Khả năng tự học cần phải có những kỹ năng cơ bản, tính kiên trì và kỷ luật cao - Ảnh: WikiHow |
Sự hiếu kỳ là "ngòi châm lửa" cho mọi sự học
1. Duy trì tính hiếu kỳ
Tinh hiếu kỳ là động lực chính thúc đẩy sự phát triển trong quá trình học tập. Hãy đặt câu hỏi thật nhiều với bất kỳ điều gì khiến bạn tò mò hoặc chưa sáng tỏ. Việc này giúp bạn nuôi dưỡng tính hiếu kỳ, luôn muốn khám phá thế giới xung quanh và thực sự mở mang hiểu biết.
Tự đặt ra câu hỏi và đi tìm câu trả lời là cách duy trì tính hiếu kỳ, một đức tính cần để tiến xa trong việc học tập và nghiên cứu - Ảnh: WikiHow |
Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng đặt ra câu hỏi quá nhiều với mọi người xung quanh có thể khiến họ cảm thấy khó chịu, đặc biệt là những người chưa có câu trả lời cho bạn.
Vậy nên, cách tốt nhất bạn tự dấn thân vào con đường tìm kiếm chân lý và làm phong phú kiến thức cho chính mình.
2. Đọc sách và xem phim tài liệu
Bạn nên cố gắng mở rộng suy nghĩ của mình bằng cách tìm hiểu cách mà những người khác nghĩ, nhận thức và hiểu về một vấn đề mà bạn cũng đang quan tâm.
Thay vì ngồi hàng giờ xem phim tình cảm lãng mạn hoặc hài kịch, bạn nên dành chút thời gian để xem phim tài liệu về lịch sử, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ.
Đọc sách hay xem phim tài liệu là một hình thức vừa học vừa thư giãn - Ảnh: WikiHow |
Sinh động hơn, ví dụ nếu bạn đam mê về xe hơi, tại sao không thử đến tham quan bảo tàng xe, xem bản tin, đọc tạp chí về xe, tìm hiểu lịch sử, sự phát triển, những công nghệ tân tiến, thiết kế ấn tượng trong ngành công nghiệp xe bốn bánh.Tương tự, hãy thay truyện tranh giải trí bằng việc tập thói quen đọc các tài liệu nghiên cứu khoa học, sách mang tính học thuật hoặc tiểu thuyết văn học.
Nâng cao kiến thức cơ bản
1. Đọc tài liệu ngoại văn và mở rộng vốn từ vựng
Rất nhiều bộ sách, tài liệu có giá trị học thuật cao được dịch ra thứ ngôn ngữ chung là tiếng Anh. Nếu biết thêm nhiều ngôn ngữ khác, bạn vẫn được khuyến khích đọc để phục vụ cho tri thức của mình. Bạn đừng nên chỉ giới hạn đọc các tài liệu, bộ sách thuộc phạm vi ngôn ngữ mẹ đẻ.
Những tác giả đến từ nhiều nền văn hóa, văn minh khác nhau sẽ cho ra đời những cuốn sách mang màu sắc và quan điểm phong phú - Ảnh: WikiHow |
Bằng việc đọc sách từ những tác giả đến từ những nền văn hóa khác nhau, có quan điểm khác nhau, kiến thức của bạn cũng được mở rộng một cách đa diện nhiều chiều, sâu sắc và phong phú hơn là chỉ trung thành với một ngôn ngữ hay một tác giả.
Và đương nhiên, đọc sách ngoại văn cũng là một quá trình học ngôn ngữ vô cùng bổ ích.
2. Không phụ thuộc vào trường lớp, giáo viên
Tại trường lớp, bạn được cung cấp các kiến thức nền tảng, cơ bản. Giáo viên không thể có đủ thời gian để dạy nhiều hơn cho học sinh, sinh viên.
Chính vì thế, tự bản thân biết mở rộng, nâng cao kiến thức dựa trên tảng kiến thức cơ bản sẽ giúp bạn tạo ra sự khác biệt so với bạn bè trong lớp, giúp giáo viên phân loại học sinh của mình. Đừng quá bị động và phụ thuộc quá nhiều vào trường học và giáo viên mà chỉ học những gì được dạy, được giao.
Việc tự học thêm bên ngoài giờ học trên lớp sẽ giúp bạn tạo ra sự khác biệt so với bạn bè mình - Ảnh: WikiHow |
Đây còn là một cách để người học tự đánh giá được năng lực của bản thân và tiến xa hơn họ tưởng. Ngoài ra, những bài tập nâng cao hay những buổi thực hành được xem là một hình thức học tập mang lại nhiều thử thách cho chính bản thân người học. Nó sẽ thú vị hơn nhiều so với những bài học ban đầu.
3. Đọc sách hằng ngày
Không phải tự nhiên mà sách được ví với "túi khôn" của nhân loại. Đọc sách lịch sử về một vấn đề mà bạn đang quan tâm hoặc lịch sử về các nền văn hóa trên thế giới là một cách học quan trọng. Bởi, hiểu về quá khứ là chìa khóa quan trọng để bạn tiếp thu các thành tựu hiện đại. Đó cũng là lý do vì sao khi học bất kỳ một môn học nào, đặc biệt là bậc đại học, bài học đầu tiên mà các bạn được dạy là nói sơ lược về lịch sử ra đời và phát triển của môn học hoặc ngành học đó.
Hiểu về quá khứ là chìa khóa để tiếp cận tương lai - Ảnh: WikiHow |
Ngoài tạo ra thói quen đọc sách bổ ích, đọc sách hằng ngày giúp bạn mở mang kiến thức, duy trì tính kiên trì, sự hiếu kỳ với kiến thức và giúp não bộ liên tục hoạt động.
4. Kỷ luật với bản thân
Nguyên tắc vàng đối với những người muốn phát triển khả năng tự học chính là tính kỷ luật cao.
Tự học cũng nên có một thời khóa biểu rõ ràng để đảm bảo kỷ luật và hiệu quả học tập - Ảnh: WikiHow |
Bởi lẽ, tự học là vấn đề riêng của mỗi người, không có giáo án, không có người giảng dạy, không có quy định thời gian cũng như không có giới hạn hay chuẩn mực nào để đánh giá, kiểm tra. Vậy nên, tính kỷ luật và sự tự giác càng cao, hiệu quả học tập càng lớn.
Học nhóm
1. Xây dựng môi trường học
Có rất nhiều cách để tạo cho mình môi trường tự học mà không gây nhàm chán. Bạn có thể đăng ký vào các khóa học với môn hoặc ngành học yêu thích, tham gia các buổi hội thảo, đến triển lãm, đi bảo tàng, thư viện, lập nhóm tự học trực tuyến hoặc quy tụ những người bạn có cùng mục đích học tập giống mình.
Thay vì học tập theo thời khóa biểu với thầy cô ở trường, bạn hãy dành thời gian để lắng nghe những câu chuyện và kinh nghiệm của người lớn tuổi, những người có trải qua quá trình tự học.
2. Lắng nghe lời khuyên của người có kinh nghiệm
Những bậc tiền bối sẽ cho bạn biết những mẹo học và chỉ ra một vài kho tàng kiến thức quý hiếm mà bạn có thể chưa từng nghe qua - Ảnh: WikiHow |
Ở những người này, bạn có thể học thêm được nhiều mẹo học tập có ích, những cuốn sách cổ quý giá hay những bậc thầy mà bạn có thể đến để thỉnh giáo.
3. Học trực tuyến
Trong thời đại công nghệ có mặt ở mọi nơi, bạn có thể tận dụng việc học trực tuyến trên bất kỳ thiết bị nào. Đây là một tài nguyên học tập vô hạn, tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian học tập.
Tận dụng công nghệ để học tập là một phương pháp thông minh và tiết kiệm - Ảnh: WikiHow |
Thậm chí nếu chịu khó săn tìm, bạn sẽ tìm thấy những khóa học miễn phí từ xa phù hợp với nhu cầu cá nhân của bạn.
Qua các lớp học trực tuyến, bạn cũng có thể tìm kiếm được thêm những người bạn có cùng sở thích và mục đích học tập với mình.
4. Quan sát thói quen và hành vi cuả người học cao
Những người tự học thường có những thói quen như sau: thường xuyên ghi chép sổ tay, luôn lắng nghe, quan sát kỹ, đến thư viện hoặc hội thảo chuyên đề, đọc sách báo nhiều...
Thường xuyên ghi chép sổ tay, luôn lắng nghe, quan sát kỹ, đến thư viện hoặc hội thảo chuyên đề, đọc sách báo nhiều và có tư duy phản biện là biểu hiện của những người học cao - Ảnh: WikiHow |
5. Tìm người truyền cảm hứng
Quan trọng, nếu có cơ hội, bạn nên học tập ở những người này cách tư duy logic cho một vấn đề, làm sao ghi chép nhanh được những ý chính, cách phản biện và đặt câu hỏi... Đây là những kỹ năng mà những người tự học hay học dưới sự hướng dẫn của giáo viên đều phải có và phải rèn luyện trong suốt quá trình học tập. Bởi, nếu thuần thục được các kỹ năng này, bạn có thể ứng dụng để tự học tất cả những kiến thức nào mà mình theo đuổi.
Hình mẫu truyền cảm hứng cho bạn là người hỗ trợ bạn trong việc định hướng và duy trì sự bền bỉ trong học tập - Ảnh: WikiHow |
Người truyền cảm hứng học tập cho mọi người thường là những vị lãnh đạo trong giới chính trị, doanh nhân thành đạt, nhà khoa học hoặc bất kỳ ai, miễn là họ khiến bạn phải chú ý lắng nghe, muốn được trở thành người giống họ, bắt chước việc làm của họ và luôn nghĩ đến họ mỗi khi việc học làm bạn cảm thấy mệt mỏi và không có lối thoát.
Biết vận dụng kiến thức tự học
1. Ứng dụng thực tế
Không phân biệt kiến thức học từ người khác hay kiến thức tự học, giá trị của kiến thức phải được thể hiện qua hành động hoặc sản phẩm. Vì thế để tự đánh giá được thành tựu học tập của mình, bạn nên tìm cách đưa các kiến thức đã học vào cuộc sống.
Kiến thức tự học có giá trị khi bạn biết ứng dựng vào cuộc sống - Ảnh: WikiHow |
2. Chia sẻ kiến thức cho mọi người
Để giúp đỡ các thế hệ sau có thể phát triển được khả năng tự học, bạn nên tích cực chia sẻ kiến thức cũng như phương pháp và mẹo học của mình.
Nếu việc tự học khiến bạn dễ nản chí và nhanh bỏ cuộc, hãy lập ra một nhóm để mọi người cùng thảo luận, động viên và nhắc nhở nhau - Ảnh: WikiHow |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận