Năm 2014, tờ Sight and Sound xếp Don’t look back thứ 9 trong top 10 phim tài liệu hay nhất mọi thời đại - Ảnh: Docurama |
Bob Dylan: Don’t look back (1967)
Ghi hình năm 1965 thông qua tour diễn xuyên Anh của huyền thoại Bob Dylan, người xem chợt nhận ra bên trong những nghệ sĩ lớn luôn là cá thể bí ẩn với bản tính không dễ gì thấu hiểu hoặc nắm bắt.
Nhà làm phim D. A. Pennebaker sẵn sàng đẩy Dylan vào các tình huống bộc lộ bản chất thật: đối kháng với cánh phóng viên, chế nhạo người đồng trang lứa, cả việc thách thức người nghe bằng chính tính trừu tượng mang hơi thở thơ trong âm nhạc.
Madonna: Truth or Dare (1991)
Bộ phim thành công về doanh thu nhờ tên tuổi đang sáng chói của Nữ hoàng nhạc Pop - Ảnh cắt từ video |
Không giống như phim tài liệu có tính tiểu sử thường thấy, Truth or Dare ra đời vào đúng giai đoạn Madonna bắt đầu xây dựng hình ảnh nữ quyền và gợi cảm trong âm nhạc. Chẳng những thế, tác phẩm còn có mục đích lăngxê (thành công) tên tuổi của cô.
Trước máy quay của đạo diễn Alek Keshishian, Madonna biến hóa giữa ngôi sao sân khấu, ngôi sao công chúng và ngôi sao ngoài đời thực nhưng có một điều duy nhất cô không che giấu, đó chính là bản năng. Với ánh đèn, âm nhạc trỗi dậy, cô là hiện thân của sự khiêu khích, mời gọi; đằng sau cánh gà, cô sẵn sàng tranh cãi về tính dục với những vũ công đồng tính. Madonna còn để lộ chuyện chăn gối với bạn trai Warren Beatty nhưng theo một cách khéo léo.
Bộ phim khác lạ vì được dựng hầu hết đen trắng. Người hâm mộ sẽ thỏa mãn qua những gì Madonna thể hiện trong cuốn phim dài 122 phút để có thể trả lời cho câu hỏi: Madonna là ai?
Madonna: Truth or Dare |
George Harrison: Living in the Material World (2011)
Đạo diễn Martin Scorsese cho biết dự án về George Harrison luôn ám ảnh ông bởi âm nhạc của nam nghệ sĩ này đã ăn vào máu mình - Ảnh cắt từ video |
Bộ phim tài liệu do đạo diễn lừng danh Martin Scorsese dàn dựng, ra đời 10 năm sau cái chết của giọng ca kiêm guitar George Harrison - thành viên ban nhạc rock huyền thoại The Beatles. Vợ ông - Olivia Harrison chính là người được chọn làm nhà sản xuất sau khi đề nghị đạo diễn Scorsese làm bộ phim.
Để có được tác phẩm hoàn hảo kể trên, Scorsese cùng biên tập viên David Tedeschi và ê-kíp lùng sục mất năm năm trời những tư liệu quan trọng. Vì thời lượng quá dài (208 phút), phim được chia ra làm hai phần để trình chiếu và được sáu đề cử giải Emmy.
Katy Perry: Part of me (2012)
Part of Me, phim tự thuật của ngôi sao làng nhạc Pop đình đám - Ảnh: Paramount Pictures |
Tương tự như lý do ra đời của Truth or Dare, bộ phim Part of me nhằm tô hồng hình ảnh của ngôi sao ca nhạc ăn khách.
Trong cuốn phim 3D tự làm về mình, Perry trình bày về cuộc hôn nhân ngắn ngủi của cô với diễn viên hài Russell Brand cùng lý do vì sao họ ly hôn. Đó cũng là kịch tính duy nhất giúp cuốn phim màu mè thu hút truyền thông, khán giả và cả giới chuyên môn.
Nhiều ngôi sao ca nhạc là bạn của Katy Perry cũng xuất hiện trong phim như Rihanna, Lady Gaga, Adele, Britney Spears, Jessie J… giúp Part of Me trở nên hấp dẫn. Một chi tiết nhỏ là kính xem phim 3D được thiết kế riêng với hai màu đỏ - trắng như hình viên kẹo.
Bob Marley: Marley (2012)
Chân dung ông vua nhạc Reggae trong phim được đề cử giải BAFTA của Kevin Macdonald - Ảnh: Sky |
Nếu không biết Bob Marley, có lẽ bạn không phải là người yêu nhạc bởi Marley được mệnh danh cha đẻ của Reggae - một thể loại tuy hiếm thấy ở thời nay nhưng đã từng là cơn lốc suốt những năm 60, 70…
Đằng sau những giai điệu sôi động rất dễ khiến người nghe nhún nhảy, Marley lồng ghép những giá trị nhân văn trong ca từ khiến người nghe phải suy ngẫm. Động thái này giúp Bob Marley, nhạc Reggae và cộng đồng nghệ sĩ da màu nói riêng được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Nhà làm phim Kevin Macdonald mô tả khá toàn diện về Bob Marley, đặc biệt là từ các buổi phỏng vấn một số người bạn thân nhất với nam danh ca. Tuy nhiên, thời lượng khá dài làm phần cuối tác phẩm trở nên rời rạc. Tính nhân văn có lẽ là tư tưởng chung của bộ phim khi dùng nhiều nhạc khúc về tình yêu, hi vọng, nhân bản... của Bob Marley đến chuyện Bob Marley tranh đấu sắc tộc khi mang trong mình dòng máu Anh (của cha) và Jamaica (của mẹ).
Kurt Cobain: Montage of Heck (2015)
Người vợ góa của Kurt Cobain - ca sĩ Courtney Love luôn mong muốn làm phim về chồng - Ảnh: Rolling Stone |
Những ai còn nhớ tới thần đồng âm nhạc này hẳn sẽ khó bỏ qua bộ phim với rất nhiều đoạn ghi hình lần đầu công bố. Từ các phân cảnh phỏng vấn người thân đến những cảnh tự hát ở nhà, tranh ảnh, bộ sưu tập tiếng động… đều do Cobain thiết kế.
Ngoài ra, các tình tiết về việc tìm đến cái chết lần đầu tiên cũng được bộ phim truyền tải khá chân thực, dù có thể làm người hâm mộ đôi chút vỡ òa vì sự thật về thần tượng.
Nina Simone: What happened, Miss Simone? (2015)
Danh ca Nina Simone nổi tiếng đến tận thời điểm này một phần nhờ bản nhạc My Baby Just Cares for Me dùng làm quảng cáo nước hoa Chanel - Ảnh: Reelgood |
Trái với thất bại cay đắng của phiên bản điện ảnh Nina vừa ra mắt, những thước phim tài liệu của nữ đạo diễn Liz Garbus lại được đón nhận nồng nhiệt.
Cũng xoay quanh cuộc đời của danh ca da màu Nina Simone nhưng Garbus mang lại ngôn ngữ tinh tế hơn, và cũng nhờ sự trợ giúp của cô con gái danh ca mà bộ phim hiện ra mực thước, mô tả Simone không chỉ ở tài năng mà còn là biểu tượng của lòng tự tôn dân tộc.
Amy Winehouse: Amy (2015)
Bộ phim Amy bị cha và người cũ của nữ ca sĩ quá cố chỉ trích làm sai sự thật nhưng phim rất được giới phê bình khen ngợi - Ảnh cắt từ video |
Bỏ qua nguyên nhân gây ra cái chết trẻ của Amy Winehouse, hay lối sống vô độ khi lạc mất điểm tựa tinh thần..., cuốn phim gây xúc động vì dám nhìn thẳng vào sự thật, mặc cho điều tiếng không vui từ phía gia đình, người thân cố nữ nghệ sĩ.
Rất nhiều nhà phê bình đã dành tặng những lời hoa mỹ cho Amy, như “Một kiệt tác bi kịch, dù ngập tràn sự buồn bã nhưng lại rất thân tình về một phụ nữ có tài năng và sức hấp dẫn” (The Guardian) hay “Sự nghiệp thăng hoa và rơi xuống vực thẳm của Amy Winehouse được ghi lại một cách cảm động” (The Telegraph)...
Bộ phim của đạo diễn Asif Kapadia bắt đầu lúc Winehouse 14 tuổi cho đến khi cô giành được thành công thương mại từ album đầu tay - Frank (2003) và nổi danh toàn cầu với một trong những album xuất sắc nhất thập niên 2000 - Back to Black (2006).
Metallica: Some Kind of Monster (2004)
Metallica đang thả hồn trong phim Some Kind of Monster - Ảnh: The Wrap |
Tờ Entertainment Weekly gọi bộ phim là chân dung hay nhất về một ban nhạc rock, không ai khác hơn ngoài các thành viên của Metallica - những “quái vật” làng nhạc heavy metal.
Mối lương duyên để một band bất cần đời như Metallica dính líu tới điện ảnh là vì một dịp tình cờ, họ đồng ý để hai đạo diễn Joe Berlinger và Bruce Sinofsky sử dụng nhạc trong phim tài liệu rồi từ đó nảy sinh ra ý tưởng ghi hình đời sống bên ngoài tiếng guitar, tiếng gằn giọng chát chúa…
Some Kind of Monster còn “khoe” vài bản nhạc chưa từng được công bố cũng như đằng sau một sản phẩm ra mắt, họ đã tranh cãi những gì, nỗ lực những gì.
Twenty Feet from Stardom (2013)
Không ngôi sao, không nhóm hát, bộ phim là tập hợp những câu chuyện về các ca sĩ hát lót mà người nghe đôi khi ấn tượng đấy nhưng chẳng biết họ là ai. Có người thành danh khi giữ mãi vị trí hát lót như Darlene Love, có người đặt cược số phận vào các sô truyền hình thực tế như Judith Hill, cũng có người bước qua sự nghiệp đơn ca và trở thành tên tuổi lớn như Lisa Fischer… Tốp người còn lại trong phim đều vô danh, nhưng họ có quyền tự hào về nghề của mình và nói như Lisa Fischer thì “Ai cũng muốn làm mọi thứ để nổi tiếng, còn tôi chỉ muốn được hát…”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận