14/02/2020 13:13 GMT+7

'Từ nhỏ giờ chưa thấy đợt mặn nào khủng khiếp vầy'

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - Bà Lan, 57 năm sống cạnh cống Nàng Âm, xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long khẳng định như vậy khi nói về đợt xâm nhập mặn đỉnh điểm tết vừa rồi.

Từ nhỏ giờ chưa thấy đợt mặn nào khủng khiếp vầy - Ảnh 1.

Hệ thống nước máy sinh hoạt của người dân huyện Vũng Liêm vẫn còn mùi vị mặn - Ảnh: CHÍ HẠNH

Hiện tại, toàn bộ hệ thống cống ngăn mặn trong khu vực huyện Vũng Liêm và vùng lân cận đều được đóng kín. 

Bà Võ Thị Lan, nhà sát cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) nói: đỉnh điểm là 25-11 âm lịch, mặn lúc này vô cùng khủng khiếp. Nước máy mặn đến nỗi ăn cơm không cần chan mắm, nấu canh khỏi nêm muối. Còn đun nước uống thì muối đóng từng vành trắng trên ấm.

"Mấy ngày đó, uống nước mặn suốt muốn tê cả lưỡi. Hết chịu nổi, tui mới đi mua nước đóng bình về dùng. Nhưng đến nỗi nước bình sản xuất ở khu vực này cũng lơ lớ mặn, rất khó chịu.

Từ nhỏ đến giờ, bà con tụi tui chưa thấy mặn nào khủng khiếp như đợt rồi. Ai hên thì trữ nước trong lu, còn có mà dùng" - dứt lời bà Lan  lấy tay vặn vòi nước máy, bụm nước đưa lên miệng rồi nhăn nhó nói tiếp: "vẫn còn lơ lớ mùi mặn chứ chưa có hết".

Từ nhỏ giờ chưa thấy đợt mặn nào khủng khiếp vầy - Ảnh 2.

Lúa đang bị mất nước, ruộng bắt đầu nứt nẻ - Ảnh: CHÍ HẠNH

Bà Nguyễn Thị Năm, xã Trung Thành Tây, người có 5,5 công lúa đang trong giai đoạn làm đòng nói: "Đáng lẽ giờ này phải đưa nước vô ruộng, nhưng cống Vũng Liêm đã đóng 10 ngày nay nên đất đang khô dần, nứt hình mạng nhiện. Vạt lúa này chỉ chịu nổi một tuần nữa, không có nước coi như tiêu" - bà Năm lo lắng.

Theo anh Nguyễn Phúc Luông - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Vũng Liêm: toàn huyện có 32.310 hộ phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn. Năm nay mặn đến sớm hơn một tháng, đỉnh điểm là 10,4‰, mốc lịch sử năm 2016 chỉ 9,6‰. Mặn hiện tại cao nhất huyện đo được là 6,4‰, nếu vượt đỉnh trong tháng 2 này thì khoảng 9.400 hộ dân sẽ không có nước ngọt sử dụng.

Tại Cù lao Dài (gồm hai xã Thanh Bình và Quới Thiện) thuộc huyện Vũng Liêm, đoạn giáp ba tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh vốn là vùng đặc sản cây ăn trái bưởi và sầu riêng. Nhưng, hiện cả cù lao nước mặn vây tứ phía, người dân trong vùng đang rất cần nước ngọt.

Ông Phan Văn Tư, ngụ xã Thanh Bình - cho biết ngoài sông còn mặn chát, nhà có đào một cái ao, trữ nước được mười bữa và để dành phục vụ tưới tiêu cho hơn một trăm cây sầu riêng và mít mới trồng. "Bên đất liền còn có cống, chứ ở đây nước mặn vây suốt từ trước tết tới giờ. Cái ao cũng chỉ cầm chừng được năm bữa nữa" – ông Năm nói.

Từ nhỏ giờ chưa thấy đợt mặn nào khủng khiếp vầy - Ảnh 4.

Dù đã xử lý nhưng nước máy ở xã Thanh Bình vẫn mặn chát - Ảnh: CHÍ HẠNH

Toàn cù lao Dài hiện có hai trạm xử lý và cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân. Trạm nước của xã Thanh Bình vẫn chạy, nhưng khi nếm thử vị mặn chát hơn hẳn bên xã Trung Thành Đông.

Anh Phạm Tấn Triệu - trạm trưởng trạm cấp nước xã Thanh Bình - cho biết: "Nhà máy chỉ xử lý nước mặn giảm được 1‰, tức nếu 3‰ thì còn 2‰, nếu xử lý mà còn hơn 4‰ thì dừng hoạt động".

Từ nhỏ giờ chưa thấy đợt mặn nào khủng khiếp vầy - Ảnh 5.

Mặn xâm nhập sâu, dân cù lao Dài coi nước ngọt hiện là thứ quý hiếm - Ảnh: CHÍ HẠNH

Ông Hồ Văn Trọn - phó chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết toàn xã có gần 3000 hộ dân và 1000 hecta cây ăn trái.

"Cả xã hiện đã bị nhiễm mặn, kéo dài mười ngày nay và sẽ cầm cự được 10 ngày nữa. Năm nay bà con chủ động, đóng cống bọng nhưng mặn vẫn xâm vào. Có người tưới được vườn, có người không, cây trái cũng bắt đầu có dấu hiệu cháy lá, rụng bông" - ông Trọn cho biết.

Từ nhỏ giờ chưa thấy đợt mặn nào khủng khiếp vầy - Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (hàng đầu tiên) đi kiểm tra tình hình xâm nhập mặn tại huyện Vũng Liêm. - Ảnh: CHÍ HẠNH

Từ nhỏ giờ chưa thấy đợt mặn nào khủng khiếp vầy - Ảnh 7.

Cống Nàng Âm là điểm có độ mặn xâm nhập nặng nhất, phá mốc mùa khô 2016 - Ảnh: CHÍ HẠNH

Từ nhỏ giờ chưa thấy đợt mặn nào khủng khiếp vầy - Ảnh 8.

Người dân cũng đang cầu có mưa để lấy nước ngọt tích trữ - Ảnh: CHÍ HẠNH

Hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây mặn chát! Hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây mặn chát!

TTO - Hồ chứa nước ngọt Ba Tri (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) được đầu tư 85 tỉ đồng. Được đưa vào sử dụng từ tháng 8-2019 nhưng trong mùa khô năm nay, hồ chứa nước ngọt này lại trở thành hồ chứa nước… mặn.

CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên