Từ "nhà báo của năm" đến "kẻ dối trá của năm" 

TƯỜNG ANH 09/01/2019 21:01 GMT+7

TTCT - Đối với Der Spiegel nổi tiếng không chỉ ở nước Đức mà còn ở châu Âu và thế giới, năm 2018 kết thúc bằng một sự cố bẽ bàng: nhà báo nổi tiếng của họ Claas Relotius bị lật tẩy nói dối nhiều năm liền, khiến tờ báo phải chấp nhận đơn xin nghỉ việc của nhà báo từng nhận nhiều giải thưởng danh giá, và đình chỉ một loạt biên tập viên liên quan.

Tờ tạp chí danh giá Der Spiegel và khẩu hiệu của họ: “Sagen, was ist” (Nói đúng những gì xảy ra). Ảnh: Vajuu
Tờ tạp chí danh giá Der Spiegel và khẩu hiệu của họ: “Sagen, was ist” (Nói đúng những gì xảy ra). Ảnh: Vajuu

 

Nhà báo nói láo

Trong ấn bản phát hành ngày 19-12-2018, Der Spiegel thừa nhận nhà báo thâm niên 7 năm của họ Relotius, 33 tuổi, đã ngụy tạo nhiều bài viết, đăng thông tin tưởng tượng, sai lệch, không kiểm chứng.

“Cáo trạng” tóm tắt như sau: “Claas Relotius, phóng viên và biên tập viên, đã ngụy tạo các bài viết ở quy mô lớn, bao gồm việc tạo ra những nhân vật hư cấu, và do đó đã lừa dối độc giả cũng như đồng nghiệp. Vụ việc được phát hiện sau một cuộc điều tra nội bộ và sự thú nhận của tác giả.

Trong những bài báo của mình, anh ta đã vẽ ra những nhân vật anh ta chưa bao giờ gặp và trò chuyện, nhưng lại kể những câu chuyện của họ và dẫn lời họ. Relotius cũng bịa đặt những đoạn đối thoại và trích dẫn. Từ năm 2011, tạp chí Der Spiegel đã đăng 60 bài viết của anh ta bản in cũng như online. Theo thú nhận của chính anh ta, ít nhất 14 bài báo trong số này là bịa đặt”.

Không chỉ “tác nghiệp” trên Der Spiegel, các bài báo của Relotius còn xuất hiện ở một loạt ấn bản nổi tiếng của Đức và châu Âu, bởi anh ta là một nhà báo tự do. Đặc biệt, trong số các “tác phẩm” của Relotius có bài báo về những trẻ em Syria bị một nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt cóc, hay về một tù nhân Guantanamo bị đối xử bất công…

Những bài báo “ấn tượng” đấy đã khiến tác giả nhận được vinh quang đủ kiểu. Năm 2014, Relotius được CNN (Hoa Kỳ) vinh danh “Nhà báo của năm” nhờ phóng sự về những nghiệt ngã đời thường của án tử hình.

Năm 2017, Trung tâm điều tra báo chí Serbia đã trao thưởng cho Relotius cho bài báo về anh em Ahmed và Alin, những đứa trẻ mất cha mẹ ở Aleppo, trốn chạy và làm việc ở một xưởng may Thổ Nhĩ Kỳ bởi không đến được châu Âu. Phóng sự này còn mang về cho Relotius “Giải thưởng báo chí châu Âu” 2017.

Gần đây nhất, ngày 4-12-2018, Relotius nhận giải “Phóng sự hay nhất” trong khuôn khổ giải thưởng báo chí Đức Reporterpreis cho tác phẩm báo chí “Trò chơi trẻ em”, được đăng trên tuần san Der Spiegel ngày 23-6-2018. Hóa ra “tác phẩm” đoạt giải này, về sau được tác giả thú nhận, là hoàn toàn hư cấu!

Trong đó, Relotius kể lại câu chuyện về một thiếu niên vào năm 2011 từng vẽ những bức graffiti chửi rủa Tổng thống Syria Bashar al-Assad để kích động đấu tranh ở Syria. Năm 2018, Relotius “gặp lại” cậu thiếu niên năm nào nay đang trong hàng ngũ quân nổi dậy chống Asaad ở tỉnh Deraa! Khi trao các giải thưởng cho Relotius, ban giám khảo thường nhận xét về sự trữ tình và chất thơ trong việc mô tả thực tại khủng khiếp!

Thế nhưng trò lừa bịp cuối cùng cũng kết thúc. Tháng 11-2018, Der Spiegel đăng bài báo dài “Jager’s Frontier” do Relotius tác nghiệp chung với nhà báo Mexico Juan Moreno, kể về một cựu quân nhân Mỹ tổ chức một biệt đội tự vệ để tự tuần tra biên giới Hoa Kỳ - Mexico.

Bài báo Relotius viết xuất sắc như mọi khi. Nhưng đồng nghiệp người Mexico của anh ta không hài lòng. Moreno khiếu nại lên ban biên tập Spiegel rằng Relotius đã đơm đặt rất nhiều. Lúc đầu, các biên tập viên nhắm mắt làm ngơ. Không bỏ cuộc, trong lần đến Mỹ tác nghiệp tiếp đó, Moreno tự mình đi tìm các nguồn tin mà Relotius đề cập trong bài, và phát hiện họ chưa bao giờ nói chuyện với Relotius. Moreno cũng chứng minh Relotius đã bịa ra nhiều chuyện khác.

Lúc đầu, Relotius phủ nhận mọi cáo buộc. Nhưng về sau, dưới sức nặng của bằng chứng, anh ta thừa nhận đã bịa đặt.

Cuộc điều tra được mở, và cuối cùng Relotius công nhận đã nói dối vô số lần trong các phóng sự viết cho Spiegel, bao gồm cả trong những bài báo từng đoạt giải thưởng.

Cuối cùng, “nhà báo của năm” xin nghỉ việc. Còn Spiegel - vốn tự hào với đội ngũ tỉnh táo viên, kiểm tra dữ kiện 60 người và câu khẩu hiệu lừng lẫy “Tell it like it is” (Kể lại đúng như chuyện đã xảy ra) - giờ đang phải khấu đầu tạ tội với độc giả, đình chỉ các biên tập viên cấp cao, và mở một cuộc điều tra độc lập với sự tham gia của các thành phần bên ngoài tờ báo.

Claas Relotius nhận giải “Nhà báo của năm” của CNN. Ảnh: New York Post
Claas Relotius nhận giải “Nhà báo của năm” của CNN. Ảnh: New York Post

 

Đường đi của những lời nói dối

Những “phóng sự ngôi sao” của Relotius vẫn còn đầy rẫy trên mạng. Chẳng hạn, câu chuyện cảm động về những đứa trẻ Syria mồ côi ở Thổ Nhĩ Kỳ: “Mẹ các em làm món kuskus. Cha các em kể về công việc.

Cả gia đình Syria đang ngồi bên bàn ăn thì một vụ nổ hất tung bàn ghế… Các em nghe cha mình kêu cứu. Nhưng bà mẹ lặng câm - bà đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát. “Mẹ nằm đó - Ahmed nói - không còn thở nữa. Máu chảy từ đầu bà như nước đỏ trên sông”.

Và giờ đây những đứa trẻ ấy phải tự kiếm sống ở xứ lạ trong những điều kiện phi nhân: Alin khom người, bước qua cánh cửa thấp rồi đi xuống 15 bậc trong một tầng hầm ẩm ướt ngột ngạt. Trong không khí lửng lơ mùi mồ hôi.

Ánh sáng rơi rụng từ ngọn đèn neon trên trần, chiếu sáng những gương mặt dịu dàng của chừng hơn 20 đứa bé: 19 bé gái và 5 bé trai, tất cả vẫn là trẻ con. Một số tập tễnh bên nạng: ba đứa không còn chân. Chúng xếp hàng như lính và một người đàn ông bắt đầu điểm danh. Ông ta la lên bằng tiếng Ả Rập: “Yalla, yalla”, “nhanh lên”, và bọn trẻ chạy đi làm việc.

Alin ngồi xuống chiếc ghế nhựa, chêm một chiếc gối sau lưng, đặt chân trái lên bàn đạp và chụp lấy đống quần áo. Em cầm cái áo phông đen, nhét vào máy và bắt đầu may - một đường may, đường thứ hai, thứ ba, thứ tư…”. Cứ như thế, Relotius viết nên những áng văn diệu vợi, nhưng thuộc thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết nhiều hơn là báo chí.

Tại sao những phương tiện truyền thông nổi tiếng là khách quan và mẫu mực - như Spiegel - lại phạm những lỗi sơ đẳng trong việc kiểm chứng thông tin như thế? Blogger Nga nổi tiếng chuyên về thời sự chính trị Viktor Makharovsky cho rằng là bởi “những đứa bé trong phóng sự hoàn toàn giống những trẻ em của thế giới thứ ba trong hình dung của công chúng phương Tây.

Chúng bước ra từ màn hình bộ phim dự festival hay từ một cuốn sách thời trang tội nghiệp. Chúng mơ đến được một đất nước châu Âu cổ tích với nữ hoàng Merkel, như Claas kể, nhưng chúng không gặp may: không thoát được khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Cậu bé, như những trẻ em châu Âu khác, là người hâm mộ bóng đá. Còn bé gái không biết nước Đức nằm đâu, cả hai chỉ biết ở đó bình an và trẻ em không bị bắt làm việc… Có nghĩa, Claas nói những điều gõ đúng vào trái tim phương Tây, chính vì thế mà những bài báo bịa đặt được nhiệt tình đón nhận, năm này qua năm khác”.

Những khác biệt văn hóa không chỉ là giữa phương Tây với Trung Đông, mà còn là giữa phương Tây với nhau. Chẳng hạn, Washington Post nhận xét nếu bài báo ngụy tạo của Relotius về một thị trấn ở Minnesota nơi có một căn nhà với tấm biển “Cấm bọn Mexico” ngoài bãi cỏ tới tay một biên tập viên Mỹ, nó sẽ không dễ dàng được đăng như thế.

Một biên tập viên ở Mỹ khá chắc chắn là sẽ đòi một bức hình chụp tấm biển đó, và cả sự đối chiếu với một nguồn độc lập thứ ba. Nhưng từ Đức, nơi hình ảnh đó đã ăn sâu vào đầu óc dư luận, nhất là từ sau khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền ở Mỹ, dữ kiện nói trên được chấp nhận nghiễm nhiên.

Khi giải thích lý do bịa đặt, Relotius nói anh ta rơi vào thế lỡ leo lên lưng cọp: “Càng trở nên thành công, tôi càng cảm thấy mình không có quyền thất bại”. Trong thời đại mạng xã hội này, không thể phủ nhận nạn tin tức giả mạo đã lên tới đẳng cấp quốc tế và tiếp tục là thử thách có lẽ là lớn nhất với người đọc.

Những diễn giải, hay thậm chí là các dữ kiện cứng về những gì thực sự xảy ra, ở những điểm nóng có tranh chấp địa chính trị, như Syria hay Trung Đông, và sự đối đầu giữa các nhóm truyền thông: phương Tây và Nga, phương Tây và Trung Quốc… càng khiến việc lọc nhiễu thông tin trở nên cực kỳ khó khăn.

Nghề báo lẫn người đọc chưa bao giờ đối mặt nhiều thách thức như thế. Tổng biên tập kênh tin tức quốc tế Russia Today Margarita Simonyan, phát biểu tại Đại hội quốc tế về an ninh mạng, cảnh báo: “Nhưng đó thậm chí còn chưa phải là một nửa rắc rối, đó mới chỉ là 1% tai họa đang chờ chúng ta trong tương lai, khi công nghệ dẫn đến việc sẽ không bao giờ phân biệt được tin giả và tin thật.

Không thể nào biết điều người nào đó nói là thật hay bị cấy ghép. Và các clip video sẽ hoàn toàn không còn là bằng chứng nữa… Nếu hiện nay tin giả là thách thức cho các hãng truyền thông và báo chí thì trong tương lai, tin giả sẽ là thách thức cho chính sự thật”.■

Câu chuyện của Omran Daqneesh, một cậu bé Aleppo nổi tiếng khác, nhưng có thật chứ không phải bịa đặt của Relotius, có thể là ví dụ cho thách thức với sự khả tín của tin tức thời đại này. Tháng 6-2016, Omran mới 5 tuổi, bị sốc nhưng may mắn lành lặn trong một trận bom ở đông Aleppo, khi đó thuộc kiểm soát của quân chính phủ Assad và đồng minh Nga. Báo chí phương Tây cáo buộc phe Assad thực hiện cuộc không kích và dùng ảnh Omran như một tấm “poster” cho các tin tức của họ, điều mà Syria và Nga nhiều lần bác bỏ. Trên mạng, nhiều người khác đăng tấm ảnh để kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Syria, quy trách nhiệm cả Mỹ lẫn Nga, gọi cậu bé là “đại diện thật sự của nhân dân Syria”.

Từ sau khi tấm ảnh được công bố, gia đình Omran đã từ chối xuất hiện trên báo chí, thậm chí họ còn phải cạo trọc đầu cậu bé để cậu khỏi bị nhận ra. Đến năm 2017, kênh truyền hình Syria Addounia TV tiếp cận được gia đình Omran, đăng những bức ảnh và clip phỏng vấn mới về họ, trong đó cha Omran nói ông đã từ chối các đề nghị được giúp đỡ đi nước ngoài, vẫn ở lại Syria vì trung thành với chế độ Assad. Đáp lại, truyền thông phương Tây cho rằng những tin tức mới về gia đình Omran trong cuộc sống hòa bình là tuyên truyền! Đó thực sự là một cuộc chiến “anh nói - tôi nói” không hồi kết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận