Theo tỉnh Bình Thuận, mục đích của kế hoạch là xác định nội dung công việc để các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ đúng quy định và phù hợp tình hình thực tế ở địa phương. Đồng thời tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân khi tổ chức thực hiện nghị quyết 1253 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hoàn tất trong tháng 11
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu quá trình thực hiện các nội dung công việc phải bám sát quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của từng đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, lưu ý không làm gián đoạn giữa đơn vị hành chính cấp xã cũ và mới thành lập.
Phải duy trì hoạt động liên tục để giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức kịp thời, có hiệu quả, giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở cũng như phải đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt không làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp chặt chẽ với UBND TP Phan Thiết và huyện Bắc Bình để tham mưu tỉnh triển khai thực hiện nội dung nghị quyết trên đảm bảo tiến độ.
Theo dự kiến, trong tháng 11 này, hai địa phương Phan Thiết và Bắc Bình sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức lễ công bố nghị quyết trên địa bàn huyện, thành phố.
Trong đó, TP Phan Thiết phải phối hợp với công an tỉnh thực hiện khắc con dấu của đơn vị hành chính cấp xã mới theo nghị quyết và bàn giao sử dụng khi nghị quyết có hiệu lực.
Chủ tịch UBND TP Phan Thiết phải báo cáo cấp ủy cùng cấp, lãnh đạo thực hiện kiện toàn, bố trí các chức danh cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp đơn vị hành chính mới.
TP Phan Thiết phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo thực hiện các nội dung về đổi tên các cơ quan, đơn vị, tổ chức có tên gọi gắn với địa danh mới được sắp xếp.
Đối với việc chuyển đổi các loại giấy tờ cần phải được chuẩn bị trước và thực hiện ngay sau khi nghị quyết có hiệu lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi chuyển đổi giấy tờ.
Đối với bốn khu phố 3, 5, 6 và 7 của phường Đức Thắng, UBND TP Phan Thiết chỉ đạo cơ quan có liên quan xây dựng đề án sáp nhập khu phố 3 và 5 thành khu phố 16, sáp nhập khu phố 6 và 7 thành khu phố 18 - phường Lạc Đạo mới.
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính mới sẽ giữ nguyên trạng các cơ sở giáo dục để đảm bảo đủ cơ sở vật chất trường, lớp cho học tập của học sinh trên địa bàn.
UBND TP Phan Thiết từng bước sắp xếp tinh gọn, hiệu quả, tránh lãng phí, giữ nguyên các trạm y tế cũ để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
Tất cả các công việc trên được sắp xếp theo quy định để đi vào hoạt động từ ngày 1-12-2024.
Gộp 5 phường trung tâm Phan Thiết còn 2
Trước đó, tại kỳ họp thứ 24 diễn ra chiều 18-7, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI đã thông qua nghị quyết chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025.
Nghị quyết thống nhất thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Bình Thuận như sau:
Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số ba phường Lạc Đạo, Đức Thắng, Đức Nghĩa ở TP Phan Thiết thành một phường mới, lấy tên là Lạc Đạo. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hai phường Bình Hưng và Hưng Long, TP Phan Thiết thành một phường mới, lấy tên là phường Bình Hưng.
Ngoài ra, nghị quyết còn thông qua chủ trương điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên 4,43km2 của xã Phan Lâm vào xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình. Việc này sẽ giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới đơn vị hành chính do quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại hai xã.
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính như trên, toàn tỉnh Bình Thuận có 10 huyện, thị, thành phố và 121 xã, phường trong giai đoạn 2023 - 2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận