15/08/2019 13:21 GMT+7

'Tử huyệt' nguồn nước sông Mekong

THU GIANG
THU GIANG

TTO - Dòng Mekong dần trơ đáy. Toàn vùng ĐBSCL đau đáu nỗi lo mất lũ. Và lại thêm những nỗi lo mới về những thiệt thòi cho chăn nuôi thủy sản ở nơi cuối nguồn…

Tử huyệt nguồn nước sông Mekong - Ảnh 1.

Những ao cá đang được đào trái phép ở xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp - Ảnh: THU GIANG

Bên lề hội thảo khoa học diễn ra tại Trường đại học Cần Thơ tuần trước, một giảng viên của trường cho biết chuyện chính quyền địa phương từ nước bạn Campuchia có lời mời nhà khoa học Việt Nam sang hướng dẫn họ nuôi cá tra. Coi như là chuyện bên nước bạn, nhưng nghe xong thì thập phần lo lắng.

Cuộc cạnh tranh mới?

Cũng như chuyện từ nhiều năm trước, các chuyên gia Việt Nam đã qua Campuchia hướng dẫn trồng lúa. Kết quả, đến nay hạt gạo Campuchia được xếp vào hạng gạo ngon nhất thế giới, xuất khẩu sang nhiều nước và vùng lãnh thổ, bao gồm các thị trường khó tính như Mỹ, EU, với giá xuất nhiều thời điểm luôn cao hơn gạo Việt Nam.

Kể ra như vậy không phải để ganh tị với nước bạn. Nhưng lo lắng thì phải có. Bởi với lúa gạo, cạnh tranh chủ yếu ở góc độ thị trường. Nếu nước bạn phát triển ngành nuôi cá tra thì đây thực sự là cú đấm mạnh vào ngành hàng tỉ đô của ĐBSCL. Một cú đấm mà người nuôi cá tra ĐBSCL sẽ không thể giáng trả, bởi đó là cú đấm vào "tử huyệt" của ngành: nguồn nước sông Mekong.

Cá tra Việt Nam nuôi tập trung ở ĐBSCL, dọc bờ sông Tiền và sông Hậu. Dân trong nghề đều biết cá nuôi càng ở vùng sát đầu nguồn thì chất lượng càng tốt, lớn càng nhanh do nguồn nước ít bị ô nhiễm. Nước ở các ao cá vùng đầu nguồn hầu như chưa qua xử lý, thải xuống sông. Các ao cá tra cuối nguồn lấy nước này vô ao nuôi coi như lãnh đủ thiệt thòi.

Tử huyệt nguồn nước sông Mekong - Ảnh 2.

Người dân nuôi cá tra giống tại Đồng Tháp - Ảnh: T.NHƠN

Những lợi thế của vùng nuôi cá tra đầu nguồn ĐBSCL sẽ kéo dài bao lâu nếu Campuchia phát triển ngành hàng này? Thực tế thì từ lâu, ngoài biến đổi khí hậu và chuyện những đập thủy điện, nguồn tài nguyên nước ĐBSCL đã bị đe dọa bởi sản xuất công - nông nghiệp từ các quốc gia thượng nguồn sông Mekong.

Câu chuyện phát triển ngành nuôi cá tra ở Campuchia, nếu có, chắc chắn trở thành giọt nước tràn ly. Nếu người nuôi cá tra nước bạn nuôi theo kiểu của chúng ta lâu nay (tức là vô tư xả nước ra sông), đây là khó khăn không thể tránh với nuôi trồng thủy sản toàn vùng ĐBSCL.

Mình không thương mình thì ai thương?

Nói như vậy không phải để dọa nhau. Thực tế tại ĐBSCL, cách đây chỉ 5 năm thôi, các ao cá tra ở khu vực huyện Tam Nông, Đồng Tháp chính là một phần nguyên nhân làm xóa trắng vùng nuôi tôm càng xanh trên chân ruộng lúa có quy mô 400ha ở huyện này.

Còn hiện tại, như thông tin vừa phát trên Đài truyền hình Đồng Tháp tuần trước, một số "đại gia" cá tra Việt đang lên tuốt xã Thường Thới Hậu A của huyện Hồng Ngự, nơi sát ranh với phía Campuchia, đào ao nuôi cá. Đây là khu vực hành lang thoát lũ, không được làm đê bao. Đào ao nuôi cá ở đây ngoài việc nằm ngoài quy hoạch còn ảnh hưởng đến việc thoát lũ. 

Nhưng vì lợi ích trước mắt, người ta vẫn dịch chuyển về sát biên giới để đào ao, nhằm hứng nguồn nước sạch đầu nguồn để nuôi cá cho nó lành!

Nhưng nguồn nước sạch này còn được bao lâu nếu Campuchia cũng nuôi cá tra? Thời gian gần đây, nhiều người đã tỏ mong muốn Nhà nước cần có thái độ quyết liệt hơn với các quốc gia có đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Trong những khó khăn hiển hiện, về lý, người dân mong các quốc gia này phải có trách nhiệm chia sẻ lợi ích với các quốc gia cuối nguồn, tức là Việt Nam, mà cụ thể là ĐBSCL.

Thế nhưng chúng ta làm thế nào để ngăn cản một cách chính đáng nước bạn Lào xây đập thủy điện dựa vào nguồn tài nguyên nước sông Mekong chảy qua quốc gia của họ, trong khi chính chúng ta lại đang sử dụng bừa bãi nguồn tài nguyên nước sông Mekong chảy qua khu vực ĐBSCL của chúng ta?

Tử huyệt nguồn nước sông Mekong - Ảnh 3.

ĐBSCL là vựa lúa của cả nước - Ảnh: TTO

Đừng nghĩ và nói kiểu "cãi cùn" rằng chúng tôi ở tận cuối nguồn rồi, sự hủy hoại tài nguyên nước ở ĐBSCL không làm ảnh hưởng ai! Thực tế thì chính chúng ta đang làm ảnh hưởng xấu thêm cho chính mình. 

Biến đổi khí hậu, chuyện ở nước bạn gây khó cho mình đã đành, chính mình cũng làm hại mình, hủy hoại nguồn nước của mình. Mình không thương mình thì mong ai thương! Mình ở đây là đồng bào cùng chung sống bên dòng nước sông Cửu Long, nơi cuối nguồn Mekong.

Thuận thiên, trước hết phải thuận lòng người

Thời sự về "nước" trong những ngày đầu của tháng 8 này đã phơi bày một sự thật. Trong lúc lũ cạn ở ĐBSCL và những tác hại của nó còn trong tầm dự báo thì Đà Lạt, Phú Quốc đã ngập. Đắk Lắk lúa ngập vì vỡ đập, còn Phú Yên lúa lại chết khô, phải cắt cho bò ăn. Nơi cần nước thì không có, còn nơi không cần và không ngờ thì nước lại ngập tràn.

Lần giở lại những trang báo cũ, chúng ta sẽ thấy rằng đã có rất nhiều cảnh báo, những bức xúc, kiện tụng xung quanh việc phá rừng tràn lan để trồng cà phê, cao su, xây đập thủy điện, phát triển đô thị... Nhưng tất cả cảnh báo ấy, xung đột ấy đã bị phớt lờ, lãng quên. Đó là phần lớn nguyên nhân của hậu quả ngày hôm nay.

sông mê kông

Sông Mekong chảy qua Vientiane, Lào kiệt nước. Ngoài thời tiết, các đập thủy điện cũng góp phần làm kiệt nước ở hạ lưu. Ảnh nhỏ: đập thủy điện Nậm Khan, Lào - Ảnh K.S.

ĐBSCL cũng vậy. Nếu như những ao cá, vườn cây, ruộng lúa được quản lý nghiêm ngặt về môi trường ngay từ đầu thì ngày nay đâu ai lại phải lo gạo Việt Nam, mai mốt đây là cá tra Việt Nam không cạnh tranh lại với gạo, cá nước bạn.

Không có xung đột giữa các ngành hàng nuôi trồng. Chủ ao cá không xích mích với chủ vuông tôm, ruộng lúa. Mình phải thương lấy chính mình. Đó chính là hướng phát triển bền vững dựa vào thuận lòng người. ĐBSCL sống thuận thiên, trước hết phải thuận lòng người.

Rùng mình nhìn sông Mekong cạn nước

TTO - Những ngày qua, nhiều người đã rùng mình khi nhìn thấy hình ảnh dòng sông Mekong tại Thái Lan cạn kiệt nước.


THU GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên