Phóng to |
Diễn viên Kim Oanh vai Ló, Trung Hiếu vai Dỏ trong phim Làng ma - 10 năm sau - Ảnh: TV plus |
“Nếu so sánh với Ma làng, về nội dung phản ánh, Làng ma - 10 năm sau có quy mô lớn và phức tạp hơn nhiều bởi thực trạng nông thôn thời nay cũng rất đa dạng, phong phú cả về con người, về các mối quan hệ kinh tế lẫn xã hội” - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ.
* Thưa ông, cụ thể sự phức tạp ấy như thế nào?
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần |
- Ma làng là câu chuyện của nông thôn thời bao cấp, sự lạc hậu của cơ chế quản lý kinh tế, xã hội đã làm nảy sinh những “con ma” gây ảnh hưởng đến tư tưởng, cuộc sống của người dân. Làng ma - 10 năm sau là nông thôn thời đổi mới, phát triển, cơ chế thị trường, cư dân khu vực nông thôn đã phân tách thành nhiều dạng, nhiều tầng lớp, có người giàu, người nghèo, người thất nghiệp, người đầu cơ, người dẫn mối... Ngay trong các cấp lãnh đạo cũng chia ra ít nhất thành: tích cực, tiêu cực - tham nhũng... Vì vậy chắc chắn sẽ có nhiều dạng nhân vật, nhiều vấn đề nảy sinh.
Trong Làng ma - 10 năm sau chúng tôi có đến gần 70 nhân vật với rất nhiều cách làm ăn, sinh sống. Trong đó có những người vẫn giữ được bản chất nông dân, tìm kiếm những phương hướng làm ăn kinh tế cho gia đình, cộng đồng, nhưng có cả những kẻ lang thang, lêu lổng, cờ bạc, buôn thần bán thánh... Có cả những phụ nữ giàu xổi, vợ quan chức... rực của, giao du, bồ bịch lăng nhăng... Với hệ thống nhân vật như vậy, chúng tôi phản ánh được nhiều mảng khác nhau của đời sống nông thôn, tạo ra nhiều góc nhìn vào hiện thực.
* Thưa ông, một trong những thành công của Ma làng là diễn xuất sống động, gây ấn tượng mạnh của cả dàn diễn viên. Vậy còn ở phần 2?
- Quan điểm của tôi là sử dụng lại phần lớn diễn viên cũ. Tuy nhiên có những thay đổi về tính cách theo đúng hoàn cảnh sống hiện tại. Kim Oanh vẫn là cô Ló ngày trước, bây giờ không nghèo khổ mà còn có khả năng thành người giàu nhất làng (nhờ tiền đền bù đất của dự án). Anh Dỏ, một vai diễn thành công bởi diễn xuất của cố nghệ sĩ Hồng Sơn, giờ được giao cho NSƯT Trung Hiếu.
Khi nhận vai, tôi đã bàn bạc với Trung Hiếu rằng anh không cần bắt chước cách diễn của Hồng Sơn mà phải tạo ra một ông Dỏ riêng, một ông Dỏ cần cù, chăm chỉ làm việc trong công ty sản xuất hàng hóa nông nghiệp và Trung Hiếu đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Những nhân vật trẻ của Ma làng giờ đã thành người lớn, thành các nhân vật chính thứ của Làng ma như vợ chồng Nghiệp - Mưa thành chủ doanh nghiệp địa phương, Lở - con của Ló - là một thiếu nữ xinh đẹp không chịu phận nghèo hèn bỏ nhà lên thành phố học nghề làm tóc với hi vọng đổi đời... Đặc biệt là nhân vật Ất, con trai của “ma” Tòng ngày trước, sau hơn chục năm phiêu bạt đã về lại làng và trở thành “con ma mới” của thời mở cửa. Diễn viên trẻ Hoàng Cường tiếp tục đảm nhận vai diễn này.
* Sự nổi tiếng của Ma làng khiến cho Làng ma - 10 năm sau phải đứng dưới cái bóng khá lớn. Liệu bộ phim có đủ yếu tố để người xem tin phim không ăn theo Ma làng?
- Cũng có thể xem Làng ma - 10 năm sau là bộ phim ăn theo Ma làng, nhưng đúng hơn là tôi muốn tiếp nối số phận của người nông dân trong cuộc sống đương đại. Tuy nhiên đây cũng là sự liều lĩnh của các tác giả bộ phim... Điều đáng mừng hơn là nhà đầu tư (Công ty TVPlus) đã dũng cảm đầu tư cho bộ phim. Sở dĩ tôi nói đến chữ dũng cảm là vì đầu tư sản xuất phim vốn đã là mạo hiểm, đầu tư phim đề tài chính luận còn mạo hiểm hơn nhiều. Phim chính luận thường đụng tới những vấn đề “nhạy cảm” nếu không có được đội ngũ các nhà làm phim cao tay, vững vàng về kiến thức xã hội chắc sẽ gặp nguy hiểm về nghệ thuật cũng như tài chính. Rất may là chúng tôi đã được tin tưởng, đoàn làm phim và tôi cũng đã có khả năng đảm bảo cho bộ phim ở mức độ đúng đắn nhất... Tôi tin Làng ma- 10 năm sau vẫn sẽ có khán giả bởi câu chuyện phim gần gũi với mọi người.
* Còn về riêng bản thân mình, ông gửi gắm điều gì qua Làng ma - 10 năm sau?
- Làng ma - 10 năm sau ra đời đúng vào lúc trên đất nước có nhiều sự kiện nóng bỏng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và Quốc hội thì bàn luận về sửa đổi Luật đất đai... Tôi nghĩ với những câu chuyện trong phim, bộ phim của chúng tôi cũng có thể là một tiếng nói tham gia bàn bạc về những vấn đề này.
Quan niệm của tôi rất rõ ràng, đơn giản: đất đai là tài sản quý của đất nước, nếu chúng ta giữ được hai vùng đồng bằng lớn sông Hồng và sông Cửu Long thì sẽ có đủ lương thực nuôi 100 triệu dân. Nhưng nếu đổ bêtông lên đất (nghĩa là xây dựng quá nhiều khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ...) chúng ta sẽ mất đất trồng trọt... Vì thế, Nhà nước từ trung ương đến địa phương cần cân nhắc thận trọng với các dự án sử dụng đất nông nghiệp.
Nhọc nhằn kịch bản Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết kịch bản phim chính luận rất thiếu bởi viết kịch bản loại này không dễ. Các nhà biên kịch tốt nghiệp các trường chuyên ngành thường quá trẻ, ít quan tâm và thiếu kiến thức về các vấn đề xã hội nên rất ngại tham gia loại đề tài này, thay vào đó họ viết kịch bản phim giải trí, phim về lứa tuổi của họ dễ dàng hơn. Ông cho biết: “Với kịch bản Làng ma - 10 năm sau tôi đã trải qua nhiều thử thách. Ban đầu tôi xây dựng đề cương và giao cho một nhóm tác giả trẻ viết nhưng không thành công, cuối cùng tôi phải tự mình viết lại. Cũng có những tình huống kịch bản tôi đã xây dựng (như cưỡng chế thu hồi đất, lấy lại sông bất hợp lý, gặp phải sự chống đối của người dân) nhưng khi kịch bản chưa được đưa vào sản xuất, trong thực tế đã có những sự kiện lớn hơn xảy ra... Thế là tôi lại phải nghĩ lại, phải bỏ đi để khỏi thành người bắt chước, gán ghép những sự kiện mới vào phim... Và tôi phải dùng cách giải quyết khác theo hướng “nhân - quả”, tạo những tác động mang tính tâm linh, tình cảm, đạo đức với nhân vật và cả người xem giống như tôi đã từng làm ở phim Ma làng trước đây. Tôi tin cách thức này mới đúng chức năng của nghệ thuật và gây được ấn tượng với khán giả. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận