19/05/2015 07:52 GMT+7

Tự hào đứng trước Bác

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Hôm qua 18-5, còn một ngày nữa đến sinh nhật Bác, khu công viên tượng đài Bác Hồ trước UBND TP.HCM ấm áp, rộn ràng.

Cùng ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng bên tượng đài Bác Hồ tại TP.HCM  Ảnh: T.THẮNG
Cùng ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng bên tượng đài Bác Hồ tại TP.HCM - Ảnh: T.Thắng

Xen giữa rất nhiều đoàn cán bộ, công chức vào dâng hương, dâng hoa, còn có những người dân từ nhiều nơi cùng về bên Bác, để kể với Bác những câu chuyện rất riêng của mình.

Người đọc thơ bên tượng đài Bác Hồ

Trưa nắng gắt. Gần bên tượng Bác có một phụ nữ mặc áo dài đỏ tần ngần lục giỏ lấy ra tờ giấy nhỏ. Ở đó có một bài thơ. Bà cất giọng đọc:

“Thề nguyền trước Đảng mấy lời
Đến nay năm chục năm rồi vẫn nguyên...
Khi trong kháng chiến âm thầm
Lái thuyền vượt sóng giữa tầm đạn rơi
Hòa bình “mồi kéo chuột lôi”
Đấu tranh tham nhũng những nơi đã làm
Mình như hạt gạo lọt sàng
Xuống nia rồi lại đem sang cối chày
Đớn đau quá mức dạn dày
Tróc da trầy thịt gạo này trắng tinh...”

Đọc xong bài thơ, bà thành kính đặt tấm bằng và một bó hoa tươi dưới chân tượng Bác. Trên tấm bằng có dòng chữ “Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - đảng viên Phạm Thị Các, phường Cầu Kho, quận 1”.

Bà Các nói hôm nay là ngày bà đi nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Làm lễ xong vẫn mặc nguyên bộ áo dài đẹp nhất, bà đến nơi này để “báo cáo với Bác Hồ rằng con đi theo con đường mà Bác đã chọn được năm chục năm rồi. Đến giờ phút này, con tự hào đứng trước Bác mà nói rằng con đã sống và làm đúng như những gì Bác mong”.

Bài thơ đọc trước tượng đài Bác, bà đặt tựa là Nhớ mãi lời thề. Bà viết bài thơ này như một sự tổng kết nho nhỏ về cuộc đời mình.

Bà nói: “Kể từ ngày đi theo Đảng, theo Bác Hồ, kể từ giây phút giơ tay tuyên thệ trước Đảng, tôi xác định nguyên tắc sống của mình là luôn đấu tranh vì lẽ phải. Lẽ sống đó đã khiến cuộc đời tôi nhiều lúc lâm vào nguy khốn nhưng tôi không hối tiếc”.

Cái nguy khốn mà bà Các nói chính là những lần lận đận, trầy vi tróc vảy vì đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng ở những nơi bà từng công tác.

Vốn là kế toán trưởng, lại góa chồng, một mình nuôi con nhỏ, hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn, bà từng nhận được nhiều lời đề nghị hấp dẫn để móc ngoặc làm sai, làm dối.

Bà nhớ lại: “Chỉ cần tôi gật đầu, họ hứa đảm bảo cho mẹ con tôi một cuộc sống đầy đủ về vật chất, nhưng tôi không chấp nhận. Tôi nói với họ: Tôi là người của Đảng, của Bác Hồ. Tôi chỉ cần có trái tim hồng và một đầu óc trong sáng. Cực khổ tôi quen rồi, tôi không cần những đồng tiền đó”.

Lựa chọn đó của bà đã khiến bà bị cô lập, bị chèn ép, không được tăng lương, bị cho thôi việc.

“Nhưng cuối cùng những người làm sai đã phải đền tội trước pháp luật. Trong những lúc cô đơn nhất, nguy nan nhất, tôi lại được chính quần chúng trong đơn vị, những đảng viên chân chính bênh vực, giúp đỡ. Có lúc tôi đã từng tuyệt vọng, từng rất buồn nhưng vẫn dặn lòng không thể thỏa hiệp, không thể mất niềm tin vào Đảng, niềm tin vào Bác và cuối cùng lẽ phải đã chiến thắng” - bà Các nói.

Trân quý hòa bình

Hết giờ làm việc buổi sáng, nhóm anh chị em làm việc ở Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM tranh thủ giờ nghỉ trưa đến dâng hoa trước tượng đài.

Anh Nguyễn Văn Tính, phó phòng bảo vệ và chăm sóc trẻ em của sở, chia sẻ: “Tôi nhớ nhất là mong ước của Bác - mong làm sao cho người dân ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Bản thân tôi lúc nhỏ cũng từng có lúc phải sống lang thang trên đường phố, cho nên tôi càng thấm thía cái quý giá của cơm ăn áo mặc, học hành”.

Như một cơ duyên, anh Tính giờ lại làm công tác về trẻ em, có cơ hội trực tiếp can thiệp, trực tiếp hỗ trợ những mảnh đời trẻ em lang thang, cơ nhỡ.

“So với tầm vóc vĩ đại của Bác, mình chỉ là một cá nhân nhỏ bé. Tôi cũng chưa làm được gì to tát, chỉ là không quản giờ giấc, không ngại xa xôi, khó khăn khi làm công tác trẻ em này. Nghe ở đâu có trường hợp trẻ em gặp khó khăn tôi cũng cố sắp xếp tìm tới để tìm cách giải quyết, hỗ trợ” - anh Tính tâm huyết.

Chiều muộn, bên lề đường Nguyễn Huệ, chị Nhị Kiều, đường Trần Quang Khải, quận 1, đứng nghiêm trang, mắt hướng về phía tượng đài.

Chị ngại ngùng: “Thấy có nhiều đoàn đến thăm quá, mình lại không thuộc đoàn thể, cơ quan nào nên không dám vào, đứng đây thôi”.

Một năm hai lần, chị Kiều đến chụp hình trước tượng đài Bác Hồ, đó là dịp tết và dịp sinh nhật Bác. Chị đã làm như vậy suốt hơn 20 năm qua.

Chị tâm sự: “Thiệt tình là đâu ai bắt buộc tôi ra đây, đâu ai biểu tôi phải thương kính Bác. Nhưng mỗi lần ra công viên này, đứng trước Bác, tôi cảm thấy lòng bình yên lắm”.

Chị Kiều nhận mình là người sống qua hai chế độ. Tuổi thơ thời cắp sách đến trường của chị là những ngày Sài Gòn chưa yên tiếng súng.

Chị đi học mà nào có yên, lâu lâu lại có lệnh tổng động viên đi lính. Bạn bè chị trong lớp cứ nhấp nha nhấp nhổm, sống trong bất an.

“Tôi cứ ước mình được sống trong yên ổn, hòa bình. Cái yên ả, an bình mà con tôi và các bạn trẻ sau này được hưởng mới chính là điều quý nhất. Tôi muốn cảm ơn Bác Hồ vì điều thiêng liêng đó” - chị Kiều nói khẽ. 

Trong ngày 18-5, hơn 100 đoàn đại biểu từ các sở, ban, ngành, các công ty, tổng công ty, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đã đến dâng hương, dâng hoa trước tượng đài Bác Hồ. Chương trình dâng hoa, dâng hương còn tiếp tục đến hết hôm nay 19-5.
MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên