01/08/2009 01:12 GMT+7

Từ kênh Vĩnh Tế đến kênh Võ Văn Kiệt - Kỳ 3: Thương hồ Vĩnh Tế

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Bình minh chưa kịp ửng nắng trên dãy Thất Sơn thì trận mưa rào đã rây rẩy nước lên mặt kênh Vĩnh Tế. Khách thương hồ Nguyễn Văn Mạnh trải vội tấm bạt lên khoang ghe rồi nói: “Đây là mùa buôn cực nhất của dân gạo chợ nước sông. Mưa gió hay trở cơn thất thường dễ làm ướt hư hàng hóa”.

Dù nói vậy, nhưng Mạnh vẫn cười thản nhiên nhìn theo những lượn sóng vỗ như bao đời cha ông mình đã từng ngược xuôi con kênh này.

emBGfaIc.jpgPhóng to
Con kênh trở thành tuyến giao thông huyết mạch trong hệ thống giao thông đường thủy rất thuận tiện cho việc buôn bán, vận chuyển hàng hóa - Ảnh: Phi Long

Kỳ 1: Hào lũy đất phương Nam Kỳ 2: Trấn giữ biên giới

Thủy lộ biên giới

Từ thị xã Châu Đốc, chiếc ghe 80 tấn của Mạnh chạy dọc kênh Vĩnh Tế rồi dừng lại bên bờ kênh có cánh đồng lúa vàng đang mùa thu hoạch ở huyện Tịnh Biên, An Giang. Rời ghe, anh và bà dì lên bờ đi tìm mua lúa cho đầy khẳm chuyến ghe. Sau đó, họ lại ngược ra sông Hậu để chở lúa lên xay xát, bán lại ở thành phố Long Xuyên.

Theo sử sách, từ trước thuở Thoại Ngọc Hầu cho dân quân đào kênh biên hà, vùng này vẫn còn hiểm địa hoang vu, đa số đường sá lúc đó chỉ là những lối mòn băng qua miệt rừng thẳm sình lầy, hoang vu đầy rẫy thú dữ, rắn độc. Đặc biệt, vùng núi rừng biên viễn còn hay có nạn cướp bóc hoành hành. Người dân những khi phải xuyên qua vùng đất hoang thẳm này thường rất bất an. Nhiều người đã không thể trở về. Chính vì vậy, ngoài lý do lập phòng tuyến trấn giữ biên giới, triều đình nhà Nguyễn cho đào con kênh này còn vì mục đích tạo một thủy lộ dài nối miền biển Hà Tiên với vùng núi non Tịnh Biên, Châu Đốc. Việc đi lại, giao thương dễ dàng hơn sẽ tạo thêm điều kiện để khai khẩn vùng đất hoang vu.

"Không có Vĩnh Tế thì sẽ không thể khẩn hoang được đồng lúa bát ngát này. Nước ngọt chở phù sa theo dòng Vĩnh Tế rửa phèn, tưới tắm cho đồng ruộng. Rồi mấy trăm năm nay người dân đi lại, buôn bán cũng bằng đường kênh này"

Mạnh tâm sự rằng anh cũng chẳng biết chính xác mình là thế hệ thứ mấy trong gia đình có truyền thống sống nghiệp gạo chợ nước sông, chỉ nhớ mình đã thay cha bước xuống ghe khi tuổi của cha đã cao. Chuyện đời thương hồ của Mạnh cũng giống như nhiều cư dân bên bờ Vĩnh Tế. Ngày xưa, cha ông họ ở miệt này muốn đi buôn bán chỉ có đường sông là tiện lợi nhất. Theo thủy lộ Vĩnh Tế, họ chở gạo, mắm, nồi đất, đồ đá, vật dụng đan lát của miền núi Thất Sơn và đồng bằng qua buôn bán bên Hà Tiên, rồi lại chở các sản vật của duyên hải lên giao thương với dân trên đây.

Thậm chí nhiều khách thương hồ chỉ chuyên chở than, củi của miệt rừng tràm Tri Tôn, Kiên Lương đi bán cho kẻ chợ Châu Đốc, Hà Tiên cũng đủ kế sinh nhai. Mặt kênh Vĩnh Tế rộng tầm 40m (có chỗ lên đến 60m). Mùa nắng, nước kiệt nên chảy lờ đờ. Mưa xuống, nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về rồi ngày đêm chảy xuôi ra biển. Nhưng mùa nào thì những chiếc ghe thuyền nhỏ của khách thương hồ cũng có thể ngược xuôi dễ dàng trên con kênh có độ sâu 3-4m này.

Ông Nguyễn Văn Trà, cư dân nhiều đời sống dưới dãy núi Thất Sơn, còn kể rành rẽ chuyện buôn bán trên kênh Vĩnh Tế trong thế kỷ 20. 83 tuổi, ông Trà phải bỏ hẳn đời gạo chợ nước sông, nhưng vẫn còn đủ sức chèo xuồng ra đồng nước thả vài dây lưới kiếm ít cá cho cháu chắt ăn. Trong ký ức được truyền lại từ các đời tổ tiên của ông, thuở kênh Vĩnh Tế được đào, một con lộ nhỏ cặp bờ kênh dần hình thành. Rồi người Pháp qua đây cũng mở mang thêm một số con lộ đá cho xe ngựa, xe hơi chạy được.

Tuy nhiên, cư dân ven bờ Vĩnh Tế vẫn chọn thủy lộ thuận tiện này để đi lại, giao thương. Thậm chí, mãi những năm sau 1975 việc ngược xuôi hai miệt Hà Tiên và Châu Đốc vẫn chủ yếu bằng tàu ghe. Bận đầu thế kỷ 20, ông bà nội của ông Trà dùng ghe chở nồi đất miệt huyện Tri Tôn, An Giang đi bán. Rồi họ chở ngược muối từ biển lên sang lại cho các vựa làm mắm cá cũng đủ nuôi dạy một đám con cháu lít chít đông khẳm cả ghe.

Đến đời ông Trà thì chuyển sang đi buôn gạo dọc kênh Vĩnh Tế. Mùa đồng hết lúa, có khi ông chỉ chở nước ngọt bán cho cư dân vùng phèn mặn cũng đủ sống. Thuở đó một ít nhà buôn lớn có tàu máy, còn thương lái nhỏ vẫn miệt mài chèo tay. Chuyến xuôi dòng Vĩnh Tế chảy ra biển họ chỉ đi 2-3 ngày. “Cực nhưng thoải mái lắm. Dân miệt này tốt bụng, thiệt thà như ngọn lau sậy. Chỉ đổi thùng nước ngọt, họ đã quăng cho cả thúng cá đầy nhóc”, ông Trà bồi hồi nhớ lại.

vxPYDRyt.jpgPhóng to

Có đường xe tải nhưng nông dân vẫn cần khách thương hồ Vĩnh Tế-Ảnh: QUỐC VIỆT

Thương khách thời nay

Dỡ neo ghe, chia tay người khách thương hồ già, tôi lại theo ghe Mạnh xuôi miệt lúa Vĩnh Gia của vùng giáp ranh giữa An Giang và Kiên Giang. Lúc này chiếc ghe 80 tấn của Mạnh mới đầy được nửa khoang lúa. Anh còn phải mua thêm 40 tấn nữa rồi ngược về nhà máy xay xát ở Long Xuyên.

Bữa cơm tối đơn sơ với cọng bông súng chấm cá mắm và vài con khô sặt nướng, ai cũng ngon miệng. Mạnh khà ly rượu đế, tâm sự: “Tía tui ngày xưa đi buôn gạo. Tới đời tui cũng theo nghiệp cha. Mỗi năm ba vụ lúa, tui giong ghe buôn ngược xuôi sáu tháng cũng đủ sống lai rai”. Bây giờ lộ xe đã rộng hơn. Đặc biệt, con đường biên giới Châu Đốc - Hà Tiên cũng gần thông suốt. Việc buôn bán hàng hóa qua thủy lộ Vĩnh Tế không còn đa dạng như xưa nhưng nông dân vẫn rất cần ghe buôn. Nông sản chính như lúa ở miệt này chỉ vận chuyển và buôn bán bằng đường thủy là tiện nhất. Và cả những cây lâu năm như tràm, bạch đàn cũng chọn tàu ghe làm phương tiện vận chuyển thuận lợi.

Tôi xuôi dòng Vĩnh Tế trùng thời điểm vụ gặt lúa hè thu cuối tháng 7. Trên đồng tràn ngập lúa. Dưới kênh Vĩnh Tế tấp nập ghe lúa lặc lè ngược xuôi. Ngoài những ghe đậu rải rác bên bờ liền kề đồng lúa, còn những điểm ghe lái đậu san sát nhau như chợ nổi ở gần cầu Hữu Nghị, trung tâm xã An Nông, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều… Không ai tính chính xác mỗi ngày có bao nhiêu lúa của nông dân đã ra chợ theo thủy lộ này, nhưng người ta ước tính vào cao điểm vụ thu hoạch có không dưới 1.000 tấn lúa mỗi ngày được ra chợ theo số tàu ghe đếm sơ bộ qua kênh. Ngoài ăn hàng trên cánh đồng trải dọc đôi bờ, khách thương hồ còn theo các kênh mới đào thông với Vĩnh Tế vào sâu trong nội đồng tứ giác Long Xuyên để mua lúa của nông dân.

Ông Nguyễn Sài, một nông dân ở đồng lúa Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn (An Giang), kể mình là hậu duệ của tiền nhân đã đổ mồ hôi, xương máu đào kênh Vĩnh Tế. Đến giờ ông vẫn nhắc công đức và tầm nhìn lớn của người xưa: “Không có Vĩnh Tế thì sẽ không thể khẩn hoang được đồng lúa bát ngát này. Nước ngọt chở phù sa theo dòng Vĩnh Tế rửa phèn, tưới tắm cho đồng ruộng. Rồi mấy trăm năm nay người dân đi lại, buôn bán cũng bằng đường kênh này”.

Không biết chuyện đời xưa, nhưng thương khách Hồ Văn Hàng ở Lai Vung (Đồng Tháp) lại rành rẽ việc sông nước hôm nay. Anh kể từ tám năm trước anh đã bỏ ruộng, xuống ghe đi buôn gạo trên dòng Vĩnh Tế, giờ nhà anh đã có tổng cộng gần chục người với ba chiếc ghe máy chuyên đi mua lúa trong nội đồng tứ giác Long Xuyên để về bán ở vựa gạo Sa Đéc. Trừ vốn liếng mỗi chuyến hơn 300 triệu đồng, “thương đoàn” Hàng cũng còn lời kha khá cho mỗi thủy trình 3-4 ngày. Anh Hàng vừa tâm sự vừa dõi theo dòng nước Vĩnh Tế đã lặng lẽ che chở và cưu mang bao phận người nơi miền biên viễn.

_______________

Kênh Vĩnh Tế được đào đã mở mang, phát triển nông thương dải đất bên bờ. Tuy nhiên, tứ giác Long Xuyên vẫn còn nhiều diện tích nhiễm phèn mặn nằm sâu bên trong chưa thể khai hoang hoàn toàn. Phải làm sao?

Kỳ tới:Dấu chân lấm bùn của ông Sáu Dân

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên