Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình trình bày các biện pháp phòng chống dịch từ 16-9 đến 30-9 - Ảnh: ĐAN THUẦN
Lúc 19h tối nay 15-9, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình chủ trì cuộc họp báo thông tin về tình hình COVID-19.
Cùng chủ trì buổi họp báo còn có ông Lê Hải Bình - ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Phạm Đức Hải - phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM… cùng sự tham gia của đại diện nhiều sở, ban, ngành TP.
Ông Lê Hòa Bình - Phó chủ tịch UBND TP - thông tin các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ 16-9 đến 30-9.
Thí điểm "thẻ xanh COVID-19" tại Q.7, huyện Củ Chi, Cần Giờ
TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 16-9 đến hết ngày 30-9 - Video: VIỄN SỰ
Theo đó TP sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn địa bàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16 từ 0h ngày 16-9 đến hết ngày 30-9; tiếp tục cấp giấy đi đường cho các đối tượng được phép lưu thông, các giấy đi đường công an TP đã cấp có hiệu lực đến hết ngày 30-9.
Đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trước đây chỉ cho giao hàng thông qua shipper công nghệ, lần này cho phép nhân viên của các cơ sở đủ điều kiện được phép tự giao hàng nhưng chỉ trong phạm vi quận của mình.
Đối với các công viên tại các khu chung cư, khu nhà ở tại vùng xanh nếu đảm bảo an toàn, chủ tịch UBND các quận huyện có thể cho phép hoạt động lại để người dân tập thể dục trên cơ sở đảm bảo an toàn và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Ông Bình lưu ý chỉ xem xét hoạt động lại đối với các công viên thuộc các khu chung cư, khu nhà ở. Các công viên lớn như Tao Đàn, công viên 23-9, công viên Hồ Bán Nguyệt vẫn chưa được hoạt động lại.
Video: Từ 16-9, quận 7, Củ Chi, Cần Giờ thí điểm ‘Thẻ xanh COVID-19’
Giải thích về việc triển khai thẻ xanh COVID-19, ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP - cho biết UBND TP chọn thí điểm thẻ xanh COVID-19 tại các đơn vị: quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ, các khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn TP.
Ông Thắng lưu ý, không phải triển khai thí điểm thẻ xanh trên toàn bộ địa phương hoặc đơn vị đó mà chỉ triển khai trên một nhóm cụ thể sau khi thống nhất với lãnh đạo đơn vị.
Ông Thắng dẫn ví dụ: "Ở quận 7 chỉ triển khai thí điểm thẻ xanh COVID-19 cho khoảng 150 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu; ở Củ Chi, Cần Giờ chỉ thí điểm đối với các cơ sở cung cấp thực phẩm, cung cấp sản phẩm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch tại địa phương. Các địa phương còn lại không được thí điểm thì vẫn thực hiện các biện pháp như hiện nay theo các văn bản của UBND TP".
Sau ngày 30-9, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các sở ngành và các địa phương để tham mưu giải pháp chính thức cho UBND TP.
Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Lâm Đình Thắng trao đổi về áp dụng Thẻ xanh COVID-19 - Video: VIỄN SỰ
Dùng app gì?
Về ứng dụng "Khai báo y tế điện tử TP.HCM" mà Sở đang phát triển, ông Thắng cho hay đây không phải là ứng dụng mới mà là ứng dụng đã triển khai trên địa bàn TP từ tháng 1-2021. Nhưng để đảm bảo yêu cầu chống dịch của TP sau ngày 15-9, sau khi tổng rà soát các ứng dụng, các giải pháp công nghệ thông tin và xin ý kiến Bộ chuyên ngành thì TP thống nhất phát triển ứng dụng ứng dụng "Khai báo y tế điện tử TP.HCM" thành một ứng dụng thống nhất cho người dân quản lý thông tin của mình một cách tiện lợi nhất.
"Ứng dụng này gom nhiều ứng dụng hiện nay đang gây bất tiện cho người dân và các cơ quan quản lý, và giúp người dân giảm giấy tờ. Chúng tôi chọn giải pháp phát triển ứng dụng của TP nhằm đáp ứng yêu cầu của TP, ví dụ như bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực cụ thể, tiêu chí thẻ xanh.
Định hướng lâu dài của TP là ứng dụng này không chỉ để phục vụ phòng, chống dịch mà sẽ thành một ứng dụng cho công dân TP.HCM phục vụ các tiện ích cho người dân TP sau khi TP trở lại bình thường mới", ông Thắng giải thích.
Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Lâm Đình Thắng trao đổi về ứng dụng Y tế TP.HCM - Video: VIỄN SỰ
Toàn cảnh cuộc họp báo - Ảnh: ĐAN THUẦN
Giãn cách hẹp nhất, nhỏ nhất
Ông Phạm Đức Hải cho biết TP quyết tâm đảm bảo những giải pháp an toàn tới đâu mở cửa tới đó. Khi thực hiện giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi giãn cách. Phạm vi giãn cách hẹp nhất, nhỏ nhất có thể như thôn, xóm, tổ ấp, khu phố.
TP xác định mục tiêu giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể trong vòng 14 ngày. Thần tốc xét nghiệm, đối với vùng nguy cơ cao phải xét nghiệm 3 lần/7 ngày, ưu tiên xét nghiệm kháng nguyên để bóc tách F0 nhanh.
Khi xét nghiệm PCR phải trả kết quả trong vòng 12 giờ, thực hiện xét nghiệm trong từng địa bàn, tránh lây nhiễm chéo, tập trung lấy mẫu cho địa bàn nguy cơ cao, rất cao, tổ chức nhiều đội lấy mẫu.
Việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể thực hiện bởi tình nguyện viên, người dân. Thành lập các trạm y tế lưu động, theo nguyên tắc gần dân nhất. Thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định giãn cách, nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải từng bước, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhiều khu dân cư ở TP.HCM vẫn giữ nghiêm biện pháp giãn cách - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trước đó vào ngày 14-9, tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết TP đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được thống nhất về việc tiếp tục thực hiện giãn cách thêm 2 tuần theo tinh thần chỉ thị 16.
Bí thư Thành ủy cho biết đa số các địa phương chưa đạt tiêu chí kiểm soát dịch nên TP.HCM cần tiếp tục thực hiện giãn cách. Thủ tướng cũng đã thống nhất với đề xuất của TP.HCM.
Trong đó, những địa phương đã kiểm soát được thì từng bước mở dần theo nguyên tắc an toàn là trên hết, không chủ quan nôn nóng, làm chặt chẽ, chắc chắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận