12/03/2006 13:10 GMT+7

Tù nhân Việt ở Luân Đôn

Theo Thanh niên
Theo Thanh niên

...Tôi ngoảnh lại nhìn đôi mắt khát khao tự do của người đồng hương dõi ra từ ô ánh sáng bé xíu diện tích 6x12cm và thầm mong những bạn trẻ như H. tỉnh táo hơn để đừng phải rơi vào cạm bẫy tội lỗi...

bZFvNxtd.jpgPhóng to
Nhà tù Feltham - Luân Đôn

Một cha đạo rất quan tâm tới tình hình giới trẻ Việt Nam đến tìm tôi giãi bày hoang mang sau khi đọc hai bài báo trái ngược nhau trong cùng buổi sáng.

Bài thứ nhất là niềm tự hào của người Việt đang có mặt tại Anh. Nguyễn Chí Hiếu, chàng thanh niên Bình Định, đỗ đầu bảng trong kỳ thi A-level (dự bị đại học), vượt qua mọi đối thủ nặng ký từ các trường tư thục danh giá tại Anh.

Bài thứ hai nói về một thanh niên Việt đồng lứa bị tòa án địa phương ở Lewisham kết án hai năm tù vì trồng tài mà (cần sa).

Tù nhân tuổi 17

Một ngày mưa tầm tã, trời đất xám xịt trong cái lạnh gai gai của thành phố mù sương, tôi đến nhà tù thanh thiếu niên lớn nhất nước Anh, nằm tại Feltham, vùng ngoại ô cách trung tâm Luân Đôn nửa tiếng đi tàu về phía tây nam.

Với sức chứa 764 phạm nhân, nhà tù khá rộng, quang cảnh còn hơi giống một khuôn viên trường học. Mỗi khu giam giữ được đặt theo tên một loài chim - lối ví von ẩn dụ với thân phận người náu mình trong đó. Qua gần chục lần cổng sắt, tôi vào được xà lim "Con diệc", nơi H. - người bạn của tôi đang bị biệt giam. Căn phòng nhỏ chừng mười mét vuông được trang bị cả TV, đài cát-xét, giường đệm cá nhân và khu vệ sinh riêng biệt. Hằng ngày, phạm nhân được ra ngoài xà lim khoảng một tiếng để tham gia hoạt động chung như chơi thể thao hay học ngoại khóa, học nghề, nếu họ muốn.

H. sinh ra và lớn lên ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Bố bỏ đi từ khi H. còn nhỏ, mẹ lại tù tội nên H. sống với bà nội già yếu trong cảnh túng thiếu. Nghe người quen rủ rê, H. đồng ý vay tiền của họ để nhập cư lậu sang Anh làm ăn hy vọng thay đổi cuộc đời. H. chấp nhận trông vườn "cỏ" (tiếng lóng chỉ "tài mà") để trả nợ chủ đường dây nhập cư lậu. Lợi nhuận sau thu hoạch chia theo tỷ lệ bảy-ba, nghĩa là chủ ngồi chơi xơi nước hưởng bảy phần, người trồng được ba. Nhưng nếu rủi ro xảy ra, cảnh sát tìm đến thì người trồng phải gánh tội hoàn toàn trong khi ông chủ nhẹ nhàng phủi tay rũ bỏ trách nhiệm liên đới.

H. ngậm ngùi: ở nhà cứ tưởng sang đây tung hoành, ai ngờ bị nhốt trong điều kiện không chút tự do thế này. Hằng ngày, H. chỉ còn biết đối mặt với bốn bức tường, chẳng thể nói câu gì vì có nói cũng chẳng ai nghe và có nghe cũng chẳng ai hiểu. TV, đài đóm có đấy cũng như thừa vì H. không biết tiếng Anh. Đồ ăn thức uống tuy đủ dinh dưỡng nhưng đều là khẩu vị của người phương Tây, cực hình với chàng trai lớn lên bằng cơm gạo và rau muống, đến nỗi chỉ mới thấy khoai tây, pho-mát và bánh mì thôi đã muốn ốm rồi.

Thỉnh thoảng, H. còn bị quản giáo cảnh cáo oan do bất đồng ngôn ngữ và văn hóa. Ở tuổi "bẻ gãy sừng trâu" với nhiều năng lượng dư thừa mà phải sống trong cảnh kìm hãm, nhiều lúc H. tưởng mình muốn hóa điên vì quẫn trí. H. nhờ tôi xin giúp cho về Hải Phòng với bà nhưng nhân viên điều tra lạnh lùng tuyên bố chuyện đó không thể xảy ra khi H. chưa thụ án xong.

Cán bộ quản giáo cho biết, ngoài H. còn tới 5 thanh thiếu niên Việt khác đang tạm giữ tại đây chờ ngày ra tòa lĩnh án, chưa kể các trường hợp đã sang nhà tù người lớn khi tới tuổi 18. Thực ra, họ chỉ là một vài trường hợp kém may mắn trong số rất nhiều thanh thiếu niên nạn nhân của các đường dây nhập cư bất hợp pháp lan tràn. Có lần tôi được gọi tới cấp cứu một bệnh nhân lên cơn tâm thần trong trạng thái tuyệt vọng. Lại nghe nói có bạn trẻ đã tự kết thúc kiếp lưu vong ngay trong trại tạm giam nhập cư bất hợp pháp do ám ảnh bởi món nợ khổng lồ không có cơ hội hoàn trả.

Thường các vườn "cỏ" nằm ở ngoại ô hay tỉnh lẻ, cách xa khu dân cư đông đúc. Nhưng cũng không ít vườn tọa lạc ngay trong khu chung cư. Nhiều cặp vợ chồng ăn trợ cấp xã hội giả vớ ly hôn để có quyền xin mỗi người một nhà, rồi vẫn tiếp tục sống chung, dành căn hộ xin được để "trồng cây". Hoặc một số người đứng ra thuê nhà bằng tên giả, với giá chừng 1.000 bảng Anh/tháng, trả bằng tiền mặt, rồi biến thành vườn "cỏ". Tuy nhiên, cảnh sát đã phát hiện ra xu hướng này nên tiến hành truy quét khá gắt gao. Có những đêm, trực thăng lượn lờ rất nhiều vòng để soi tìm "vườn địa ngục" tiềm ẩn trong các khu chung cư cao tầng nhiều người Việt.

Do đặc điểm người trồng tài mà thường ở một mình với khá nhiều tiền và "hàng", các căn nhà trồng "cỏ" trở thành điểm tấn công hấp dẫn giới lưu manh của cả ta lẫn Tây. Anh Nguyễn Thọ Khang bị đâm chết trong "cứ điểm" tại Alperton, bắc Luân Đôn; kẻ sát nhân vẫn chưa sa lưới. Gần đây nhất, một thanh niên bị hạ sát ngay trong nhà "cỏ" tại Deptford, mấy ngày sau người thân mới thấy xác giấu trong tủ khóa kín do mùi hôi xông ra nồng nặc.

Một số bạn gái bị cưỡng hiếp ở các căn nhà này mà chẳng dám hé răng nửa lời. Với thân phận bất hợp pháp, làm sao đủ can đảm và tư cách ra tòa thưa kiện ai! Một nghề chui lủi nữa mà các con nợ cầm cố phải làm là "đưa hàng". Mỗi tối đưa hàng có khi kiếm bằng vài ngày cúi mặt đánh móng tay cho thiên hạ, nếu có gan bất chấp hàng trăm mối hiểm nguy rình rập trong bóng đêm ở thành phố tự do.

Xấu đi hình ảnh một cộng đồng

8wi1F9gp.jpgPhóng to
Một chung cư nơi cảnh sát phát hiện người Việt trồng cần sa
Trồng và buôn bán ma túy đang trở thành mánh làm ăn hốt bạc của người Việt tại Anh, đặc biệt có sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ. Báo chí Anh cho biết cần sa trồng tại gia đang chiếm quá nửa số ma túy tiêu thụ ở Anh. Một số đơn vị cảnh sát báo cáo số lượng bắt giữ tăng lên 6 lần - sự bùng nổ ở mức báo động. Mặt khác, tệ nạn này đang trở thành vết dầu loang trên hình ảnh cộng đồng Việt. Thái độ dân Anh chuyển dần từ sửng sốt, bất ngờ sang nghi ngại, xa lánh, và chẳng biết còn tiếp tục sang sắc thái tiêu cực nào.

Mới đây, một địa điểm trồng 700 cây tài mà bị phát hiện tại đường Chatterton, vùng Bromley. Sự kiện này đã "bôi tro trát trấu" vào những cư dân yên bình ở đây, bởi họ vừa mới đệ đơn với 2.000 chữ ký lên cộng đồng quận xin công nhận danh hiệu "làng văn hóa". Bao nỗ lực tích cực của cả cộng đồng có nguy cơ tan thành mây khói chỉ vì "con sâu làm rầu nồi canh". Báo chí miêu tả đây là "đòn đau điếng" với người dân và doanh nghiệp địa phương vì danh hiệu "làng văn hóa" hứa hẹn mang lại rất nhiều quyền lợi béo bở. Chẳng nói thì ai cũng đoán được phản ứng của họ với dân Việt nhập cư.

Giờ đây, người Anh chẳng còn lạ khi thấy các bài viết, không chỉ ở báo địa phương mà còn trên các tờ báo quốc gia lớn như Observer, về băng nhóm hay cá nhân người Việt bị bắt hoặc kết án vì tội danh nguy hiểm này. Nhiều đường dây nóng đăng tải trên phương tiện truyền thông huy động xã hội tham gia tích cực chống tệ nạn. Lời cảnh báo cũng đủ thấy mức độ tràn lan đáng sợ của vấn đề: "Các căn nhà nằm ngay trong khu phố của quý vị có khả năng đang bị đám đại ca người Việt lợi dụng làm cứ điểm trồng ma túy hạng nặng...".

Đúng dịp Giáng sinh 2005, Bùi Hà (22 tuổi) và Đỗ Khang (31 tuổi) bị kết án tại Tòa Snaresbrook ở Barking, sau khi bị bắt quả tang trồng "cỏ" tại ba căn cứ trên đường St-Erkenwald, Ilford và East Ham, mỗi nơi khoảng 600 cây. Riêng một địa điểm như vậy có thể thu nhập trên 700.000 bảng Anh (20 tỉ đồng)/năm.

Khi bắt, cảnh sát tìm thấy trong người Hà và Khang tới 31 bộ chìa khóa. Hà nhận án 2 năm tù vì tội trồng cần sa và 6 tháng tù vì câu trộm điện, còn Khang, nhập cư trái phép, lãnh 15 tháng tù giam và đề xuất trục xuất về nước ngay sau khi mãn hạn. Phạm Thị Tâm, ngụ tại đường Rangefield (Bromley) và Phạm Quốc Việt, ngụ tại chung cư Deloraine, Tanners Hill (Deptford) lãnh tổng cộng 39 tháng tù ở Tòa Woolwich sau khi cảnh sát khám nhà thu 9kg cần sa trị giá 30.000 bảng Anh (820 triệu đồng).

Thám tử điều tra McKelvey cho biết cảnh sát phát hiện tới 33 căn cứ trồng tài mà chỉ trong vòng một tháng, chủ yếu ở vùng Manor Park với các dãy nhà nằm san sát nhau có hệ thống cửa chớp giúp ngụy trang mặt tiền dễ dàng. Ông McKelvey cũng cho hay đám "lưu manh người Việt" đứng đằng sau hầu hết các căn cứ dùng các nhà thuê này.

Họ sản xuất loại cần sa hạng nặng skunk có thể khiến con nghiện lao vào phạm tội triền miên để có tiền "phê". Vợ chồng Ngô Tiến và Vũ Vinh mới đây bị buộc tội biến ngôi nhà trên đại lộ Shelley ở Manor Park thành cứ điểm cần sa rất tinh vi, có đủ hệ thống chiếu sáng và kiểm soát nhiệt độ chuyên dụng và cửa sổ che chắn kỹ càng. Họ móc công-tơ câu tới 5.381 bảng Anh (150 triệu đồng) tiền điện cho trồng trọt trong 8 tháng.

Toàn bộ căn cứ thường bao quanh bằng hệ thống dây nối với cáp điện hòng đánh bẫy bất cứ ai có ý định đột nhập. Nghiêm trọng nhất là một vụ ở Khu Đông Luân Đôn được cảnh sát xem là "đồn điền cần sa lớn nhất từ trước tới nay" mà họ được chứng kiến, đến mức "không thể tin được", "như khu rừng rậm với hàng ngàn cây", mỗi cây cao ngót nghét 60cm. Ngay cách vài phố, cảnh sát tóm thêm một căn cứ hiện đại nữa do ba phụ nữ và một bé gái 7 tuổi, đều là người Việt, trông nom.

Theo báo chí Anh, vấn đề này được Nha Cảnh sát trung ương coi là vấn nạn lớn và đang nỗ lực tìm cách xử lý. Đặc biệt đáng chú ý là hiện tượng trồng và buôn bán ma túy không chỉ bó hẹp trong cộng đồng Việt ở Anh mà có dấu hiệu lan tràn thành đường dây quốc tế ở các nước phát triển. Thông tin về các bản án dành cho người Việt tham gia trồng và buôn bán cần sa có thể thấy trên phương tiện truyền thông tại Úc, Canada, Mỹ và Nhật. Tờ Courier Mail của Úc số tháng trước còn miêu tả băng nhóm người Việt đang nổi lên là một trong những nguồn cung cấp cần sa thủy canh lớn nhất tại quốc gia này.

Rời khỏi trại giam Feltham với hình ảnh người quản giáo đưa tay đẩy chàng thanh niên H. vào căn xà lim nhỏ rồi khóa trái kỹ càng, tôi ngoảnh lại nhìn đôi mắt khát khao tự do của người đồng hương dõi ra từ ô ánh sáng bé xíu diện tích 6x12cm và thầm mong những bạn trẻ như H. và người thân tại quê nhà tỉnh táo hơn trước khi quyết định di cư bất hợp pháp để đừng phải rơi vào cạm bẫy tội lỗi...

Theo Thanh niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên