09/06/2011 06:14 GMT+7

Tự lập trạm thu phí là phạm luật

Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Luật sư Nguyễn Văn Hậu

TT - Nhiều năm qua, hàng chục hộ thuộc cụm dân cư ấp 4, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè (TP.HCM) chỉ có lối đi duy nhất là các bờ đê để ra đường Đào Sự Tích. Cũng vì chỉ có con đường độc đạo nên một chủ đất giáp ranh với mặt tiền đường đã rào chắn, lập trạm thu phí người đi qua đất của mình.

Dk9G25Po.jpgPhóng to
Một thanh niên vào bên trong khu dân cư ấp 4, xã Phước Lộc phải trả tiền khi qua “trạm thu phí” của ông Thuận - Ảnh: Quang Khải

Khách vãng lai mới vào khu vực trên bị thu 5.000 đồng/lượt xe máy, còn người dân trong khu dân cư muốn ra đường phải đóng 30.000 - 40.000 đồng/tháng/xe máy.

Thu phí hơn 3 năm qua

Từ phản ảnh của bạn đọc, ngày 2-6 chúng tôi đến đường Đào Sự Tích rồi rẽ vào một hẻm rộng chưa đầy 3m để vào bên trong khu dân cư ấp 4. Chúng tôi chạy xe vào chưa được 50m theo lối mòn thì gặp căn chòi lợp lá chắn giữa đường, cửa chòi vừa đủ cho hai xe máy qua. Một người đàn ông đang nằm trên võng trong chòi bật dậy hất hàm hỏi: “Đi đâu?”.

“Vào nhà người quen gần ao cá Thủy Tiên (khu câu cá giải trí bên trong)” - chúng tôi trả lời. Ngay lập tức ông này phán: “Đóng 5.000 đồng”. Chúng tôi phải đóng tiền mới được đi tiếp theo lối mòn nhỏ chạy ngoằn ngoèo mà nếu hai người chạy xe máy ngược chiều nhau thì phải có một xe dừng lại để tránh.

Theo người dân, đó là con đường độc đạo nối khu dân cư ấp 4 với “thế giới” bên ngoài nên chủ đất giáp ranh với mặt tiền đường Đào Sự Tích có đường mòn trên đi qua đã rào chắn, lập trạm thu phí. Việc thu phí đã xảy ra từ ba năm qua. Anh Nguyễn Thăng Long, một người dân ở đây, cho biết nhà anh có ba chiếc xe máy nên trước đây mỗi tháng phải đóng 120.000 đồng cho chủ đất trên. Thấy việc thu tiền như vậy quá phi lý nên sau này mỗi khi ra khỏi nhà anh Long phải dắt xe luồn qua nhà một người quen khác.

Ông Nguyễn Ngọc Lành (ở khu dân cư nói trên) kể: “Nhà tôi có đến sáu chiếc xe máy và mỗi chiếc phải đóng 30.000 đồng/tháng. Con cháu tôi ở cùng ấp mỗi lần qua thăm cũng bị thu 5.000 đồng/lượt”. Theo nhiều người dân, mỗi ngày có hàng chục lượt người vào khu vực trên câu cá nên với mức thu hiện tại, mỗi tháng chủ đất trên bỏ túi số tiền không nhỏ. Điều đáng nói là việc thu phí trên gây bức xúc với người dân khu vực nhưng không ai dám “làm lớn chuyện” vì sợ chủ đất bít cửa thì không còn lối đi.

Địa phương biết nhưng không làm gì được?

Theo ông Nguyễn Tuấn Tài - chủ tịch UBND xã Phước Lộc, con đường dẫn từ khu dân cư ấp 4 ra đường Đào Sự Tích qua phần đất của nhiều hộ dân, nhưng chỉ có hộ ông Phạm Ngọc Thuận thu tiền của dân. Ông Tài cho biết cán bộ xã vận động ông Thuận không thu phí nhưng không có kết quả. “Nếu nói ông Thuận tổ chức thu phí đường là chưa chính xác.

Việc thu tiền trên là sự thỏa thuận miệng giữa ông Thuận với người dân khi đi ngang phần đất của ông (?). Vì vậy xã muốn xử lý cũng rất khó vì đó là thỏa thuận dân sự. Tuy nhiên, nếu người dân thưa kiện thì chắc chắn ông Thuận phải bán lại phần đất của mình làm đường đi cho dân. Nhưng làm như vậy thì sự việc sẽ kéo dài mà chưa chắc người dân chịu bỏ tiền để mua phần đất làm đường đi” - ông Tài nói.

Về hướng giải quyết lâu dài, ông Tài cho biết đang lập dự án mở con đường dài 650m từ đường Đào Sự Tích đi vào cụm dân cư ấp 4. Hiện xã đã lập hồ sơ thiết kế gửi các phòng ban chuyên môn của huyện thẩm định. Nếu dự án được duyệt và khởi công trong năm nay thì việc đi lại của người dân ấp 4 không còn vất vả và tốn tiền nữa.

Tự ý thu phí đi qua đất là vi phạm pháp luật

Khoản 1 điều 275 Bộ luật dân sự quy định: “Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó.

Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác...”. Như vậy, việc người có quyền sử dụng đất cố tình rào đất lại khiến nhiều hộ dân không có lối đi và phải trả phí đi nhờ hằng ngày là vi phạm pháp luật dân sự.

Ngoài ra, việc một cá nhân tự đặt ra khoản phí đi qua đất cũng vi phạm pháp lệnh phí và lệ phí. Điều 7 pháp lệnh này quy định: “Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân tự đặt ra các loại phí, lệ phí; sửa đổi các mức thu phí, lệ phí đã được cơ quan có thẩm quyền quy định; thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật”. Như vậy, các hộ dân ở cụm dân cư nói trên có quyền khởi kiện ra tòa án yêu cầu người có quyền sử dụng đất bao bọc đất của bà con dành một lối đi ra đường công cộng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên