Vở Hẻm nhỏ Sài Gòn - Ảnh: Gia Tiến
Cả hai vở đều công diễn vào ngày 28-1 và phục vụ khán giả suốt mùa kịch Tết Mậu Tuất.
Từ hẻm tới... ngã tư!
Đã khá lâu, Nhà hát kịch TP.HCM mới giới thiệu đến khán giả vở kịch mới: Hẻm nhỏ Sài Gòn (tác giả: Vương Huyền Cơ) với bàn tay dàn dựng của đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu.
Ngay khi vừa phúc khảo, vở đã tạo được cảm tình với một câu chuyện dung dị nhưng vẫn nóng bỏng tính thời sự.
Chuyện xảy ra ở cái hẻm ngay trung tâm Sài Gòn. Khu đất rộng lớn ở hẻm nhỏ đó thuộc mảnh đất có tuổi đời cả trăm năm của gia đình ông Bình (Anh Tuấn đóng). Ông Bình được mọi người kính trọng vì sống đức độ, giản dị và nhơn nghĩa với dân tứ xứ.
Ông cho cô Ngọc mượn đất bán quán cà phê cóc nuôi chồng bị bệnh nặng; giúp chú Mười chiếc xe để chạy xe ôm; cho Tài bolero mượn tiền để mua dàn loa bán kẹo kéo và thỏa mãn đam mê ca hát...
Trích đoạn trong vở kịch "Sài Gòn có một ngã tư" - Video: GIA TIẾN
Vở Sài Gòn có một ngã tư có sự tham gia của các diễn viên: NSƯT Thành Hội, Ái Như, Hoàng Vân Anh, Đoàn Thanh Tài, Bảo Anh, Ngọc Duyên, Thái Quốc, Thế Hải, Công Hiển, Khánh Vân... "Diễn viên chó" trong vở diễn là con chó cưng tên thường gọi là CoCa, được gia đình nghệ sĩ Ái Như nuôi mấy năm nay.
Còn vở Hẻm nhỏ Sài Gòn có sự góp mặt của các diễn viên: Anh Tuấn, Thái Kim Tùng, Mai Phương, Thanh Tuấn, Lê Vinh...
Một ngày, tổng giám đốc một công ty xây dựng đến thương lượng mua lại mảnh đất nhà ông Bình để giải tỏa xây dựng cao ốc và trung tâm thương mại. Liệu ông Bình có đồng ý và chuyện gì sẽ xảy ra với hẻm nhỏ?
Sài Gòn có một ngã tư (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: NSƯT Thành Hội) của sân khấu Hoàng Thái Thanh là vở diễn được cảm tác từ truyện ngắn Ừ đi. Ừ! của nhà văn Trần Kim Trắc.
Vở xoay quanh những mảnh đời ở cái ngã tư Quốc tế ồn ào, nhộn nhạo của Sài Gòn.
Ngã tư đó có cô Thanh xinh đẹp làm nghề hốt rác.
Thanh yêu Nhành - anh chàng giác hơi dạo - nhưng bị ông Thông chạy xe ba gác (cha Nhành) phản đối vì trong quá khứ Thanh làm nghề bán thân.
Ông Thông có con chó kiểng với cái tên kêu thiệt kêu Lý Lệ Hoa mà ông cưng như vàng ngọc. Một ngày, tự nhiên Lý Lệ Hoa biến mất, ông Thông buồn đứt ruột và lôi Nhành - Thanh ra mà tru tréo vì cho rằng tụi nhỏ toa rập bắt mất con chó của ông. Để mong được ông Thông thương, Thanh đã có một quyết định bất ngờ...
Vở Sài Gòn có một ngã tư - Ảnh: Gia Tiến
Rưng rưng nghĩa tình
Hai vở diễn là những lát cắt hết sức yêu thương về Sài Gòn, con người Sài Gòn. Người Sài Gòn bộc trực, nghĩa khí và rất tình cảm.
Cũng có những lúc họ nhỏ nhen, ích kỷ nhưng gặp chuyện sẽ cùng chung tay sẻ chia, giúp đỡ... Thương thiệt là thương khi trên sân khấu vở Hẻm nhỏ Sài Gòn có những góc nhỏ chúng ta đã gặp hay nghe đến.
Này là trà đá miễn phí, kia là quần áo miễn phí, bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật hoặc như quán cơm nghĩa tình của anh Võ với slogan hết sức dí dỏm: "Cơm tình nghĩa, tỉa một nghìn".
Anh Võ (Thanh Tuấn đóng) từ Bến Tre lên Sài Gòn, chẳng giàu có hơn ai nhưng mở quán cơm từ thiện. Nóng tính, ăn nói thẳng đuột, thấy bọn đầu gấu lường gạt cô Thắm từ ngoài Bắc mới lớ ngớ vào, anh xách dao rượt chúng chạy trối chết.
Võ làm việc nghĩa với suy nghĩ rất chân thành: "Làm việc thiện không cần ai biết, chỉ cần tâm mình biết là được!".
Trích đoạn trong vở kịch "Hẻm nhỏ Sài Gòn" - Video: GIA TIẾN
Không chỉ khiến người ta rưng rưng với sự chân thành, nhân văn của người Sài Gòn, Hẻm nhỏ Sài Gòn còn khiến người ta nhói lòng với thực trạng của Sài Gòn hôm nay. Đi cùng với sự phát triển là những giá trị xưa cũ, những di sản của Sài Gòn đang dần mất đi.
Như bao người yêu thương mảnh đất Sài Gòn, ông Bình luôn đau đáu và trăn trở: "Tại sao cứ phải xây những ngôi nhà cao tầng rỗng tuếch để di sản Sài Gòn đang dần mất đi. Ai sẽ là người ngăn chặn những việc này?".
Sài Gòn có một ngã tư lại là nỗi niềm của thân phận con người gần như dưới đáy xã hội. Ở đó có những nghiệt ngã cuộc đời nhưng vẫn song hành sự chân thành, hướng thiện hóa giải những khổ đau.
Đất Sài Gòn có lẽ là nơi tập trung dân tứ xứ đông nhất cả nước nên đầy rẫy sự phức tạp và xô bồ. Nhưng đất và người nơi đây bao dung và nhân ái. Xem kịch để rồi thấy thêm yêu và trân trọng mảnh đất mình đang sống, dù ta có là dân Sài Gòn chính gốc hay là người nhập cư.
Diễn lại vở Xử án Phi Giao
Ngọc Huyền trong vở Xử án Phi Giao - Ảnh: Duyên Phan
Sau đêm diễn nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả tối 23-12-2017 tại nhà hát Hòa Bình, NSƯT Kim Tử Long đã quyết định diễn lại vở Xử án Phi Giao tối 25-1 tại nhà hát Quân Đội (Q.Tân Bình, TP.HCM).
NSƯT Kim Tử Long cho hay vở sẽ giữ nguyên lực lượng nghệ sĩ đã tham gia hồi cuối năm 2017, gồm: Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Trinh Trinh, Thanh Hằng, Linh Tâm, Trường Sơn, Kim Tiểu Long, Điền Trung, bé Kim Thư...
Riêng phần phục trang, nghệ sĩ Kim Tử Long chia sẻ: "Do nhà thiết kế trước đây bận sô không hỗ trợ được phần trang phục đã gây ấn tượng trong đêm diễn đầu tiên nên lần này chúng tôi phải gấp rút may mới 14 bộ trang phục cho Phi Giao, hoàng đế Anh Tôn và hoàng hậu Ngọc Dung". Dự kiến vào tháng 3-2018, NSƯT Kim Tử Long sẽ đưa vở lưu diễn đến khán giả Đà Nẵng và Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận