Tổng kết cuộc thi viết ngắn "Sài Gòn - TP.HCM: Kỷ niệm không quên":
Phóng to |
Đường phố Sài Gòn nhộn nhịp trong những ngày kỷ niệm 30-4 - Ảnh: T.T.D. |
Và tôi nhìn các đồng nghiệp chung quanh tôi, những người hàng xóm trong tổ dân phố…, thú vị nhận ra rằng có đốt đuốc ban ngày cũng khó lòng kiếm được một người “Sài Gòn gốc” từ thời ông bà, cha mẹ (vậy tại sao bây giờ chúng ta cứ quá khó khăn với người nhập cư thế nhỉ?).
Đất lành chim đậu. Từ miền Bắc, miền Trung, miền Đông, lục tỉnh…, triệu người đã đổ về đây để làm nên thành phố này, yêu thương và sống chết với nó. Lối sống - phong cách - cá tính - giọng nói của từng vùng miền đều khác nhau, nhưng đã về ở đây rồi thì tất cả cùng rất dễ dàng tìm được cái chung, trở thành những con người thích học, thích làm, thích chơi, thích cái mới, thích giúp đỡ nhau, đã vào cuộc là luôn hăng say, năng động, làm cho ra chuyện.
54 tuổi, tôi có một thú sưu tầm hơi lạ thường là thích được chạy xe vào mọi ngõ hẻm ở Sài Gòn. Tôi đã chạy được không biết cơ man là con hẻm, có những chỗ chẳng khác gì ma trận, toát mồ hôi mới tìm được đường ra. Hấp dẫn nhất là chẳng con hẻm nào giống con hẻm nào. Và lạ lùng hơn, cũng cùng một con hẻm, lâu lâu chạy vào thì lại thấy đã khác hẳn. Sài Gòn muôn mặt là vậy.
Hơn 500 bài dự thi “Sài Gòn - TP.HCM: kỷ niệm không quên” (kể cả những bài dự thi trễ hạn) như “500 con hẻm” càng giúp tôi hiểu thêm về sự muôn mặt của Sài Gòn, cho tôi hiểu rằng mình sẽ… không bao giờ hiểu hết về vùng đất này.
Những bài dự thi viết về cha, mẹ trong các cuộc thi trước đây thường ít nhiều có một vài điểm chung, điều tôi không hề thấy trong các bài thi viết về Sài Gòn: mỗi người, từ cuộc sống, góc nhìn, chỗ đứng của mình, đã đưa ra một ký ức riêng - không ai giống ai - về thành phố này.
Toàn bộ cuộc thi đã tạo nên một bức tranh độc đáo đầy màu sắc về một thành phố mà nét hấp dẫn nhất chính là từ sự lộn xộn về nguồn gốc và luôn luôn đổi thay, ngày mai sẽ khác hôm nay.
Xóm lao động, Đò xưa nhà cũ, Bên kia cầu Chữ Y, Bánh bèo kỷ niệm, Sài Gòn - những tấm thiệp, Ký ức về một công viên… là những bài viết về sự đổi thay như thế.
Thật kỳ lạ cái tâm lý của người Sài Gòn: luôn thích thay đổi mới hơn đẹp hơn mà lại luôn hoài niệm về những cái đẹp cũ kỹ đã mất đi. Thì ra thích mới nhưng vẫn trung thành với những chân giá trị, có mới mà không hề nới cũ, không quên truyền thống…
Từ cuộc thi còn hiện ra một Sài Gòn bộc trực luôn sẵn sàng đấu tranh chống bất công, ngoại xâm và chiến đấu đến cùng cho lý tưởng (Chiếc xe thổ mộ và nỗi ngậm ngùi, Một người chị, Một kỷ niệm đáng nhớ, Bây giờ chị ở đâu?, Đây là Đài truyền hình giải phóng…), một Sài Gòn đầy tình thương và trách nhiệm, luôn sẵn sàng cưu mang giúp đỡ nhau (Dì Chín, Cúng cô hồn, Món nợ hàn vi, Tuổi thanh xuân…), một Sài Gòn luôn biết làm ăn nhạy bén, năng động ngay từ tuổi trẻ (Người đồng nghiệp nhỏ…)… Sài Gòn của tôi, quả nhiên là lợi hại!
Càng đọc càng tự hào mình là người Sài Gòn, càng thấy mình phải làm gì hơn nữa để xứng đáng với thương hiệu mà tiền nhân từ khắp mọi miền đã về đây trần thân xây dựng trong hơn 300 năm để trở thành một nơi chốn đầy kỷ niệm không quên của hàng triệu người.
Kết quả cuộc thi viết ngắn "Sài Gòn - TP.HCM: Kỷ niệm không quên" Phát động từ đầu tháng 11-2004 đến 31-1-2005, cuộc thi viết ngắn “Sài Gòn - TP.HCM: kỷ niệm không quên” đã nhận được 294 bài tham dự (chỉ tính đến ngày 31-1-2005, là ngày hết hạn nhận bài theo thể lệ cuộc thi). Khoảng 30 bài đã được chọn đăng hằng tuần trên Tuổi Trẻ số thứ tư và TTCN trong ba tháng qua. Vào ngày 9-4-2005, ban chung khảo đã họp và quyết định kết quả như sau: Giải 1 (8.000.000đ): bài dự thi Xóm lao động - tác giả: Duy Nguyên (TP.HCM) Giải 2 (5.000.000đ): - Đò xưa nhà cũ (Nguyễn Ngọc Tuyết - TP Cần Thơ)- Người đồng nghiệp nhỏ (Tạ Thị Ngọc Thảo - TP.HCM) Giải 3 (3.000.000đ): - Món nợ hàn vi (Trân Châu - TP.HCM)- Chiếc xe thổ mộ và nỗi ngậm ngùi (Mai Phương - TP.HCM)- Sài Gòn - những tấm thiệp (Nguyễn Ngọc Hà - TP.HCM) Giải khuyến khích (1.000.000đ): - Tuổi thanh xuân (Hạnh Chi - TP.HCM)- Một người chị (Nguyễn Thị Hường - TP.HCM)- Một kỷ niệm đáng nhớ (Nguyễn Hữu Đức - TP.HCM)- Bây giờ chị ở đâu? (Nguyễn Minh Hòa - TP.HCM)- Bên kia cầu Chữ Y (Huỳnh Ngọc Nga - Torino, Ý)- Bánh bèo kỷ niệm (Bội Ngọc - TP.HCM)- Đây là Đài truyền hình giải phóng (Hồ Mỹ Hạnh - TP.HCM)- Dì Chín (Trần Văn Luyện - Đồng Nai)- Ký ức về một công viên (Cẩm Minh - TP.HCM)- Cúng cô hồn (Thiện Ngân - TP.HCM) Xin mời các tác giả ở TP.HCM vui lòng đến nhận giải tại văn phòng báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận), gặp cô Lê Thị Cúc (từ ngày 6-5). Riêng các tác giả ở xa, tòa soạn sẽ chuyển giải thưởng qua đường bưu điện. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận