Nghiên cứu sinh Kiều My - Ảnh: C.NHẬT
Thầy Kiều My là một người rất tốt bụng, nhạy bén và nhiệt tình với học sinh.
NGUYỄN XUÂN DUNG (cựu học sinh Trường phổ thông Năng khiếu, hiện ở tại bang Florida, Hoa Kỳ)
Trước đó Kiều My từng là giảng viên một số trường đại học, giáo viên tại Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM), sáng lập viên và quản lý một số trung tâm về công nghệ thông tin. Suốt thời đi học, anh giành nhiều học bổng ở bậc đại học, học bổng nghiên cứu sinh tại Ý, suất thực tập tại Nhật.
Kiều My cũng có nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Song song đó, bạn có mặt "trên từng cây số" trong nhiều hoạt động tình nguyện, thể thao… với nhiều giải nhất về môn bóng bàn.
* Thời niên thiếu của anh có êm dịu như cái tên?
- Tuổi thơ của tôi ngược lại, khá chông chênh. Tôi mồ côi cha từ nhỏ, nên 3 anh em phải cùng phụ mẹ làm việc để kiếm sống. 10 tuổi tôi chăn bò, sau đó làm đủ nghề để kiếm sống như đi rẫy trồng trọt, phụ mẹ bán bắp…
Có nhiều hôm ngủ tới 3h sáng phải dậy vớt bắp luộc và chở xuống chợ cho mẹ bán kể cả trong mùa đông lạnh buốt, trưa đi học về thì tôi chở bắp khô đi qua các xã khác để bán tiếp.
Mãi đến lớp 12 đi học tôi vẫn không có đồng nào để ăn sáng, nên thường được bạn cho miếng kẹo cao su nhai đỡ đói.
Tốt nghiệp 12, tôi ra Phan Rang đi sửa máy photocopy, rồi vào Sài Gòn làm các việc bốc vác, gọt mía, móc áo… Sau đó, tôi quyết định ứng tuyển đi bộ đội để đỡ phần ăn, phần vì tính tình thẳng thắn nên nghĩ môi trường quân đội sẽ phù hợp với mình. Cân nặng chỉ có 44,5kg nên tôi phải năn nỉ lắm người ta mới nhận, cũng phần do tôi học khá.
* Anh đi bộ đội, nhưng sau đó lại trở thành nhà nghiên cứu khoa học, rồi đi du học?
- Tôi âm thầm tranh thủ 10 ngày nghỉ phép của năm thứ hai đi lính để đi thi đại học, thay vì về nhà chơi. Dĩ nhiên, lúc ở trong quân ngũ tôi đã ôn luyện liên tục.
Ngày tôi xuất ngũ là ngày tôi có niềm vui nhân đôi, vừa nhận bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa đậu khoa toán - tin ở Đại học Sư phạm TP.HCM. Tôi đi học bằng số tiền tích cóp được sau khi xuất ngũ và tiền dạy kèm. Đến tận lúc tôi tốt nghiệp đại học thì nhà tôi vẫn nằm trong diện hộ nghèo và vẫn nợ tiền ngân hàng, may mắn giờ đã thoát nghèo.
* Anh chọn hướng nghiên cứu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là về mảng xử lý hình ảnh, vì sao?
- Tôi chọn hướng đi này vì bản thân đã đam mê máy tính từ khoảng lớp 10, mê mẩn đến nỗi tôi đã cố gắng nhớ hình ảnh bàn phím rồi về dùng giấy hộp thuốc vẽ lại bàn phím, rồi tập gõ.
Sau này tôi được biết AI là xu hướng tương lai, nên dù thời điểm nộp đơn xin học bổng tiến sĩ tôi không có bất kỳ nền tảng gì về AI, thậm chí không biết xử lý ảnh hay máy học là gì nhưng vẫn nói với giáo sư rằng tôi sẵn sàng nghiên cứu cái mới. May mắn tôi gặp được vị giáo sư cực kỳ thân thiện và nhiệt tình, trường lại có cơ sở vật chất rất tốt cho chuyên môn trên nên tôi càng có mục tiêu theo đuổi mãnh liệt hơn.
Tôi hi vọng sau này góp chút ít công sức để giúp Việt Nam trong vấn đề số hóa nền kinh tế, xây dựng thành phố thông minh.
* Bài báo quốc tế nào ý nghĩa nhất với anh?
- Công bố ý nghĩa nhất với tôi là công trình đầu tay trong chương trình nghiên cứu sinh, bởi tôi không những được chọn trình bày trước Hội nghị quốc tế về xử lý và phân tích hình ảnh vào tháng 9-2019 (diễn ra tại TP Trento, Ý) mà lại được nhận thêm giải thưởng Sinh viên có bài báo xuất sắc nhất hội nghị.
Tôi sửng sốt, không tin vào tai khi nghe tên mình được xướng lên nhận giải trong ngập tràn tiếng vỗ tay của mọi người. Việc nhận giải này giúp tôi tự tin hơn. Tôi tin rằng dù có thể chúng ta không có nền tảng, xuất phát điểm thuận lợi như những bạn quốc tế nhưng chúng ta vẫn có thể làm được và thậm chí tốt hơn họ nếu mình thật sự cố gắng.
* Một thất bại ý nghĩa nhất tính đến thời điểm hiện tại?
- Dù được một giáo sư Nhật hỗ trợ rất nhiệt tình, tôi vẫn bị rớt một học bổng Nhật sau vòng phỏng vấn cuối cùng. Nhưng nhờ thất bại đó mà tôi mới tìm học bổng bên châu Âu, có cơ hội theo đuổi hướng nghiên cứu mới mẻ.
Còn thất bại trong nghiên cứu là điều rất bình thường, điều quan trọng là chúng ta có biết linh hoạt tìm cách tiếp cận, hướng giải quyết mới hay không. Ngay cả giáo sư đầu ngành của tôi cũng nói là mình không thể biết chắc được hướng nghiên cứu tiếp theo sẽ tốt hay không tốt, nhưng hãy cứ bắt tay làm, học và đánh giá.
* Từng theo nghề "gõ đầu trẻ", anh nghĩ bản thân có học được gì từ học viên của mình?
- Việc được đứng trên bục giảng là một lựa chọn ngẫu nhiên. Vì tốt nghiệp loại giỏi nên tôi nhận về nhiều cơ hội làm việc, nhưng tôi đã nhận lời mời dạy ở Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) thay vì ở các công ty với mức lương cao hơn hẳn.
Trường phổ thông Năng khiếu là nơi học sinh rất tài năng, người dạy cần lượng kiến thức chuyên môn đồ sộ nên tôi buộc phải tự học không ngừng nghỉ.
Tôi luôn coi việc được dạy ở ngôi trường này là một may mắn lớn, vì các bạn học sinh quá giỏi nên tôi cũng có động lực tự học và trau dồi chuyên môn để từ đó tự tin hơn (cười). Nói thật, nếu chịu khó quan sát và lắng nghe thì có rất nhiều điều mà người lớn vẫn phải học từ giới trẻ ngày nay đấy.
Vừa chăm chỉ vừa thông minh
Kiều My là một trong những sinh viên xuất sắc nhất tôi từng gặp. Là gương mặt chăm chỉ, thông minh và sáng tạo, bạn bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đại học với số điểm tuyệt đối 10/10, điểm luận văn thạc sĩ xuất sắc 9,3/10 và là tác giả chính của công trình công bố trên một hội nghị quốc tế chuyên ngành cùng năm.
Trong chương trình thạc sĩ, Kiều My nổi bật hơn những sinh viên khác và đã đạt được học bổng trao đổi nghiên cứu về xử lý ảnh y khoa 3 tháng tại Viện Công nghệ Kyoto (Nhật Bản) vào năm 2015. Bên cạnh đó, nhờ kỹ năng lập trình vượt trội, bạn đã xây dựng lớp học giảng dạy lập trình cho hàng trăm sinh viên Việt Nam trong nước và quốc tế.
Thầy Lý Quốc Ngọc (trưởng bộ môn thị giác máy tính và điều khiển học, giáo viên hướng dẫn của Kiều My ở chương trình thạc sĩ tại ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận