Phóng to |
Nguyễn Phan Nam An (trái) trong buổi lễ kết nạp Đảng tại Lữ đoàn 125 - Ảnh: Phước Tuấn |
Câu trả lời ấy của Nam An xuất phát từ thắc mắc của nhiều người khi năm nay anh đã 42 tuổi, cái tuổi không trẻ với một đảng viên vừa kết nạp. Nhất là khi ba Nam An từng là đảng viên, một cựu binh thành viên đoàn tàu không số huyền thoại (1965 - 1975).
Tâm nguyện của ba
Ngày 17-1 vừa qua, Nam An được kết nạp Đảng tại tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ đoàn tàu không số, thuộc Lữ đoàn 125 ở cảng Cát Lái (Q.2, TP.HCM). Với Nam An, đó là nơi đầy ý nghĩa khi ba anh đã có thời gian công tác tại lữ đoàn này, và kết nạp Đảng là một cách để thực hiện tâm nguyện của ba. “Ba tôi mất năm 2011, khi còn sống ông chưa hề nói tôi phải vào Đảng, cũng không kể nhiều câu chuyện chiến đấu của mình. Nhưng cuộc đời của ba và đồng đội, những người lính - đảng viên thấm vào tôi một cách tự nhiên”- Nam An nói. Tâm nguyện ấy, như lời Nam An, được ba anh truyền tải ý nhị qua cách sống của mình, qua những câu chuyện về cuộc đời mình. Thong thả, chậm rãi và để con mình thấm dần theo năm tháng.
Và không chỉ có ba làm Nam An thấm điều đó, anh kể về NXB Trẻ, nơi anh công tác có những đồng nghiệp, cấp trên của anh - những đảng viên làm anh thật sự kính trọng về công việc lẫn cách ứng xử. “Những đảng viên đã dìu dắt, hỗ trợ tôi trong công tác đã làm tôi nghĩ rằng mình phải đứng chung hàng ngũ với họ, để đội ngũ mạnh lên. Đứng cùng hàng ngũ với những người mình quý mến cũng là cách thể hiện sự chung sức và rèn luyện mình được như các đảng viên đi trước” - Nam An chia sẻ.
Muốn thấy Đảng gần gũi hơn
Suy nghĩ ấy của Nam An có lẽ ít nhiều đã từng thể hiện trong công việc mà anh đang làm. Phụ trách biên tập mảng sách kinh tế, chính trị của NXB Trẻ, Nam An chính là người bắt tay thực hiện cuốn sách Võ Nguyên Giáp - Người yêu nước - Người thầy - Người lính và Võ Văn Kiệt - Người yêu nước chân thành, trên chất liệu giấy dó, từ ý tưởng của David Thomas, một họa sĩ người Mỹ. Đó là một cách làm sách rất mới và có độ “rủi ro” cao khi với chất liệu giấy dó, sách phải được in từng trang một, được đóng từng cuốn một và giá bán rất cao. Nhưng sau cùng, tất cả sách in ra đều được mua, giới phê bình sách và độc giả nồng nhiệt đón nhận. Câu chuyện về những cuốn sách ấy chỉ là một ví dụ nhỏ cho suy nghĩ mà Nam An đã chia sẻ. “Tôi không nghĩ lại có một việc làm hay lý tưởng nào đó cần phải tách bạch, rằng đến khi là đảng viên mới làm, mới nghĩ đến”- Nam An nói.
Suy nghĩ về Đảng của một người vừa được kết nạp trong Nam An cũng đơn giản như cách anh đến với Đảng: “Tôi muốn nhìn thấy sự gần gũi hơn ở tổ chức mình vừa được kết nạp”. Nam An đưa ra một ví dụ, đó là khi báo chí đề cập nhiều đến chủ quyền biển đảo thì trong giới làm sách, trong giới mỹ thuật đã có rất nhiều tác phẩm có chất lượng về chủ đề này ra đời và có tác động rất tích cực đến đời sống. “Tôi nghĩ không cần nói điều gì đao to búa lớn, không cần tuyên truyền một cách xơ cứng. Những gì trở thành tâm tư tình cảm thì tự nó sẽ đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn nhất” - Nam An nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận