trung đầu tư xây dựng những khu nhà cho thuê giá rẻ dành cho công nhân, người thu nhập thấp.

Những nghịch lý trong nhà ở xã hội

Từ Thanh Hóa đến TP.HCM lập nghiệp hơn 10 năm nay, anh Đặng Tú (ở tại khu nhà trọ ông Tâm, khu phố 3B, phường Thạnh Lộc) cho biết với mức lương tài xế chỉ 10 triệu đồng/tháng, anh chỉ đủ vun vén tiền ăn uống, quần áo, thuốc men, lễ lộc... cho cả gia đình 3 người. Trong khi đó, vợ anh làm công nhân may với lương 6 triệu đồng/tháng chỉ đủ trả tiền nhà, điện, nước và học phí bán trú cho cậu con trai học lớp 6.

"Nếu không về quê thăm gia đình, không có ốm đau bệnh tật, vợ chồng tôi để dành được khoảng 20 triệu đồng mỗi năm", anh Tú nói. Theo ông Phạm Chí Tâm - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, gia đình anh Tú đủ điều kiện mua bất cứ dự án nhà ở xã hội nào trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, anh Tú chẳng biết "được vay ra sao, trả lãi như thế nào".

Theo tính toán, với thu nhập như gia đình anh Tú, muốn mua một căn hộ khoảng 1 tỉ đồng phải để dành 50 năm mới đủ. Trong khi đó, giá nhà ở xã hội hiện nay không dưới 1,5 tỉ đồng/căn chứ không còn giá 1 tỉ như nhiều năm trước. Nếu được vay với lãi suất ưu đãi, anh Tú phải trả lãi 3-4 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể trả nợ gốc. Anh Tú "đầu hàng" khi thừa nhận "gia đình tôi không kham nổi".

Nhiều đại biểu tại buổi tọa đàm cũng khẳng định nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, bao gồm nhà ở xã hội, đang rất lớn. Nhưng từ góc nhìn của một doanh nghiệp bán hàng, ông Trần Nhật Quang - đại diện Kim Oanh Group - lại cho rằng rất khó khăn trong việc tìm người đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội. 

Doanh nghiệp này chào bán 700 căn nhà ở xã hội ra công chúng. Trong mấy trăm hồ sơ người dân đăng ký ban đầu, doanh nghiệp chỉ xét được vài chục hồ sơ đủ điều kiện mua nhà ở xã hội theo 8 đối tượng pháp luật quy định. Tuy nhiên khi qua đến ngân hàng, các hồ sơ đủ điều kiện đều bị loại.

"Trong khi quy định yêu cầu người mua nhà ở xã hội không có thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân thường xuyên nên những hồ sơ khai mức thu nhập cao đều bị loại. Còn ngân hàng lại cho rằng với mức thu nhập quá thấp, người mua nhà không đủ điều kiện trả nợ nên không đồng ý cho vay", ông Quang cho biết.

Từ những nghịch lý trong nhà ở xã hội, chỉ cần nhà cho thuê giá rẻ - Ảnh 2.

Một khu nhà trọ công nhân ở phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chỉ cần nhà thuê tươm tất

Ông Phạm Hữu Vĩnh, đại diện Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM, cũng nhìn nhận thu nhập của công nhân, viên chức hiện nay quá thấp so với giá nhà ở. Ngay như chương trình cho vay để tạo lập nhà ở của quỹ này với gói vay cao nhất 900 triệu đồng, tối đa 70% giá trị căn hộ cũng chỉ tính cho giá mỗi căn hộ chừng 1,2 tỉ đồng. Nhưng hiện nay thị trường gần như không còn căn hộ nhà ở xã hội có giá 1,5 tỉ đồng chứ đừng nói đến 1,2 tỉ. Với những điều kiện vay của Quỹ phát triển nhà ở, gia đình anh Tú không đủ điều kiện vay.

Ông Trần Nhật Quang cho rằng vẫn có cơ hội cho những gia đình như anh Tú khi nhà ở xã hội có nhiều phương thức linh hoạt như cho thuê, thuê mua hoặc mua. Với câu hỏi nếu người dân không có tiền mua nhà, có thể thuê mua hoặc thuê nhà để ở. Trả lời câu hỏi: doanh nghiệp có làm được nhà ở hợp túi tiền của đại đa số các gia đình công nhân như gia đình anh Tú không, ông Quang khẳng định làm được với điều kiện doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cũng đưa ra trường hợp khu nhà ở cho thuê của Công ty TNHH xây dựng - thương mại Lê Thành (Bình Tân) với giá khá mềm cho công nhân thuê và chất lượng nhà ở, môi trường, công trình công cộng xung quanh khá tốt. Doanh nghiệp này vẫn đang muốn được tiếp tục xây dựng những dự án khác để phục vụ cho người thu nhập thấp. Như vậy, theo ông Châu, không phải các doanh nghiệp không mặn mà xây dựng nhà ở vừa túi tiền cho người thu nhập thấp nhưng có quá nhiều rào cản làm nản lòng doanh nghiệp.

"Ngoài việc nhiều chi phí đầu tư không được tính đúng tính đủ trong quá trình kiểm toán để tính lợi nhuận cho doanh nghiệp, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội khá phức tạp. Điều kiện cho người mua nhà cũng tréo ngoe giữa yêu cầu của chính sách và ngân hàng, chưa kể người dân mua nhà ở xã hội phải đợi đến 5 năm sau mới được bán lại và phải nộp lại tiền sử dụng đất. Việc lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội khá rắc rối, việc đấu thầu chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội xây trên đất công chưa được quy định cụ thể cũng là điểm khó cho nhà ở xã hội phát triển", ông Châu nói.

Tiền thuê nhà trọ chiếm 10 - 15% thu nhập

TP.HCM có hơn 270.000 công nhân trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao. Nếu tính cả doanh nghiệp bên ngoài và lao động tự do, TP.HCM đang có 6 triệu người lao động. Tuy nhiên, nhà lưu trú cho công nhân chỉ đáp ứng 15% số lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, số còn lại phải thuê nhà trọ bên ngoài.

Theo kết quả khảo sát đối với người lao động, có 83% người lao động đến làm việc ở TP.HCM đang ở nhà trọ với tiền thuê nhà chiếm từ 10 - 15% thu nhập, tương ứng 1,5 - 1,6 triệu đồng/tháng. Kết quả khảo sát của Liên đoàn Lao động TP.HCM cho thấy hầu như mỗi công nhân phải nuôi thêm ít nhất một người và phải chi tiêu đến 8 mục, trong đó có mục là phải dành một khoản tiết kiệm gửi về cho gia đình, cha mẹ ở quê.

Có 22,3% người lao động được khảo sát nói rằng "có dư chút đỉnh", 15,8% nói "vừa đủ", 41% công nhân được khảo sát nói "thiếu hụt" phải vay thêm người thân, ứng lương, đặc biệt có những trường hợp vướng vào tín dụng đen.

* Ông Mai Thanh Tùng (phó phòng phát triển nhà Sở Xây dựng TP.HCM):

Sẽ rút ngắn thủ tục các dự án nhà ở xã hội

QD_MaiThanhTung_2 1(Read-Only)

Sở Xây dựng đã trình UBND TP quy trình rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho dự án xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời rà soát quỹ đất thương mại dịch vụ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và những quỹ đất lân cận để xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.

Sở cũng đã đề xuất với UBND TP gói hỗ trợ lãi suất 100 tỉ đồng cho các chủ nhà trọ thuê nhằm cải tạo phòng trọ cho đủ điều kiện hoặc trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy cho khu trọ. Như vậy thời gian tới, tỉ lệ các phòng trọ không đủ điều kiện sẽ giảm thấp và người thu nhập thấp sẽ có điều kiện sống an toàn hơn trong các khu nhà thuê.

* Ông Phạm Chí Tâm (phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM):

Người lao động chỉ cần chỗ ở khang trang

QD_PhamChiTam_5 1(Read-Only)

Với mức giá nhà ở xã hội bán cho công nhân 1 - 1,6 tỉ đồng/căn, công nhân không thể mua nổi dù được cho vay đến mức tối đa. Do đó, vấn đề đặt ra là phải xác định rõ nhu cầu của công nhân là sở hữu nhà hay cần chỗ ở. Phần lớn công nhân lao động đều có nhà ở dưới quê, lên TP làm việc chỉ cần chỗ ở khang trang, sau một thời gian sẽ về sinh sống tại quê nhà.

Quan trọng là phải có nhà thuê cho công nhân ở, giúp người lao động có chỗ ở an toàn, có không gian để phát triển tốt chứ không phải tìm cách xây nhà giá rẻ để bán cho công nhân. Chúng tôi sẽ đề xuất TP đẩy nhanh các chương trình nhà ở cho công nhân, nghiên cứu nhà cho công nhân thuê lâu dài với giá phù hợp. Chính quyền cũng cần có chính sách xã hội hóa tốt để thu hút các doanh nghiệp bất động sản đầu tư nhà ở xã hội, thu hồi nguồn vốn.

* Ông Trần Nhật Quang (giám đốc đầu tư Công ty CP địa ốc Kim Oanh):

Doanh nghiệp "vùng vẫy" để làm nhà ở xã hội

QD_TranNhatQuang_4 1(Read-Only)

Chúng tôi vừa xây 700 căn nhà ở xã hội nhưng bắt đầu gặp một số trở ngại như các chi phí mua đất không được ghi nhận đầy đủ, trong khi các chi phí khác cũng bị cắt bớt. Chúng tôi chấp nhận ở mức lãi 10% nhưng thực tế thấp hơn nhiều do các chi phí không được tính đúng tính đủ. Doanh nghiệp chỉ có thể lấy lãi từ phần nhà ở thương mại để bù đắp. Các doanh nghiệp đang "vùng vẫy" để có thể làm được nhà ở xã hội như hợp tác với các đối tác đang có nguồn vốn tốt như Nhật Bản, Singapore.

Trước đây Nhà nước có ưu đãi gói 30.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội rất hiệu quả, cần tiếp tục có các gói hỗ trợ mới và triển khai quyết liệt để có nhà ở xã hội dành cho người dân. Với người dân, nếu không có tiền vẫn có thể thuê, nếu khá hơn một chút có thể thuê mua (đóng trước 50%) hoặc nếu có điều kiện có thể mua căn nhà này. Không nhất thiết phải đổ ngay 1,5 tỉ đồng để mua hay phải đi vay 900 triệu đồng để mua ngay.

Với doanh nghiệp, nếu tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, chúng tôi vẫn làm được nhà ở cho người thu nhập thấp.

* Ông Nguyễn Thanh Tâm (chủ nhà trọ tại quận 12):

Cần nhân rộng các nhà trọ đạt chuẩn

QD_NguyenThanhTam_4 1(Read-Only)

Khu nhà trọ của tôi được xây dựng trên diện tích 3.000m2 từ năm 2005 với 150 phòng, có 410 người đang thuê, trong đó 2/3 là công nhân, còn lại là những người làm nghề tự do. Vào năm 2016, tôi đi vay 6 tỉ đồng để nâng cấp lại toàn bộ các phòng trọ, đến nay vẫn còn nợ ngân hàng hơn 2 tỉ đồng.

Với giá cho thuê cao nhất là 1,7 triệu đồng/phòng, trừ đi các khoản chi phí (tiền vay ngân hàng, tiền khấu hao, chi phí vận hành...), tôi chỉ lãi 200.000 đồng/phòng/tháng. Ngay từ đầu, tôi xác định là phải làm nhà trọ đạt chuẩn, đảm bảo đúng các tiêu chí từ diện tích các phòng, lối đi, cảnh quan, ánh sáng, phòng cháy chữa cháy... để người lao động có được điều kiện sống đảm bảo. Do đó có những gia đình đã ở tại đây suốt 17 năm từ khi có nhà trọ, còn số lượng người ở khoảng 10 năm cũng chiếm đến 40%.

Những người có đất mà chuyển đổi được mục đích sử dụng sang đất ở, ai cũng bán đi để làm việc khác sướng hơn thay vì làm nhà trọ. Những người có đất nhưng không chuyển đổi mục đích được cũng không thể vay vốn để làm nhà trọ như tôi. Do đó, để nhiều người cùng đầu tư nhà trọ đạt tiêu chuẩn cho thuê, theo tôi, chính quyền cần có các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư như gói vay lãi suất thấp, thủ tục, đất đai...

* Ông Lê Hữu Nghĩa (tổng giám đốc Công ty Lê Thành):

Chỉ cần thủ tục hành chính thuận lợi

Le Huu Nghia-GD LeThanh 1(Read-Only)

Nhiều doanh nghiệp không mặn mà tham gia lĩnh vực nhà ở xã hội vì có quá nhiều rào cản. Đầu tiên là pháp lý quá chậm dù đây là đất của doanh nghiệp, dẫn đến quá trình xây dựng kéo dài khiến giá cao lên trong khi nhà ở xã hội lại bị khống chế lợi nhuận, mức 10% và 15% nếu cho thuê.

Nhà nước cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhưng thực tế khó áp dụng. Đơn cử, đối với vay ưu đãi, doanh nghiệp rất khó tiếp cận nên phải vay thương mại với lãi suất bình thường, dẫn đến rất khó để giảm giá thành đầu ra. Thậm chí, doanh nghiệp còn bị phạt tiền thuế dù lẽ ra được hưởng ưu đãi.

TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng 35.000 nhà ở xã hội đến năm 2025, riêng doanh nghiệp chúng tôi đang xin xây dựng 4.500 căn, đáp ứng trên 10%. Chỉ cần tạo thuận lợi cho khoảng 10 doanh nghiệp là chỉ tiêu này hoàn toàn nằm trong tầm tay khi đất của doanh nghiệp, tiền cũng của doanh nghiệp và Nhà nước chỉ đóng vai trò thúc đẩy các thủ tục hành chính thuận lợi hơn.

* Ông Ngô Quang Phúc (tổng giám đốc Phú Đông Group):

Ông Ngô Quang Phúc (Tổng giám đốc Phú Đông group) 1(Read-Only)

Nhà nước phải có quỹ đất sạch

Có hai biện pháp để tăng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở vừa túi tiền. Thứ nhất là yêu cầu các chủ đầu tư nhà ở thương mại thực hiện song song xây nhà ở thương mại và nhà ở xã hội.

Theo quy định, dự án nhà ở thương mại phải dành ra 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội nhưng vì nhiều lý do, lượng nhà ở xã hội tại các dự án này rất ít được đưa ra thị trường. Nhưng muốn tạo ra nguồn cung đủ lớn về nhà ở cho người thu nhập thấp, quan trọng nhất là Nhà nước phải có quỹ đất sạch lớn rồi cho các doanh nghiệp đấu giá làm dự án và kiểm soát giá bán cho người mua.

N.HIỂN - T.MẠNH ghi

Nhà ở xã hội – Ước mơ an cư của công nhân Nhà ở xã hội – Ước mơ an cư của công nhân

Việc sở hữu một căn nhà để không còn nỗi lo tiền trọ cuối tháng, một chỗ ở tươm tất để các con có không gian rộng rãi vui chơi là ước mơ chung của hàng ngàn công nhân tại TP.HCM. Nhưng làm sao để hiện thực hoá ước mơ đó?

DƯƠNG NGỌC HÀ - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên