Cảnh thường thấy trong những dịp thi cử: phụ huynh đội mưa chờ con trước các cổng trường - Ảnh: N.HÙNG
Nhìn một cách tích cực, việc đứng lên từ thất bại sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta biết rằng có người yêu thương, tin tưởng và chấp nhận những thất bại của mình như một phần thành công. Nhưng nếu trẻ thiếu tình thương và sự quan tâm sẽ phải tự học mọi thứ trong cay đắng. Bạn muốn con mình độc lập theo cách nào?
Anh MICHAEL VEZZA
* Anh MICHAEL VEZZA (người Pháp, giáo viên tiếng Anh):
Tự tin và độc lập cần quá trình rèn luyện
Tuy chưa lập gia đình và có con để chia sẻ được nhiều hơn về vấn đề này nhưng tôi nghĩ bên cạnh tình yêu thương, cha mẹ phải rất cứng rắn mới hướng dẫn con cái trở thành người tự tin, tự lập.
Tôi thấy cha mẹ Pháp khá nhàn trong việc dạy con vì quan điểm con không phải ông trời, muốn gì được nấy. Khi trẻ khoảng 2 tuổi, họ dạy trẻ về sự tự lập. Trẻ phải tự ăn và ngồi ăn trong trật tự cùng gia đình. Khi 3 tuổi, trẻ bắt đầu làm quen với kỷ luật và những giới hạn một cách nghiêm túc.
Cha mẹ có thể làm việc này bằng cách thường xuyên nói chuyện, giải thích trên tinh thần tôn trọng mong muốn của con. Trẻ thấy mình được tôn trọng dần dần sẽ cảm thấy tự tin và đồng thời biết tôn trọng người khác.
Về những giới hạn, chúng tôi không đáp ứng vô điều kiện những gì trẻ muốn. Ví dụ muốn có đồ chơi mới, trẻ cần có sự tiến bộ hay nỗ lực, như phải biết nói cảm ơn suốt tuần hoặc không giành đồ chơi của trẻ khác.
Chúng tôi luôn chú ý đến trẻ, nhưng tin tưởng cho trẻ có không gian riêng để lớn lên. Và luôn tin rằng những lần thất bại đều rất quý giá và cần thiết cho sự trưởng thành.
Gia đình có vai trò lớn với việc hình thành lòng tự tin, tính cách độc lập của trẻ. Hãy hình dung khi chơi thể thao, bạn không thể tự nhiên giỏi, ngược lại rất cần sự khổ luyện.
Để tự tin và độc lập, chúng ta cần quá trình rèn luyện lâu dài. Chẳng hạn nếu ở trường học sinh được đi khám phá các khu rừng và làm các bài tập về thiên nhiên, các em sẽ tự tin trước tự nhiên có phần bí ẩn, cô liêu, không sợ hãi khi bước trước không gian rộng lớn.
Hoặc để gây quỹ giúp bạn nghèo, thay vì xin tiền cha mẹ, các trẻ sẽ bán nước chanh, bán áo thun...
Trải nghiệm có tác dụng xây dựng lòng tự tin, dù đó là trải nghiệm không thành công cũng rất đáng quý.
Anh STEVE URBANSKI (người Mỹ, giáo sư đại học)
Thách thức vừa đủ để khuyến khích
Tôi nghĩ dạy trẻ con tính độc lập, tự chủ là việc cha mẹ phải dạy con từng chút một khi con còn nhỏ. Cha mẹ thông thái biết khi nào nên để con mình thử những điều mới và chấp nhận cho các bé trải nghiệm sự thất bại.
Họ sẽ phải biết kiểm soát bản thân để không can thiệp, giúp đỡ con cái quá sớm. Nhưng ngược lại, nếu để các bé thất bại quá thường xuyên, trẻ sẽ không được khuyến khích.
Vẫn còn nhiều phụ huynh ở Mỹ bảo bọc con cái quá mức. Trách nhiệm của họ dạy con làm sao để khi con mình học đại học, các bạn trẻ có thể chịu trách nhiệm về cuộc sống của bản thân.
Nhiều sinh viên đại học hiện nay dường như không được chuẩn bị. Nếu gặp rắc rối, họ sẽ gọi cho cha mẹ, ngay cả những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Ở thế hệ của tôi, chúng tôi bắt đầu sống tự lập khi 18 tuổi, nhưng ngày nay các bạn trẻ có xu hướng tiếp tục sống với cha mẹ ngay cả sau khi học xong đại học.
Điều này có phần vì lý do kinh tế, nhưng cũng có thể do sự giao thoa văn hóa toàn cầu vì việc con cái trưởng thành ở với cha mẹ rất phổ biến ở châu Á như Trung Quốc, Việt Nam.
Nhiều phụ huynh trẻ tuổi có xu hướng muốn dạy con trẻ biết độc lập, tự chủ từ sớm, nhưng ông bà dường như lại có xu hướng bảo vệ, ôm ấp hơi nhiều hơn.
Vì vậy, nếu bạn muốn dạy con độc lập từ nhỏ, hãy trao đổi với gia đình để họ chia sẻ quan điểm của bạn và hỗ trợ bạn, tránh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Chị JULIA GOEB (người Đức)l :
Biết cách cân bằng
Tôi có vài người bạn từ quê lên Sài Gòn đi học ở tuổi 18 và sống một cuộc sống hoàn toàn khác với thời thơ ấu của họ. Đó là những người độc lập nhất tôi từng gặp.
Còn với một số người trẻ vẫn còn thụ động, tôi nghĩ là do truyền thống của người Việt, người trẻ luôn lắng nghe và vâng lời người lớn, việc bày tỏ suy nghĩ riêng có khi bị xem là hành động thiếu tôn trọng.
Là một người "độc lập với cha mẹ của mình", tôi thấy nhiều bạn trẻ Việt Nam rất vâng lời cha mẹ. Ví dụ một cô gái sẽ không ra khỏi nhà lúc 10h đêm nếu cha mẹ cô lo lắng, dù cô gái đó 23 tuổi và đã đi làm.
Việc đáp ứng các kỳ vọng của cha mẹ vẫn được xem là nghĩa vụ của con cái, hầu hết bạn trẻ tôi gặp đều thấy rất tội lỗi nếu làm những điều mà cha mẹ họ, đang ở cách hàng trăm cây số, không thích.
Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, tôi nhận thấy mối liên kết giữa cha mẹ và con cái có vẻ khắng khít và sâu đậm.
Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu chúng ta dạy con trẻ biết rằng mắc lỗi cũng không sao, lỗi lầm sẽ khiến các con khôn ngoan hơn và khám phá được khả năng của mình.
Ở Đức, người ta tập trung vào việc tập cho con trẻ có sự độc lập và tự tin. Ở trường, chúng tôi thường chia nhóm và thực hiện các nhiệm vụ được giao với nhau; bài tập về nhà cũng được yêu cầu bày tỏ quan điểm riêng về một chủ đề nào đó; trong các môn như chính trị, triết lý và tôn giáo, giáo viên sẽ thảo luận nhiều điều với học sinh.
Việc bày tỏ quan điểm riêng là một phần của nền giáo dục chúng tôi. Một điểm khác biệt lớn nữa là cha mẹ muốn con cái độc lập, khám phá bản thân và tự đưa ra những quyết định. Việc xin phép cha mẹ khi đã lớn không phổ biến trong văn hóa của chúng tôi.
Một điều quan trọng đến bây giờ tôi vẫn còn học, đó là đừng bao giờ ngần ngại khi nghĩ cho bản thân. Tôn trọng người lớn không có nghĩa là cảm giác và những ước ao của bạn kém quan trọng hơn.
Tôi muốn gửi một lời nhắn nhủ cá nhân đến cho người trẻ Việt Nam: hãy cân bằng. Làm cha mẹ hài lòng là tốt, nhưng đừng hi sinh những giấc mơ của mình, cần nhẹ nhàng với bản thân hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận