24/12/2012 19:52 GMT+7

Từ nạn nhân axit trở thành triệu phú

ĐỨC TOÀN (Theo AFP, Daily Mail)
ĐỨC TOÀN (Theo AFP, Daily Mail)

TTO - Sonali Mukherjee - một trong số nhiều nạn nhân bị tạt axit tại Ấn Độ - trở thành tấm gương về ý chí không đầu hàng nghịch cảnh sau khi cô tham gia trò chơi truyền hình Ai là triệu phú và đoạt giải cao nhất.

brLUdIJu.jpgPhóng to
Buổi ghi hình chương trình Ai là triệu phú mà Sonali Mukherjee (ngoài cùng bên trái) tham gia, cùng với cựu hoa hậu hoàn vũ Lara Dutta và người dẫn chương trình nổi tiếng Amitabh Bachchan - Ảnh: Daily Mail

Ai là triệu phú là một trong những chương trình giải trí ăn khách nhất tại Ấn Độ. “Nếu bạn có thể nhìn đắm đuối một bức ảnh phụ nữ đẹp thì bạn cũng có thể nhìn gương mặt toàn những vết phỏng của tôi - Mukherjee nói - Rất nhiều nạn nhân bị tạt axit chọn cách sống thu mình và gặm nhấm nỗi đau, nhưng tôi muốn đứng dậy và phản kháng nạn bạo lực này”.

Tạt axit vì bị từ chối

Tai họa ập xuống với Mukherjee cách đây 9 năm, khi cô còn là một nữ sinh 17 tuổi với tương lai rộng mở. Chỉ vì bị cự tuyệt, ba nam sinh viên lẻn vào nhà cô ở thành phố Dhanbad lúc cô đang ngủ. Chúng đổ loại hóa chất Tezaab - thường dùng để tẩy gỉ sắt - lên mặt Mukherjee hòng làm hủy hoại mí mắt, mũi và tai của cô.

Trải qua 22 lần phẫu thuật, Mukherjee bị mù cả hai mắt và bị điếc một bên tai. “Vì không thể chịu được việc bị người đàn bà từ chối mà họ quyết định phá hủy gương mặt tôi, cướp đi cả cuộc đời tôi”.

Ba thủ phạm đã bị bắt, ngồi tù một thời gian ngắn và sau đó được cho tại ngoại. Vụ án bị kéo dài do hệ thống tư pháp hoạt động trì trệ của Ấn Độ. Nước này từng dấy lên phong trào đòi lại công lý cho Mukherjee, nhưng sự việc vẫn chưa ngã ngũ, chưa có kẻ nào bị kết tội.

Mukherjee từng gửi rất nhiều đơn kháng nghị nhưng không đạt được kết quả gì, chính quyền cũng không đoái hoài hoàn cảnh của cô. Thậm chí gia đình cô phải bán đi ngôi nhà hai tầng, trang trại, vàng và gia súc để chi trả phí điều trị cho Mukherjee.

Trong một lá thư gửi chính quyền, Mukherjee nói cô thà tự sát còn hơn tiếp tục sống trong nỗi đau tinh thần lẫn thể xác. Nhưng chính lúc tuyệt vọng vì không còn tiền để tiếp tục chữa chạy, Mukherjee quyết định tham gia Ai là triệu phú hi vọng và xuất hiện trên truyền hình, trước đông đảo khán giả cả nước.

Trong chương trình ghi hình tháng 11, cô trả lời thành công 10 câu hỏi và đoạt số tiền thưởng 2,5 triệu rupee (45.000 USD). Như vậy Mukherjee đã có tiền để tiếp tục phẫu thuật vào năm tới, tuy số tiền này chưa phải là đủ.

Dẫu vậy, quyết tâm không cam chịu số phận của một nạn nhân đã truyền cảm hứng cho rất nhiều khán giả, cả trường quay không kiềm được nước mắt khi Mukhrejee chiến thắng. Người dẫn chương trình, huyền thoại Bollywood Amitabh Bachchan gọi Mukherjee là tấm gương của “lòng dũng cảm” vì “nỗ lực đấu tranh của cô chống lại cái ác”. “Thỉnh thoảng chúng ta than vãn sao cuộc đời mình khổ quá, mọi thứ đều quay lưng lại với ta. Nhưng khi chúng ta gặp những người như Sonali thì chúng ta mới nhận ra cuộc đời mình vẫn còn quá đỗi may mắn” - ông nói tại chương trình.

Bức xúc vì luật lỏng lẻo

Mukherjee chia sẻ cô muốn dùng chính trường hợp của mình để tranh đấu vì các nạn nhân chịu hoàn cảnh tương tự. Cô kêu gọi một quy định pháp luật cụ thể cho tội danh tạt axit. Tội này thường được xử theo khuôn luật về bạo hành gia đình với hình phạt khá nhẹ. “Những kẻ đàn ông đã tấn công tôi vẫn đang nhởn nhơ bên ngoài, nếu có mức phạt nghiêm khắc hơn thì chúng chắc chắn phải ngồi tù” - Mukherjee nói.

Theo khảo sát của Reuters, Ấn Độ là quốc gia nguy hiểm thứ 4 đối với phụ nữ. Xu hướng các vụ tấn công bằng axit ngày càng gia tăng. Nguyên nhân tấn công chủ yếu để trả thù một phụ nữ vì từ chối lời cầu hôn của một người đàn ông hoặc khi cô ấy dám đề nghị ly hôn.

Thông thường, những nữ nạn nhân không nhận được tiền hỗ trợ điều trị nào từ chính quyền, còn việc trừng phạt kẻ tội phạm thì diễn ra chậm chạp. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ hiện đang xem xét chương trình hỗ trợ tài chính cho những nạn nhân các vụ tạt axit và cưỡng hiếp. Số tiền này dùng để chi trả viện phí, phục hồi sau điều trị và tư vấn tinh thần.

Mặc dù báo chí Ấn Độ thường phản ánh về các trường hợp tạt axit, nhưng Chính phủ Ấn Độ không lưu trữ số liệu cụ thể những vụ tấn công này. Theo Tổ chức từ thiện Acid Survivors Trust International (London, Anh), trên thế giới mỗi năm xảy ra khoảng 1.500 trường hợp bị tạt axit, phần lớn nạn nhân không khai báo với chính quyền mà âm thầm chịu đựng.

Mới đây, việc một nữ sinh bị cưỡng hiếp trên chuyến xe buýt gần đây ở New Delhi - châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực ở khắp Ấn Độ - tiếp tục phản ánh thực trạng bạo hành phụ nữ ở đất nước này. Theo các ghi chép tình hình tội phạm toàn quốc năm 2011, trong hơn 256.300 vụ phạm tội bạo lực thì có tới 228.650 trường hợp nạn nhân là phụ nữ.

ĐỨC TOÀN (Theo AFP, Daily Mail)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên