17/05/2020 13:25 GMT+7

Tư liệu Hoàng Sa - Hành trình trái tim - Kỳ 2: Những vỏ ốc ở Hoàng Sa

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Một buổi tối cuối tháng 5, bản tin thời sự đưa mẩu tin ngắn Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông từ phía Trung Quốc.

Tư liệu Hoàng Sa - Hành trình trái tim - Kỳ 2: Những vỏ ốc ở Hoàng Sa - Ảnh 1.

Vỏ ốc do cụ Phạm Khôi mang về từ Hoàng Sa hiện được trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: B.D.

Điện thoại chúng tôi reo lên: "Mai anh em ghé vào nhà cụ Phan Ngọc Chung - nhân chứng Hoàng Sa hiện còn sống tại Hội An. Cụ có chuyện muốn gửi gắm".

Chuyến đi Hoàng Sa cuối cùng

Cụ Phan Ngọc Chung ngồi trước mặt chúng tôi năm nay đã qua tuổi 87. Thấy nhà báo và anh em Nhà trưng bày Hoàng Sa tới thăm, cụ dọn chiếc bàn ra ngoài hiên trước căn nhà, pha ấm chè đặc đợi từ sáng. 

"Mấy hôm nay, tôi nghe đài phát Trung Quốc lại đòi cấm đánh bắt cá, nghe mà sôi máu lên. Biển của cha ông mình chứ có phải của họ đâu mà năm nào cũng làm càn" - cụ Chung giọng rắn rỏi.

Là một trong các cựu binh Hoàng Sa, cụ Chung thường được mời tới UBND huyện Hoàng Sa trong những dịp quan trọng như kỷ niệm ngày mất Hoàng Sa 19-1 hay các buổi tri ân những người có công với Hoàng Sa. 

Cụ cho biết năm 1968, khi đang là lính địa phương quân thuộc tiểu khu Quảng Nam, Việt Nam cộng hòa thì cụ được lệnh ra đảo Hoàng Sa với nhiệm vụ là nhân viên truyền tin.

Thời điểm này Hoàng Sa còn yên, tình hình chưa có nhiều căng thẳng nên những người ra Hoàng Sa như cụ thường đi theo đợt, mỗi đợt kéo dài ba tháng. 

Tuy nhiên, những người làm truyền tin như cụ thì thời gian neo lại đảo kéo dài gấp đôi. Tính tới lúc Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm năm 1974, cụ Chung đã có ít nhất ba lần ra đảo.

"Hồi ở đó tôi cứ nhớ mãi về những vùng đảo mà phân chim tấp dày tới nỗi chất thành núi. Chúng tôi hằng ngày ngoài nhiệm vụ tuần tra, canh gác còn tranh thủ bắt chim, nhặt trứng về tăng gia. Lúc đó tình hình rất yên ắng, chẳng ai nghĩ Trung Quốc sẽ tới đánh mình để cướp đảo" - cụ Chung nhớ lại.

Người cựu binh Hoàng Sa bỗng nghẹn thắt khi kể về chuyến lên tàu ra đảo lần cuối cùng của mình và đó cũng là lần xảy ra trận hải chiến bi tráng Hoàng Sa 19-1-1974.

"Tôi vừa ăn tết xong thì nhận được lệnh lên tàu khẩn cấp. Tàu tuần dương vừa nhổ neo khỏi vịnh, đi được mấy chục hải lý thì nhận tin Hoàng Sa đã bị quân Trung Quốc chiếm. Anh em trên tàu nằm rệu rã, rồi nước mắt cứ thế chảy tràn. Mọi người bảo với nhau rằng Hoàng Sa mất rồi" - cụ Chung nhớ lại.

Ông đưa cho chúng tôi một bài báo. Đó là một mẩu truyện ngắn kể về một cựu binh Hoàng Sa với hành trang ngày rời đảo là một balô với vô số kỷ vật từ đảo xa. Trong số kỷ vật đó thì người cựu binh giữ hai chú ốc hoa như kho báu. 

Một ngày nọ, khi vào phòng người lính ấy phát hiện hai vỏ ốc đã mất. Một cuộc tìm kiếm được cả đại gia đình tổ chức trong sự náo động và kết quả là đứa cháu nghịch ngợm của vị cựu binh đã đem làm đồ chơi. 

"Người lính trong câu chuyện chính là tôi. Hai con ốc nay chỉ còn một con, đó là những gì của Hoàng Sa mà tôi còn giữ lại được. Mỗi lần nghĩ tới là ứa nước mắt" - cụ Chung cố giấu sự xúc động.

Tư liệu Hoàng Sa - Hành trình trái tim - Kỳ 2: Những vỏ ốc ở Hoàng Sa - Ảnh 2.

Cụ Phan Ngọc Chung kể chuyện Hoàng Sa cùng cán bộ Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: B.D.

"Báu vật" từ đảo xa

TS Lê Tiến Công - phó giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa - kể với chúng tôi rằng mỗi lần tiếp nhận một hiện vật về Hoàng Sa là một lần rưng rưng xúc động. 

Nhiều nhất trong nguồn tặng từ các cựu binh Hoàng Sa là các kỷ vật, bao gồm các vỏ ốc, nhẫn từ ốc đem về trong những lần ra Hoàng Sa. Dẫu không nói lên được nhiều về tính pháp lý chủ quyền, nhưng mỗi con ốc được đem đến là một câu chuyện đau thương, âm ỉ khôn nguôi. 

Trong số này, hai vỏ ốc hoa của cụ Phạm Khôi - người cựu binh Hoàng Sa (đã qua đời từ năm 2014) hiến tặng mỗi lẫn nhắc tới khiến nhiều người nghẹn ngào.

Anh Phạm Ngọc Thức, con trai cựu binh Hoàng Sa Phạm Khôi, cho biết ba anh từng nằm ở đảo gần hai năm giai đoạn 1968 - 1970. Chuyến cuối cùng cụ Khôi về từ Hoàng Sa là vào ngày 18-4-1970, đây cũng là ngày mà cụ đã lấy để đăng ký làm ngày sinh cho con trai mình.

Chị Phạm Thị Hoa, vợ anh Thức, cho biết sau 30-4-1975, cụ Khôi mưu sinh để nuôi đàn con bằng đủ thứ nghề, từ thợ điện, chạy xe ôm... 

Có một giai đoạn khá dài, cụ Khôi hầu như không tâm sự gì tới chuyện mình đã từng làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Mãi cho tới sau này khi được nhiều tổ chức, chính quyền tới thăm và động viên thì cụ mới bắt đầu gợi mở. 

"Tôi nhớ về ba nhiều nhất là mỗi lần ngồi nhậu với bạn bè. Cứ bàn tới chuyện Hoàng Sa là ông lại khóc. Rồi ông bảo rằng dù có phải đợi bao nhiêu lâu nữa thì cũng nguyện một ngày Hoàng Sa sẽ được đòi lại. Bởi nơi đó có quá nhiều người Việt đã nằm xuống, mộ của họ nay không biết còn hay đã bị Trung Quốc cào ủi mất rồi!" - anh Thức kể.

Người con trai cả của cựu binh Hoàng Sa này nói rằng vài năm trước khi qua đời (2014), ba của anh lấy từ trong túi đồ cá nhân ra một mớ vỏ ốc. Cụ khoe với con trai mình rằng đó là những gì cụ còn giữ lại được khi mà Hoàng Sa đã không còn. 

Cụ là một phần của lịch sử. "Tui thấy ổng giữ còn hơn cả báu vật. Ổng đi mua cái tủ gỗ, đóng kính kín bưng rồi treo trên ngay trước cái ghế ổng hay ngồi xem tivi, ai xin cũng không cho" - anh Thức nói.

Những tưởng mấy vỏ ốc đó sẽ được nhân chứng Hoàng Sa mang theo khi qua đời thì một ngày nọ, cụ đã quyết định lấy ra, lau chùi sạch sẽ rồi dò đường đến tặng cho UBND huyện Hoàng Sa. 

Chánh văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa vẫn nhớ như in hình ảnh của cụ Phạm Khôi hôm đó: "Cụ mặc áo trắng, sơvin đóng thùng rất chỉn chu. Khi vào văn phòng UBND huyện nằm ở đường Yên Bái, cụ lôi từ trong túi ra hai con ốc rồi bảo với mấy anh em huyện: "Tui có nhiêu đây góp cho Hoàng Sa. Khi tui chết đi rồi, con ốc này sẽ thay tui kể chuyện cho con cháu nghe về Hoàng Sa".

Anh Phạm Ngọc Thức - con trai cả của cụ Phạm Khôi - đang làm nhân viên tại Điện lực TP Đà Nẵng. Điều mà anh rất giống người cha của mình là thích biển, đam mê câu cá.

Anh đã tự bỏ tiền túi, đến gần như hết các cụm đảo trên đất nước để thỏa đam mê của mình. Mỗi lần đi câu như vậy anh đều chụp một tấm hình về phóng lớn rồi treo trong nhà. Hình câu cá của anh ở các đảo nhiều tới nỗi treo kín các vách tường.

"Cứ rảnh ra là tui lại đi câu, mỗi chuyến đi kéo dài hai ba ngày, có lúc nằm cả tuần trời trên biển. Ngày còn nhỏ, ba tui cũng ghiền món này lắm, cứ rảnh là hai ba con lại dẫn nhau đi. Trước khi mất cụ còn dặn tui là phải ráng đi cho hết tất cả mọi hòn đảo của Tổ quốc" - anh Thức nói.

Gian trưng bày các tài liệu, hiện vật về chủ quyền tại Nhà trưng bày Hoàng Sa có một tấm bản đồ rất đặc biệt tái hiện sinh động cảnh sinh hoạt và bố phòng quân sự trên đảo. Và chủ nhân tấm bản đồ này chính là cựu binh Hoàng Sa Huỳnh Văn Thính...

Kỳ tới: Người vẽ “bản đồ” Hoàng Sa

Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim - Kỳ 1: Qua Pháp tìm tư liệu Hoàng Sa Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim - Kỳ 1: Qua Pháp tìm tư liệu Hoàng Sa

TTO - Năm 2018, sau bao nỗ lực, Nhà trưng bày Hoàng Sa cũng được ra mắt công chúng ở Đà Nẵng. Để có nhiều bằng chứng lịch sử đưa ra công luận, các cuộc tìm kiếm, sưu tầm vẫn đang được tâm huyết tiến hành cho quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên