Khán giả đến cụm rạp CGV tại Pearl Plaza (Q.Bình Thạnh) mua vé xem các phim dán nhãn 16+ như Chạy đi rồi tính, Vệ sĩ Sài Gòn, Sát thủ bóng đêm... vào tối 31-12 - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Ở đa số các thị trường điện ảnh trên thế giới, việc phân loại phim theo độ tuổi không phải là chuyện xa lạ, nhưng tại cường quốc điện ảnh Mỹ thì phân loại phim phải đến tháng 11-1968 mới được thực thi.
Và nếu như Mỹ đưa ra quy định để người xem, rạp chiếu tự quyết định thì quy định phân loại phim theo độ tuổi ở VN sẽ là căn cứ cho Hội đồng thẩm định phim quốc gia khi duyệt phim để cấp phép phổ biến sẽ đồng thời dán nhãn cho phim.
Để kiểm soát một cách hiệu quả nhất với các phim có dán nhãn C16 và C18, CGV sẽ yêu cầu khán giả phải xuất trình chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc thẻ học sinh - sinh viên |
Ông VƯƠNG THẾ PHONG (đại diện cụm rạp CGV) |
Nhận diện 4 mức độ của nhãn phim
Bảng tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi vừa được Bộ VH-TT&DL thông qua có hai mức phân loại mới là C13 và C18 so với trước đây chỉ có P và C16.
Loại P - được hiểu là dành cho mọi đối tượng. Loại P quy định phim không được phản giáo dục, hạn chế cao nhất các nội dung: bạo lực - khỏa thân, tình dục - ma túy và các chất kích thích - hình ảnh âm thanh kinh dị - ngôn ngữ thô tục.
Loại C13 - được hiểu là dành cho khán giả trên 13 tuổi. Ngoài những hạn chế như loại P kể trên, C13 còn không được có nội dung phim khiến nhận thức trẻ em từ 13-15 tuổi bị lệch lạc, nhầm lẫn, tâm lý xáo trộn hoặc rơi vào tình trạng lo sợ, trầm cảm, bi quan, buồn chán, phản ánh dung túng hành vi tội phạm bạo lực hay lối sống buông thả của trẻ em vị thành niên.
Loại C16 với yêu cầu chủ đề nội dung phim hợp với người trưởng thành (trên 16 tuổi). Với các hạn chế như ở hai mức độ P và C13 thì loại C16 khuyến cáo kỹ hơn và... thoáng hơn khi bạo lực thì không chấp nhận đặc tả kéo dài thường xuyên... Riêng phần khỏa thân tình dục thì quy định này có thêm ý “thoáng” hơn khi chấp nhận “khỏa thân phía sau của nam và nữ, khỏa thân phần trên phía trước của nữ không liên quan đến tình dục, không có hình xăm phản cảm”!
Loại C18, đây là quy định “khác hẳn” so với luật Mỹ vì Mỹ cũng chỉ dừng ở NC17, sau 17 tuổi có lẽ với người Mỹ là đủ để nhận thức mọi hành vi, nhưng ta thì... chưa? Loại C18 chấp nhận phim có chủ đề khai thác vấn đề nhạy cảm của người lớn, hành vi bạo lực vẫn bị hạn chế và riêng phần khỏa thân tình dục thì nhấn mạnh “không chấp nhận hình ảnh khỏa thân toàn phần, trừ trường hợp hình ảnh khỏa thân toàn phần đó phù hợp với nội dung phim, không miêu tả chi tiết các bộ phận sinh dục, không có hình xăm phản cảm, không có thời lượng kéo dài...”.
Nhà làm phim vui - rạp có buồn?
Khi chưa có một bảng phân loại cụ thể như hiện tại, đã có không ít phim Việt và phim nước ngoài không được cấp phép phổ biến tại VN. Nếu như cấm phổ biến là mức án nặng nhất đối với số phận một bộ phim sau khi hoàn thành thì việc yêu cầu chỉnh sửa nội dung hình ảnh của phim dường như đã thành chuyện “cơm bữa”. Hầu hết các phim hay kịch bản (đối với dự án phim có yếu tố nước ngoài) khi trình duyệt đều nhận được yêu cầu chỉnh sửa từ Hội đồng thẩm định phim quốc gia. Sửa ít hoặc nhiều đôi khi lại thuộc về... may mắn.
Mùa Tết dương lịch năm nay, trong số 13 phim chiếu ngoài rạp hiện tại chỉ có bốn phim là không cấm người dưới 16 tuổi, đó là phim hoạt hình Đấu trường âm nhạc, phim ca nhạc La La Land, phim huyền thoại Sự hồi sinh Shin Godzilla và Chờ em đến ngày mai (phim Việt). Thậm chí, theo một số nhà làm phim thì phim Ba vợ lấy vợ ba đã ghi vào “lịch sử điện ảnh” trở thành phim đầu tiên có Hoài Linh mà bị dán nhãn NC16! |
Thế nên không ngạc nhiên khi tâm lý chung của các nhà làm phim là vui vẻ chờ đợi bảng phân loại độ tuổi xem phim ở VN thành hiện thực. Nhưng câu hỏi đặt ra là khi quy định sẽ áp dụng từ phía hội đồng thẩm định khi duyệt phim, còn các rạp sẽ thực thi ra sao?
Đấu trường âm nhạc là một trong 4 phim 'may mắn' hơn 9 phim đang chiếu hiện tại khi không bị dán nhãn NC16 |
Ông Vương Thế Phong - đại diện cụm rạp CGV - chia sẻ khi PV Tuổi Trẻ “chất vấn” rằng liệu rạp có dám “tự hạn chế” mình?: “Chúng tôi đương nhiên sẽ phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Cục Điện ảnh về việc phổ biến - phát hành phim tại rạp. Để kiểm soát một cách hiệu quả nhất với các phim có dán nhãn C16 và C18, CGV sẽ yêu cầu khán giả phải xuất trình chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc thẻ học sinh - sinh viên”.
Là nói vậy, nhưng trước đây không hiếm các trường hợp phim dán nhãn NC16 nhưng quản lý ở một số rạp vẫn để lọt trẻ em vì cả nể khi đi theo gia đình, hoặc đôi khi vì lý do “mềm” hơn: trẻ em lớn nhanh quá, dưới 16 mà nhìn như 17, 18 rồi!
Trông chờ ở ý thức văn minh của mỗi khán giả ở ta hiện tại e là khó. Thậm chí có một tâm lý càng... cấm càng thích kéo đông đi xem (thế nên quảng bá phim hiệu quả nhất đôi khi lại là những xìcăngđan xấu xí...). Đến rạp không cho xem thì... đi về.
Xem phim không phù hợp, rạp chưa bị sao, khán giả càng chưa bị sao ngoài “vài ba cái lẻ tẻ” kể trên. Thế nên không ít nghi ngại rằng quy định phân loại xem phim theo độ tuổi cũng chỉ là quy định cho có, rộng cửa cho phim nhưng khó mà hẹp cửa với người xem!
Nếu như Mỹ có năm mức là G, PG, PG-13, R, NC-17 thì VN ít hơn khi chỉ có: P, C13, C16 và C18! Một số bản dự thảo phân loại ban đầu của VN thậm chí có cả loại C20 và có sự phân biệt giới tính khi nêu rõ cấm cảnh làm tình đồng giới! Cũng có thể tham khảo các mức độ phân loại ở các nước khác ví dụ như: Hàn Quốc năm mức độ gồm phổ biến, C12, C15, giới hạn thiếu niên và giới hạn (giới hạn loại rạp chiếu, giới hạn đối tượng khán giả). Philippines có hẳn sáu mức gồm: G, PG, R13, R16, R18 và X (tương tự mức giới hạn của Hàn Quốc). Hong Kong có bốn mức gồm: I, IIA, IIB và III, riêng mức III được quản lý chặt chẽ, người xem phim cũng như người bán vé sẽ bị xử lý theo pháp luật nếu cho phép người dưới 18 tuổi vào rạp. Riêng Trung Quốc không quy định về phân loại độ tuổi mà chỉ có hai mức: được phổ biến hoặc bị cấm phổ biến. |
Việc phân loại 18+ (C18) chưa từng có tiền lệ ở VN nhưng đã thành thông lệ từ lâu của nhiều điện ảnh phát triển rồi. Mức 18+ thường đã là mức tối đa ở một số nước mà ở đó, độ nặng của các cảnh nhạy cảm (bạo lực, tình dục, những cảnh gây sợ hãi, ghê tởm...) đã bỏ xa các giới hạn thông thường. Khi một phim gắn nhãn 18+ thì không chỉ khán giả dưới 18 tuổi không được xem mà nó đồng thời cũng cảnh báo khán giả trên 18 rằng nếu biên độ cảm xúc và khả năng tiếp nhận những cảnh gây sốc của họ không cao thì cũng chẳng nên xem. Về phía đạo diễn và nhà sản xuất, chấp nhận dán nhãn 18+ nghĩa là chấp nhận hạn chế bớt khán giả của phim để đổi lại tính toàn vẹn của tác phẩm, vì với nhãn 18+ thì mọi cảnh dù nhạy cảm, gây sốc đến đâu đều được giữ nguyên... Vì vậy, câu hỏi lớn nhất từ phía các nhà làm phim Việt như tôi là khi mức phân loại 18+ được áp dụng, thì việc cắt phim có còn được áp dụng nữa hay không? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận