15/04/2022 08:45 GMT+7

Từ lan đến bạch hải đường: Cơn sốt điên loạn từ 'đột biến'

NGUYỄN ĐỨC TUYÊN
NGUYỄN ĐỨC TUYÊN

TTO - Cây hoa bạch hải đường vốn dĩ được người dân trồng từ rất lâu. Cây mọc trong góc vườn, hàng rào, thậm chí còn kém vẻ kiêu sa so với một số loài hoa trà khác. Ấy vậy mà gần đây bạch hải đường được người chơi đẩy giá lên chóng mặt.

Từ lan đến bạch hải đường: Cơn sốt điên loạn từ đột biến - Ảnh 1.

Bạch hải đường được rao bán trên các hội nhóm với giá cả trăm triệu đến bạc tỉ - Ảnh chụp màn hình

Từ vài triệu lên vài chục triệu, rồi hàng trăm triệu đồng cho một gốc bạch hải đường tùy lớn nhỏ.

Khi cơn sốt giá xuất hiện, tâm lý đám đông cũng hình thành, người người đua nhau lao vào săn cây. Đây cũng là lúc, với những kinh nghiệm lọc lõi, nhóm người gom bạch hải đường trước đó tiếp tục bơm giá. 

Như những con bạc khát nước, người người lao vào, tạo thành đám đông lùng sục săn hàng. Ai cũng mong muốn có cây để lướt sóng, bán sang tay kiếm lời. Giá bạch hải đường tiếp tục được bơm lên đỉnh tới mức cả 1 - 3 tỉ đồng/cây.

Khốn nỗi, khi cây được nhiều người bán tháo, giá sẽ mau chóng rớt thảm hại. Tâm lý đám đông bị đảo lộn. Trái ngược với lúc bão giá mới hình thành, khi thời điểm đu đỉnh đã qua, đám đông lại giãn ra, người mua thì ít kẻ bán lại nhiều. Giá tiếp tục xuống dốc, những người ôm cây không bán tháo kịp thì chỉ có ôm hận.

Cái xu hướng bơm giá, tạo cơn sốt bạch hải đường chẳng khác gì thời đám đông điên loạn đi săn lá én, lá trầu bà, lá môn... đột biến gần đây. Hay xa hơn nữa, khoảng một năm trước, cơn sốt lan đột biến (lan var) đã cuốn phăng, nhấn chìm nhiều nhà vườn vào cảnh nợ nần, tán gia bại sản..., thậm chí phải vướng cảnh tù tội cũng chỉ vì mấy kie (mầm giống cây) lan.

Cơn sốt lúc ấy bắt đầu với những loại lan giả hạc (còn gọi là phi điệp, thân thòng) mang cái tên bình dị như Hòa Bình, HO, Di Linh, Phú Thọ... sau xuất hiện những mặt bông mới với những cái tên rất kiêu sa như Bạch tuyết, Cờ đỏ, Lâm xung, Hồng mỹ nhân, Hồng á hậu... 

Và theo đó, giá được đẩy lên từ vài triệu đồng/cm hay 1 kie đến vài trăm triệu. Thậm chí, có những lúc một chậu lan var với thân chưa đến 1m đã được công khai giao dịch vài chục tỉ đồng.

Đi qua những cơn sốt giá điên loạn như trên, được lợi nhất vẫn là những người ôm cây, tạo cơn sốt giá, lướt sóng ban đầu. Chưa kể trong cơn sốt giá lan var, đã xuất hiện, nhuốm mùi rửa tiền của không ít đại gia. Trò thổi giá, tạo cơn sốt ảo về hoa lá, cây cảnh để đầu cơ, trục lợi thật sự không lạ với kinh tế thế giới. 

Cơn sốt, hội chứng hoa tulip hay còn gọi là bong bóng uất kim hương đã từng xảy ra tại Hà Lan và sau đó lan ra khắp châu Âu trong những năm 1630. Một củ hoa tulip lúc đó được thổi bán với giá cao gấp 10 lần thu nhập hằng năm của một nghệ nhân lành nghề.

Hội chứng hoa tulip sau đó đã được nhà báo Anh Charles Mackay viết trong cuốn sách Những ảo giác nổi tiếng và sự điên loạn của đám đông. 

Thuật ngữ "hội chứng hoa tulip" sau đó còn được đưa vào các tài liệu giảng dạy tại các trường kinh tế nổi tiếng trên thế giới như một ví dụ về hiện tượng bán sản phẩm với giá quá cao so với giá trị thực của nó.

Hãy trả những hoa lá, cây cảnh về với giá trị thực của nó, đó là nét đẹp hoang sơ, thuần khiết. Người yêu hoa lá cây cảnh hãy chơi như một thú vui, sưu tầm, giao dịch đúng giá trị của nó. Bởi cuộc chơi sẽ bị vẩn đục khi còn đó quá nhiều người trục lợi từ cái đẹp của hoa - lá - cây.

Cục trưởng Cục Trồng trọt: Bạch hải đường là cây rất bình thường, hãy nhớ bài học lan đột biến Cục trưởng Cục Trồng trọt: Bạch hải đường là cây rất bình thường, hãy nhớ bài học lan đột biến

TTO - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường khẳng định bạch hải đường là cây rất bình thường, không có gì quý hiếm. Người dân cần tỉnh táo, không bị 'sập bẫy lừa' từ loại cây này.

NGUYỄN ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên