Công viên khu N (dự án khu dân cư P.Phú Mỹ) nơi chủ đầu tư dự kiến chuyển một phần thành đất ở - Ảnh: T.Long |
Giá trị đất dự tính cao gấp nhiều lần kinh phí ngầm hóa điện.
Ngày 7-4, ông Trương Quốc Bình, phó chủ tịch UBND P.Phú Mỹ, quận 7 (TP.HCM), cho biết phường đã họp lấy ý kiến người dân trong dự án khu dân cư Phú Mỹ về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của khu dân cư này.
Tuy nhiên vụ việc vẫn chưa ngã ngũ.
Giảm đất công viên, tăng dân số
Bà Nguyễn Thị Ngọc Vui, một hộ dân ở đường số 4, khu dân cư P.Phú Mỹ, cho biết tại cuộc họp, chủ đầu tư của dự án (Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng) trình bày các phương án điều chỉnh quy hoạch của dự án trên.
Theo đó, chủ đầu tư sẽ chuyển đất công viên cây xanh hành lang điện thành đất ở (dưới hình thức chia lô bán nền đất) sau khi được UBND TP đồng ý cho ngầm hóa tuyến cáp điện 110kV đi qua dự án.
Quy hoạch 1/500 ban đầu của dự án khu dân cư P.Phú Mỹ có đường dây điện 110kV đi ngang qua, phía dưới là công viên cây xanh hành lang điện rộng gần 8.700m2 trải dài toàn bộ dự án.
Đầu tháng 12-2015, UBND TP đã chấp thuận chủ trương cho chủ đầu tư được chuyển mục đích sử dụng đất sau khi ngầm hóa đường dây điện dài khoảng 670m đi qua dự án này.
Phần đất cây xanh dự kiến sẽ chuyển thành đất ở là khu công viên giáp đường Hoàng Quốc Việt rộng gần 8.700m2.
Trước cuộc họp, chủ đầu tư có văn bản ngỏ với người dân sẽ phân toàn bộ diện tích khu công viên này thành hai dãy. Tại cuộc họp, chủ đầu tư trình bày thêm phương án chỉ phân lô khoảng 6.000m2 tại công viên này ở hai vị trí: hoặc sát đường Hoàng Quốc Việt, hoặc ở sát đường nội bộ lô N.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, UBND TP đã đồng ý ngầm hóa gần 700m cáp điện 110kV đi qua khu dân cư P.Phú Mỹ theo phương thức xã hội hóa.
Chủ đầu tư dự án sẽ tự bỏ tiền thi công ngầm hóa cáp điện, bù lại chủ đầu tư được phép chuyển mục đích sử dụng toàn bộ diện tích đất hành lang điện để chia lô, bán nền bù lại kinh phí ngầm hóa trên.
Theo tờ trình của UBND Q.7, gần 8.700m2 đất mới được chuyển mục đích dự kiến phân thành 42 lô nhà ở riêng lẻ thấp tầng kéo theo dân số toàn dự án sẽ tăng thêm 168 người.
“Thủ thuật” lấy ý kiến dân cư
Trong văn bản của UBND Q.7 gửi UBND TP.HCM và Sở Quy hoạch kiến trúc về việc điều chỉnh quy hoạch 1/500 của dự án này cho biết chủ đầu tư dự án và UBND P.Phú Mỹ đã họp lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và được người dân đồng ý.
Nội dung này bị nhiều hộ dân trong khu dân cư phản ứng vì chủ đầu tư và UBND phường chỉ lấy ý kiến 16 hộ dân có nhà trong khu N, trong khi công viên là một phần chung của toàn bộ dự án với hơn 1.000 khách hàng và đã có hàng trăm hộ dân đang sinh sống.
Trao đổi với Tuổi Trẻ vào đầu năm 2016 về việc này, đại diện Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng cho biết việc chia lô khu công viên trong khu N chỉ ảnh hưởng đến các hộ dân ở khu này nên không cần thiết phải lấy ý kiến người dân ở những khu vực khác trong dự án.
Tuy nhiên, mới đây công ty đã có văn bản thừa nhận sai sót khi chỉ lấy ý kiến người dân khu N mà không lấy ý kiến của toàn bộ cư dân trong dự án.
Trong công văn này, công ty cho biết lý do lựa chọn vị trí công viên khu N vì khu vực công viên này hiện ít người sử dụng do giáp với đường Hoàng Quốc Việt vốn đông xe cộ qua lại và nơi đây còn một hộ dân chưa giao đất mà công ty chưa bồi thường được.
Trong văn bản trên, công ty cũng hứa hẹn nếu người dân đồng ý điều chỉnh quy hoạch 1/500 của dự án trên theo nội dung này thì công ty sẽ thực hiện một số hạng mục tại dự án bằng nguồn kinh phí của công ty.
Cụ thể như cải tạo diện tích cây xanh hiện hữu của dự án cho chỉnh trang và thẩm mỹ, lát gạch cải tạo lại đất công viên, trồng thêm cây xanh, giải quyết tình trạng ngập nước, đẩy nhanh quá trình cấp giấy chủ quyền cho một số khách hàng còn lại, di dời vườn ươm của công ty ra khỏi dự án...
Chủ đầu tư bỏ con tép, bắt tôm hùm
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, một hộ dân trên đường Hoàng Quốc Việt, là khách hàng của dự án trên, cho rằng tất cả những điều kiện do công ty đưa ra là nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với dự án, không phải là những tiện nghi ngoài dự án.
Cho dù cư dân có đồng ý hay không đề xuất điều chỉnh quy hoạch 1/500 thì chủ đầu tư vẫn phải thực hiện những hạng mục trên.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Vui cho biết bà không đồng ý bất kỳ phương án chia lô nào tại cuộc họp. Theo bà Vui: “Việc lấy một phần đất công viên để chia lô bán nền đã vi phạm quyền lợi của toàn bộ khách hàng trong dự án.
Những khách hàng mua nền đất đối diện với công viên phải đóng thêm 30% so với giá mua ở những vị trí khác. Giờ công ty thay đổi quy hoạch 1/500 chỉ nghĩ đến quyền lợi của công ty mà không chú ý đến quyền lợi của khách hàng”.
Ông Vũ Văn Sáng, tổ trưởng dân phố 5, cho rằng: “Nếu chỉ đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ về mặt kiến trúc không gian mà đánh đổi một phần lớn diện tích cây xanh của cư dân thì thật sự không cần thiết”.
Phía UBND Q.7 cho rằng phần đất công ty đề xuất thuộc đất ngoài đơn vị ở và không tính chỉ tiêu cây xanh trong dự án. Với số dân tăng lên sau khi chuyển mục đích sử dụng đất thì chỉ tiêu cây xanh trên đầu người của dự án này vẫn bảo đảm theo quy chuẩn.
Mặt khác, sau khi thực hiện dự án, toàn bộ khu vực sẽ không bị tuyến điện cao thế chạy cắt ngang, đẹp hơn cho cảnh quan khu vực nên UBND quận ủng hộ đề xuất của chủ đầu tư.
Theo dự tính của một cán bộ ngành điện, kinh phí ngầm hóa 1km dây cáp điện 110kV khoảng 40 tỉ đồng. Với với gần 700m dây cáp điện 110kV đi qua dự án trên thì kinh phí ngầm hóa khoảng 30 tỉ đồng.
Trong khi đó, giá đất trung bình của khu dân cư Phú Mỹ khoảng 40 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư chuyển hơn 8.700m2 đất công viên thành đất ở có giá trị không dưới 300 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tùng (đại biểu HĐND TP): Không nên tùy tiện chỉnh quy hoạch Chính quyền không nên điều chỉnh quy hoạch 1/500 của các dự án một cách tùy tiện, nhất là điều chỉnh liên quan đến việc giảm diện tích cây xanh trong toàn dự án. Cho dù UBND Q.7 lập luận rằng không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn về cây xanh trên đầu người trong đơn vị ở, nhưng nhìn tổng thể thì diện tích cây xanh của toàn dự án bị giảm nghiêm trọng. Đó là chưa kể quy mô dân số của dự án tăng lên so với phê duyệt ban đầu. Nếu Nhà nước đồng ý cho dự án này điều chỉnh quy hoạch theo hướng xấu đi như vậy thì có lý do để từ chối những dự án khác hay không. Đó là chưa kể việc ngầm hóa tuyến cáp điện trong dự án không mang tính đồng bộ trên toàn tuyến Tân Thuận - Hiệp Phước. Việc không đồng bộ này có làm phức tạp thêm, tăng kinh phí bảo trì cho tuyến cáp điện 110kV này hay không. Việc ngầm hóa điện là khuyến khích nhưng phải tính đến thực hiện đồng bộ cho cả tuyến chứ không nên cắt khúc theo từng dự án như vậy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận