Sinh viên tìm hiểu thông tin từ đại diện Đại học Quốc gia Úc - Ảnh: HOÀNG THI
Chiều 5-8, các chuyên gia từ Đại học Quốc gia Úc lần đầu tiên sang Việt Nam tổ chức sự kiện gặp gỡ, tư vấn cho học sinh Việt Nam.
Từ xét điểm tốt nghiệp THPT sang xét điểm trung bình
Hàng trăm học sinh TP.HCM đã đến gặp gỡ đại diện từ Đại học Quốc gia Úc. Các giảng viên từ đầy đủ 7 khoa đào tạo của trường từ Úc lần đầu tới TP.HCM chia sẻ về chương trình đào tạo, điều kiện học tập cũng như cơ hội nghề nghiệp khi học tại Đại học Quốc gia Úc.
Ông Dave Edwards - phó giám đốc phòng tuyển sinh tại Đại học Quốc gia Úc - thông tin quy trình tuyển sinh của trường tương đối đơn giản. Học sinh chỉ cần nộp hồ sơ online, bao gồm bảng điểm và chứng nhận tiếng Anh.
Điểm trúng tuyển sẽ tùy thuộc vào từng khoa. Thí sinh trúng tuyển sẽ được lấy theo thứ tự điểm số từ cao đến thấp sau khi đã quy đổi.
Đặc biệt từ năm 2024, Đại học Quốc gia Úc sẽ có sự thay đổi cách thức xét tuyển học sinh từ Việt Nam. Theo đó, từ việc xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT, trường chuyển sang xét điểm học tập trung bình năm lớp 12.
Tuy nhiên, chỉ có học sinh từ 92 trường phổ thông, bao gồm những trường chuyên và các trường uy tín theo đánh giá của Đại học Quốc gia Úc mới được đăng ký xét tuyển.
Ông Dave Edwards cho biết hiện nay Đại học Quốc gia Úc vẫn dành các suất học bổng trị giá 25% - 50% học phí cho học sinh. Sinh viên Việt Nam thường có rất nhiều lợi thế cạnh tranh với các bạn từ khu vực Đông Nam Á để nhận các suất học bổng.
Cũng tại sự kiện, bà Sarah Hooper - tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM - chia sẻ Đại học Quốc gia Úc hiện là một trong những đại học hàng đầu của Úc, sở hữu 6 chuyên gia đoạt giải thưởng Nobel. Đồng thời, đây cũng là ngôi trường có mức độ đa dạng sinh viên quốc tế lớn nhất ở Úc.
Việc Đại học Quốc gia Úc dành thêm sự quan tâm đến học sinh Việt Nam là một trong những sự kết nối chặt chẽ giữa Việt Nam và Úc trong lĩnh vực giáo dục.
Từ cột mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2023, bà Sarah Hooper kỳ vọng sẽ ngày càng có thêm những hợp tác tiếp theo về giáo dục giữa hai nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận