Sau khi Indonesia công bố kết quả mở thầu tháng 5-2024, hai doanh nghiệp Việt đều bỏ thầu với giá thấp, trong đó có Tập đoàn Lộc Trời (LTG).
Đại diện Lộc Trời thừa nhận doanh nghiệp bị áp lực của tài chính nên chấp nhận bỏ thầu giá thấp. Thực tế, doanh nghiệp này đang kinh doanh ra sao?
16 năm Lộc Trời lãi lớn, bất ngờ đi xuống từ năm ngoái đến nay
Báo cáo tài chính quý 1-2024 của Lộc Trời cho thấy kết quả kinh doanh của "ông lớn" lúa gạo miền Tây không mấy khả quan dù doanh thu tăng lên.
Cụ thể quý 1, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 3.848 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu từ lúa gạo chiếm chủ yếu với 3.285 tỉ đồng, còn lại từ bán thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống, bao bì…
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại chiếm 3.603 tỉ đồng (gần 94%), tăng tới 65% cùng kỳ và cao hơn tốc độ tăng doanh thu. Bởi vậy, lợi nhuận gộp tập đoàn giảm 10%, chỉ còn 245 tỉ đồng.
Biên lợi nhuận gộp mảng lúa gạo của Lộc Trời cũng rất mỏng, chỉ khoảng 3,5%. Chưa kể, kết quả kinh doanh còn bị "bào mòn" khi lãi vay tăng mạnh, đạt gần 127 tỉ đồng quý 1. Bình quân mỗi ngày công ty phải "gánh" hơn 1,4 tỉ đồng lãi vay ngân hàng.
Đem hàng xuất khẩu, lãi chênh lệch tỉ giá quý 1 của Lộc Trời gần 31 tỉ đồng, tuy nhiên chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng chịu khoản lỗ tỉ giá lên tới gần 53 tỉ đồng.
Vừa lỗ ròng tỉ giá, chi phí lãi vay cao, lợi nhuận thuần từ kinh doanh âm, Lộc Trời báo lỗ sau thuế hơn 96 tỉ đồng, tăng hơn so với mức -81 tỉ đồng cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh của "ông lớn" lúa gạo đi xuống bắt đầu từ năm 2023, khi lãi sau thuế chỉ đạt 16,5 tỉ đồng, giảm 96% so với năm 2022. Dữ liệu thể hiện, từ năm 2008 đến 2022, lợi nhuận ròng của Lộc Trời đều vài trăm tỉ đồng.
Trong đó, Lộc Trời lập đỉnh lợi nhuận sau thuế vào năm 2014 với hơn 502 tỉ đồng. Đến năm 2022 vẫn đạt hơn 411 tỉ đồng cùng khoản lãi lũy kế hơn 1.000 tỉ đồng.
Dữ liệu: BCTC DN
Khoản phải thu lớn, dòng tiền âm, vay nợ nhân viên
Có nhiều điểm cần quan tâm khi nhìn vào bảng cân đối kế toán quý 1-2024 của Lộc Trời. Trong đó, mục tồn kho tăng từ 1.969 tỉ đồng lên 2.816 tỉ đồng sau 3 tháng đầu năm 2024, tương đương 33%.
Các khoản phải thu ngắn hạn của Lộc Trời cũng lớn, ở mức 6.621 tỉ đồng, chiếm gần 56% tổng tài sản. Quay trở lại các năm trước, các khoản phải thu cao nhất cũng chỉ ở mức 2.000 - 3.000 tỉ đồng.
Theo nghiệp vụ kế toán, các khoản phải thu là dạng tài sản dựa trên các khoản nợ cần thu hồi, giao dịch chưa thanh toán hoặc các nghĩa vụ tiền tệ chưa hoàn thành.
Về lý thuyết, khi các khoản phải thu lớn và bị chiếm dụng lâu ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản doanh nghiệp. Điều này khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc thu xếp tài chính, trang trải các nghĩa vụ khác.
Thực tế, Lộc Trời đã phải tăng trích lập biến động dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi từ 308 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái lên 490 tỉ đồng vào quý 1 năm nay.
Nhìn sang bảng lưu chuyển tiền, tại thời điểm cuối tháng 3-2024, Lộc Trời đang âm 434 tỉ đồng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, đã giảm hơn mức âm 2.709 tỉ đồng cùng kỳ.
Tại thời điểm cuối tháng 3-2024, Lộc Trời vay ngân hàng 6.149 tỉ đồng và hơn 30 tỉ đồng vay nhân viên.
Bên kia bảng cân đối, Lộc Trời ghi nhận khoản phải trả người bán ngắn lên tới 2.075 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm.
Mới đây, Lộc Trời vướng vào lùm xùm nợ tiền mua lúa nông dân. Theo Lộc Trời, do có khoảng lệch về thời gian thanh toán nên đã gây ảnh hưởng đến bà con nông dân.
Hôm 21-5 vừa qua, Lộc Trời cho biết đã trả xong tiền nợ mua lúa nêu trên, đồng thời gửi lời xin lỗi đến bà con nông dân và khép lại vụ việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận