Từ 'kỳ tích sông Hàn' hướng đến 'kỳ tích sông Thu Bồn'

Ngày mai khi bước ra phố, chúng tôi sẽ kể cho con cháu nghe câu chuyện quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng sau chia tách nay sắp được đoàn tụ.

Đà Nẵng - Ảnh 1.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn ở quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là biểu tượng nổi tiếng xứ Quảng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Từ bao đời, Đà Nẵng và Quảng Nam là một, hòa nguyện thành một thực thể "Quảng Đà", như dòng Thu Bồn chảy dài ra Hàn Giang, biểu tượng gắn bó máu thịt giữa hai danh xưng, một dải đất.

Đó là chia sẻ của TS Phạm Đi (Học viện Chính trị khu vực III) - một người con Quảng Nam - trong những ngày này khi Đà Nẵng và Quảng Nam sắp sáp nhập theo như dự kiến.

Sự vươn mình ngoạn mục

Tôi vẫn còn nhớ như in ngày chia tay năm 1997 - cái ngày tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng chính thức chia tách để bước vào một hành trình phát triển mới.

Tôi - một cán bộ sinh ra, lớn lên ở vùng quê Điện Bàn, Quảng Nam - khi ấy đang công tác tại một đơn vị hành chính cấp xã.

Tiếng loa phát thanh rộn rã đưa tin về sự kiện trọng đại, lòng tôi lại dấy lên những bâng khuâng…

Sau chia tách, Quảng Nam bắt đầu "khởi nghiệp" để "ra riêng" như cách nói của người xứ Quảng. 

Từng bước, từng bước, Quảng Nam vươn lên mạnh mẽ. 

Những khu công nghiệp mọc lên ở Chu Lai, Tam Thăng, Điện Nam - Điện Ngọc... du lịch Hội An, Mỹ Sơn trở thành điểm sáng. 

Và tôi cũng dõi theo Đà Nẵng trong từng bước đi. Thành phố đáng sống vươn mình ngoạn mục, trở thành hình mẫu của sự năng động, sáng tạo. 

Mỗi lần ra Đà Nẵng công tác, lòng tôi lại dâng trào những cảm xúc lạ lùng pha lẫn tự hào vì Đà Nẵng đã phát triển rực rỡ.

Đến hôm nay, chủ trương đưa Đà Nẵng và Quảng Nam "về chung một nhà". Tin ấy khiến tôi cảm thấy hồi hồi xúc động. Trên hết là một niềm vui khó tả. 

Sau bao năm, giờ đây Quảng Nam và Đà Nẵng lại trở về bên nhau, cùng chung một tên gọi: thành phố Đà Nẵng. 

Tôi đi trên con đường nối từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng, lòng đầy cảm xúc. Con đường ấy giờ không chỉ là tuyến giao thông, mà là con đường nối kết quá khứ - hiện tại - tương lai.  

Sau dự kiến sáp nhập sẽ là hành trình mới. Với tên gọi chung là thành phố Đà Nẵng, đơn vị hành chính mới không chỉ lớn về diện tích, dân số, mà còn đa dạng về văn hóa, kinh tế, xã hội. 

Đà Nẵng có thế mạnh về đô thị, công nghệ, logistics; Quảng Nam có lợi thế về nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa truyền thống và di sản. 

Hai nơi sẽ bổ sung cho nhau, cùng vươn mình mạnh mẽ.

Tôi - giờ đã là một cán bộ sắp lục tuần - ngày mai khi bước chân ra phố sẽ kể cho con cháu nghe câu chuyện quê hương về sự đoàn tụ. 

Quê hương ấy giờ không còn là riêng Đại Lộc hay Tam Kỳ, Duy Xuyên hay Núi Thành, Hòa Vang hay Ngũ Hành Sơn… mà là cả một vùng đất rộng lớn có sông Hàn, có phố cổ, có ngọn Hải Vân che chở. 

Và từ chính mảnh đất hợp nhất này, chúng ta sẽ cùng viết nên một "Kỳ tích Hàn Giang" - kỳ tích của trí tuệ, bản lĩnh và đoàn kết.

Thành phố Đà Nẵng: không gian rộng lớn, thuận lợi để phát triển

Ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng năm 1997-2001, chia sẻ:

Bây giờ nếu sáp nhập lại thì sự gắn kết về tình cảm, sự đồng cảm về văn hóa và truyền thống chắc chắn tạo ra sự đồng thuận và sẻ chia, trở thành sức mạnh nội sinh để vươn mình!

Điều dễ thấy trước tiên là với diện tích rộng lớn, thành phố Đà Nẵng mới có không gian địa lý thuận lợi cho việc hình thành các khu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ mới với sự kết hợp và tổng hòa các lợi thế của từng địa phương, từng lĩnh vực hiện nay. 

Nguồn nhân lực trên cả hai mặt số lượng và chất lượng cũng là lợi thế quan trọng cho sự phát triển trước mắt và lâu dài của thành phố mới trên cả hai mặt sản xuất và tiêu dùng. 

Sắp xếp lại địa giới hành chính cũng là cơ hội để lựa chọn và xây dựng một đội ngũ cán bộ tinh, gọn, có hiệu lực, hiệu quả cao hơn trong quản lý kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng, đối ngoại cũng như xây dựng hệ thống chính trị địa phương.

Thành phố mới sẽ khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả hơn cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội được xây dựng ở hai địa phương thông qua việc điều chỉnh hợp lý từ giao thông: đường bộ, đường thủy, đường không đến các khu công nghiệp, dịch vụ - du lịch, cơ sở y tế, giáo dục...

Với vị trí trung độ của cả nước, thành phố Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi để hội tụ và lan tỏa, phát huy những lợi thế của một không gian phát triển mới. 

Tuy trước mắt còn bộn bề công việc, nhưng với những nguồn lực đã có và đang tạo ra từ những đột phá mới, thành phố Đà Nẵng sẽ có nhiều lợi thế để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.

Từ "Kỳ tích sông Hàn" của thành phố Đà Nẵng đã được khẳng định vừa qua sẽ tạo ra "Kỳ tích sông Thu Bồn" của thành phố Đà Nẵng mới!

Từ 'kỳ tích sông Hàn' hướng đến 'kỳ tích sông Thu Bồn' - Ảnh 3.Thành phố Đà Nẵng mới sẽ có tới 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận

Thành phố Đà Nẵng mới sau khi sáp nhập tỉnh Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng hiện nay có 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Đây là lợi thế lớn để phát triển du lịch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên