Chỉ cần tra cứu trên Google, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy các trang mạng bán thiết bị thử thực phẩm - Ảnh chụp từ website |
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hồng Hảo - phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm quốc gia về an toàn và vệ sinh thực phẩm, hiện chưa có thiết bị kiểm tra nhanh nào có thể phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu và kim loại nặng trong thực phẩm.
Nitrat sinh ra từ quá trình chuyển hóa chất đạm trong thực phẩm, khi hàm lượng nitrat ăn vào vượt ngưỡng cho phép có thể xuất hiện một số bệnh lý ở dạ dày, ruột, gan. Nitrat khi vào cơ thể còn có kết hợp với các chất sẵn có gây chứng loạn sản tế bào và giảm hấp thụ oxy |
Ông Lâm Quốc Hùng (trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm Cục An toàn thực phẩm) |
Món nào cũng thấy độc chất
Ngày 19-6, một “thông báo khẩn cấp” được phát đi trên mạng xã hội Facebook về loại máy quét N. Theo thông báo, loại thiết bị này nhập khẩu từ Đức, kết quả tự kiểm tra cà chua, cam sành Sài Gòn, dưa lê Hàn Quốc, xoài Sài Gòn, chanh Nha Trang và “chuối nhà quê” đều phát hiện dư lượng nitrat từ 78 - 218.
Ngay sau thông tin này, nhiều người xem trên mạng vội vã đi tìm mua thiết bị để phòng nguy cơ ăn phải chất độc.
Đây không phải là thiết bị kiểm tra độc chất cầm tay duy nhất trên thị trường hiện nay. Loại thiết bị kiểm tra an toàn thực phẩm nhãn hiệu S nhập khẩu từ Nga đang được quảng cáo rầm rộ từ đầu năm 2015 với nhiều tác dụng kỳ diệu như đo được dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng phóng xạ, chất bảo quản gây ngộ độc và ung thư trong rau, quả, thịt tươi.
Kết quả hiển thị chỉ sau 20 giây cắm kim bên dưới thiết bị vào thực phẩm cần đo. Thậm chí ngay cả những độc chất ngoài danh mục trong hướng dẫn sử dụng máy cũng có thể hỗ trợ.
Chỉ cần 4,5 - 6,5 triệu đồng là có một thiết bị đo được đủ thứ dư lượng độc chất, thêm yên tâm về bữa ăn gia đình nên nhiều gia đình quan tâm đến loại thiết bị này.
Chị Lương Thị Hồng Hoa - ở Thanh Xuân, Hà Nội, người nội trợ đã mua loại thiết bị này - kể lúc đi chợ, đi siêu thị là chị mang máy đi, muốn mua món gì chị cũng cắm kim kiểm tra. Nhưng nhiều thực phẩm chị kiểm tra đều cho kết quả có chứa nitrat khiến chị không biết mua gì cho an toàn, bữa ăn gia đình trở nên giản tiện quá thể vì mua gì cũng sợ.
Tình cảnh này tái diễn cả tháng, nhưng gần đây chị bỏ thiết bị để đi mua thực phẩm ở các cửa hàng quen, nguồn gốc tin tưởng.
Một trường hợp khác là ông V.Q.H., giảng viên đại học, trước đây uống mỗi ngày hai ly nước cam, nhưng sau khi thiết bị thử độc cho rằng cam nhiễm nitrat thì ông thấy uống nước cam không ngon nữa...
Hiệu quả đến đâu?
Theo bà Lê Thị Hồng Hảo, hiện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế mới công nhận tác dụng phát hiện nitrat của thiết bị nói trên, còn các tác dụng khác thì chưa công nhận. Bà Hảo cho rằng nitrat có trong hầu hết loại thực phẩm, chỉ những mẫu có nitrat vượt quá ngưỡng mới nguy hại cho sức khỏe.
“Những mẫu rau quả được tưới bằng nước ô nhiễm, chứa nhiều xác động vật thối thì lượng nitrat mới cao đến mức quá ngưỡng. Chỉ cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn mới sử dụng hiệu quả thiết bị này, còn người nội trợ không nên dùng” - bà Hảo khuyến cáo.
Cũng theo bà Hảo, các thiết bị phát hiện nhanh độc chất (như các test kiểm tra nhanh, giấy phát hiện hàn the trong giò chả...) chỉ có ý nghĩa gợi ý về chất lượng, độ an toàn của thực phẩm, muốn kiểm tra định lượng xem mức độ nguy hại phải đến các phòng thí nghiệm.
Những thiết bị kiểm tra nhanh hiện có trên thị trường cũng mới dừng ở phát hiện dư lượng tinh bột trong chén ăn, đũa (sau khi đã rửa), hàn the trong giò, chả, bánh... Dư lượng kim loại nặng trong thực phẩm thì chưa có thiết bị kiểm tra nhanh nào phát hiện.
Ông Lâm Quốc Hùng, trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khuyến cáo phải sử dụng đúng công suất, thiết bị sục ozon mới hiệu quả về an toàn thực phẩm. Việc sục ozon giúp các vi sinh vật kỵ khí có trong rau củ quả, thịt cá và một số hóa chất dễ bị oxy hóa sẽ bị phá hủy, tăng độ an toàn của thực phẩm.
“Tuy nhiên yêu cầu là lượng ozon phải đủ, đúng công suất, chứ không phải nồi rửa bé xíu mà cho vào bó rau to đùng, hay một số kim loại nặng có tính “trơ” thì việc sục ozon cũng không có nhiều hiệu quả” - ông Hùng hướng dẫn.
Ông Hùng cho rằng sàng lọc để phát hiện thực phẩm bẩn rất cần thiết, thà “nhầm còn hơn bỏ sót” thực phẩm độc hại. Theo ông Hùng, trên thị trường có bộ thiết bị kiểm tra nhanh 11 chỉ số nhằm kiểm tra độ ôi khét trong dầu mỡ, methanol trong rượu, kiểm tra formol, hàn the, thuốc trừ sâu... trong thực phẩm.
“Tuy nhiên không phải bộ thiết bị nào cũng được phép lưu hành và có hiệu quả như quảng cáo” - ông Hùng cho biết.
Tại hội thảo mới được tổ chức ở Hà Nội về phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm, ông Bùi Diệu - giám đốc Bệnh viện K - cho biết: các thống kê mới nhất cho thấy số lượng bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa ở VN đã tăng và có liên quan đến ăn uống. Chọn thực phẩm an toàn không dễ và mỗi người nội trợ đều có cách của riêng mình để bảo vệ gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận