04/07/2022 13:10 GMT+7

Từ 'mỏ vàng', cổ phiếu ngành thép giảm giá vẫn ế, vốn hóa bốc hơi hàng trăm ngàn tỉ đồng

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Sau khoảng thời gian được tung hô, xem như mỏ vàng, hiện nay cổ phiếu ngành thép lại bị thờ ơ, có trường hợp bán giá ưu đãi vẫn ế ẩm. Giá cổ phiếu lao dốc cũng khiến vốn hóa doanh nghiệp ngành thép bị 'bốc hơi' hàng trăm ngàn tỉ đồng.

Từ mỏ vàng, cổ phiếu ngành thép giảm giá vẫn ế, vốn hóa bốc hơi hàng trăm ngàn tỉ đồng - Ảnh 1.

Trong ngắn hạn, doanh nghiệp ngành thép gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, tuy nhiên về dài hạn vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển (ảnh được chụp tại một nhà máy thép) - Ảnh: T.V.N.

"Cổ phiếu thép lập đỉnh", "cổ phiếu thép tăng vượt đỉnh"... là những cụm từ được dùng thường xuyên vào giữa năm trước để miêu tả diễn biến giá cổ phiếu ngành thép, nhưng hiện nay tình hình lại không mấy xán lạn.

Vào đầu tháng 7 này, ông Vũ Văn Thanh - giám đốc Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) - đã gửi báo cáo đến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết doanh nghiệp đã chào bán hơn 4,9 triệu cổ phiếu HSG, nhưng bị ế hơn 2 triệu cổ phiếu.

Đáng chú ý, đây là cổ phiếu được bán theo chương trình ESOP - dành cho người lao động hoạt động lâu năm hoặc có thành tích tốt trong doanh nghiệp, các lãnh đạo chủ chốt. 

Giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 40% so với giá thị trường. Việc bán giá thấp nhằm gắn kết lợi ích giữa cán bộ nhân viên và công ty, thu hút, duy trì và thúc đẩy cán bộ nhân viên có năng lực, gắn bó lâu dài. 

Lúc đầu tập đoàn quy định thời gian nhận tiền mua cổ phiếu ESOP từ ngày 3 đến 20-6, tuy nhiên sau đó gia hạn đến 30-6, nhưng vẫn bị ế.

Trong đợt phát hành này, chủ tịch hội đồng quản trị Lê Phước Vũ đã mua với số lượng nhiều nhất, 500.000 cổ phiếu HSG, tương đương chi ra 5 tỉ đồng. 

Dù vậy, vào cuối tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen cũng do ông Vũ làm chủ tịch đã bán sạch 17,75 triệu cổ phiếu HSG, thu về khoảng 250 tỉ đồng.

Từ mốc đỉnh 49.800 đồng/cổ phiếu (vào ngày 18-10-2021), đến nay mã HSG đã bị giảm hơn 65% giá trị xuống còn quanh mốc 17.200 đồng. Điều này cũng khiến vốn hóa của Hoa Sen bị "bốc hơi" hơn 16.110 tỉ đồng.

Mới đây một doanh nghiệp ngành thép khác cũng không kém đình đám là Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) thông báo gần 168.000 cổ đông sắp được nhận cổ tức gồm tổng cộng 1,34 tỉ cổ phiếu HPG vào ngày 20-7 tới đây, nâng tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường lên 5,81 tỉ cổ phiếu. 

Như vậy, sau đợt phát hành, Hòa Phát sẽ vươn lên vị trí đầu danh sách về số lượng cổ phiếu lưu hành trên sàn chứng khoán. Hai thành viên xếp phía sau là BIDV (mã BID, 5,1 tỉ cổ phiếu) và Vietinbank (CTG, 4,8 tỉ cổ phiếu).

Từng được xem là hiện tượng trên sàn chứng khoán khi vươn lên đỉnh cao 58.000 đồng/cổ phiếu (ngày 28-10-2021), nhưng đến nay mã HPG đã giảm hơn 61%, giao dịch quanh mốc 22.300 đồng. Rơi từ đỉnh, vốn hóa của tập đoàn cũng bị "bốc hơi" gần 130.000 tỉ đồng kể từ đỉnh. 

Không thoát khỏi diễn biến chung của ngành, nhiều mã chứng khoán khác cũng bị rời đỉnh và chưa trở lại, điển hình như TLH (Tập đoàn Thép Tiến Lên), NKG (Thép Nam Kim), POM (Thép Pomina), VCA (Thép Vicasa), VGS (Ống thép Việt Đức)...

Về ngành thép, phía Chứng khoán KIS cho biết, nhu cầu năng lượng gia tăng hậu COVID-19 và căng thẳng địa chính trị đã làm giá thép và nguyên liệu đầu vào biến động, đặc biệt khi than luyện cốc trong bối cảnh đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu gia tăng và xuất khẩu thép từ Trung Quốc lại bị hạn chế. 

Sau khi đạt đỉnh vào giữa năm trước, do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nên gần đây lợi nhuận doanh nghiệp thép đang có xu hướng thu hẹp dần.

"Khi có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào", ông Trần Đình Long - chủ tịch Hòa Phát - nói tại đại hội cổ đông thường niên 2022.

Dù vậy, về dài hạn ngành thép vẫn còn nhiều tiềm năng. Đội ngũ phân tích của Chứng khoán SSI cho rằng, các yếu tố hỗ trợ có thể đến từ sự phục hồi giá thép trong khu vực sau khi Trung Quốc nới lỏng phong tỏa, giá than cốc hạ nhiệt trong trung hạn từ mức cao bất thường hiện nay. 

Về thị trường trong nước, quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ, đầu tư công cũng sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng - bao gồm cả ngành thép - phát triển.

Chứng khoán Mỹ chạm đáy kể từ năm 1970 Chứng khoán Mỹ chạm đáy kể từ năm 1970

TTO - Chứng khoán Mỹ khép lại ngày 30-6, giờ địa phương, với các chỉ số rơi xuống mức thấp nhất trong hơn nửa thập kỷ, trong bối cảnh các dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị kéo vào suy thoái.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên