Các tân binh của quận 12, TP.HCM tham gia trò chơi “đoán ý đồng đội” tại Hội trại tòng quân 2016 - Ảnh: K.Anh |
“Tôi viết đơn tình nguyện và nói rõ nguyện vọng muốn được làm lính hải quân vì từ lâu tôi đã rất yêu biển. Và khi biết mình được làm người lính biển, được làm nhiệm vụ ở bất kỳ vùng biển, đảo nào của Tổ quốc, tôi cũng thấy rất vui vì đúng nguyện vọng của bản thân |
Tân binh HỒ HOÀNG VŨ |
“Tổ quốc là hai tiếng thiêng liêng trong trái tim tôi. Tôi đã sẵn sàng để lên đường. Tôi sẽ cố gắng hết sức để rèn luyện, trưởng thành và góp sức mình vào gìn giữ bình yên của biển đảo, quê hương” - tân binh Hồ Hoàng Vũ (Q.12) tham gia lực lượng bộ đội hải quân bày tỏ.
Vũ là một trong số hơn 4.800 bạn trẻ của TP.HCM lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự (trong đó có hơn 700 bạn thi hành nghĩa vụ công an). Trong số công dân nhận lệnh gọi nhập ngũ có 183 đảng viên (tỉ lệ 4,26%) lên đường nhận nhiệm vụ sáng nay, 24-2.
Những nụ cười tươi màu lính biển
Tại Hội trại tòng quân của quận Thủ Đức với chủ đề “Sắt son lời thề”, tất cả mọi hoạt động đã được chuẩn bị sẵn sàng từ các ngày trước đó.
Trại sinh là tân binh cùng nhau dựng lên những lán trại của mình, trang trí đẹp mắt. Cùng đó, tân binh chung tay làm các mô hình mốc chủ quyền trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa trong cuộc thi “Cột mốc chủ quyền biển đảo”.
Nụ cười không ngớt trên các gương mặt trẻ qua những cuộc thi thiết kế trò chơi vận động, sáng tác thơ văn, thêu nón tai bèo tặng tân binh... Đó là nụ cười đầu tiên trong đời quân ngũ, từ những người xa lạ họ xích lại gần nhau hơn, cùng nhắn nhủ nhau phải luôn cố gắng khi khoác lên mình màu áo thiêng liêng.
Nổi bật trong đó là màu áo trắng của những tân binh nhập ngũ vào lực lượng cảnh sát biển. Đây là năm đầu tiên lực lượng này tuyển quân nên những chiến sĩ cảnh sát biển tương lai ai cũng háo hức, hồi hộp xen lẫn tự hào.
Tân binh Nguyễn Đức Bình (20 tuổi, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) nở nụ cười rạng rỡ cho biết: “Khi biết được vào cảnh sát biển, mình thấy vui và tự hào lắm”.
Bình kể sau khi tốt nghiệp phổ thông, bạn học nghề lái xe và đã đi làm. Nhưng hình ảnh về người lính, nhất là người lính cảnh sát biển chỉ được nhìn thấy qua tivi đã khơi cho Bình sự yêu mến kỳ lạ. Bình đã dành thời gian tìm hiểu và rất vui mừng vì hôm nay được đứng vào hàng ngũ cảnh sát biển.
Không chỉ hai năm quân ngũ, cũng không ngại trùng khơi xa xôi, Bình bảo mong ước sau thời gian quân ngũ sẽ được ở lại đơn vị để tiếp tục phục vụ, cống hiến.
Bình rắn rỏi: “Mình đã sẵn sàng lên đường. Vào đơn vị rồi mình sẽ tích cực học tập, phấn đấu, rèn luyện. Dù có khó khăn đến đâu vẫn cố hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.
Được thiết kế thành 12 tiểu trại mang tên các đảo trong quần đảo Trường Sa, Hội trại tòng quân 2016 của quận 12 được tổ chức tại sân của Ban chỉ huy quân sự quận. Những hình ảnh về biển đảo, về người lính hải quân chắc tay súng bên cột mốc trên biển và cả hình ảnh những chuyến tàu ra khơi... được trang trí nhiều tại các tiểu trại.
Sau khi hòa chung với các bạn trong tiểu trại Đá Tiên Nữ tham gia trò chơi “đoán ý đồng đội”, bạn Nguyễn Vũ Minh Dũng (P.Thới An, Q.12) cười tươi chia sẻ: “Trước giờ lên đường, ai cũng cười vui hi vọng mọi người sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
Tốt nghiệp Học viện Bưu chính viễn thông và đi làm hơn một năm, Minh Dũng tình nguyện tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Dũng chia sẻ: “Khi thi hành nghĩa vụ quân sự, tôi mong được phân công nhiệm vụ gắn liền với chuyên môn là ngành viễn thông mình đã học. Tuy nhiên dù ở bất kỳ nơi đâu, làm bất kỳ công việc nào, tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Tôi hi vọng mình sẽ có những trải nghiệm và vốn sống nhiều hơn sau những ngày tháng rèn luyện trong môi trường quân ngũ. Khi xem phim tư liệu, tôi thấy thế hệ cha anh đã hi sinh xương máu cho nền độc lập nên thấy rất tự hào góp phần mình gìn giữ sự bình yên của Tổ quốc thiêng liêng”.
“Khi thi hành nghĩa vụ quân sự, tôi mong được phân công nhiệm vụ gắn liền với chuyên môn là ngành viễn thông mình đã học. Tuy nhiên dù ở bất kỳ nơi đâu, làm bất kỳ công việc nào tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ |
Tân binh NGUYỄN VŨ MINH DŨNG |
Sẵn sàng lên đường
Năm nay có rất nhiều thanh niên đã hoàn thành chương trình ĐH - CĐ, có việc làm ổn định tham gia nhập ngũ. Trong số đó, nhiều bạn trẻ đã tạm gác lại việc học, công việc để viết đơn tình nguyện nhập ngũ, lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Chàng trai trẻ Trần Lý Minh Nhật (24 tuổi, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức) cho biết đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) và hiện công tác tại trường. Đặc biệt, Nhật vừa bước vào kỳ học đầu tiên của chương trình cao học nhưng chàng trai trẻ này đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ để được học hỏi, rèn luyện trong môi trường quân đội.
Nhật là con một trong nhà nhưng nghe con trai trình bày ý định nhập ngũ, cha mẹ đều rất vui và ủng hộ vì từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, Nhật đã chia sẻ nguyện vọng này với ba mẹ. “Ngày trước ba mẹ cũng bất ngờ. Nhưng ba mẹ tôn trọng và ủng hộ tất cả mọi quyết định của mình”, Nhật kể.
“Thật ra nhiều bạn trẻ nghe nhắc đến nghĩa vụ quân sự là thấy nặng nề. Do các bạn không tìm hiểu kỹ hoặc nghe người khác kể rồi “sợ”. Còn mình lại thấy rất vui. Nhập ngũ, bảo vệ đất nước là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi thanh niên như mình. Vào quân ngũ, mình nghĩ học được rất nhiều thứ: tính kỷ luật, tinh thần đồng đội, sự yêu thương, chia sẻ, chân thành... Mình sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để vững vàng, bản lĩnh và trưởng thành hơn”, Nhật bộc bạch.
Lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc không chỉ là nghĩa vụ, mà đối với chàng trai trẻ Nguyễn Lê Anh Tuấn (26 tuổi) còn là may mắn. Tuấn cho biết đã nhiều lần viết đơn tình nguyện nhập ngũ nhưng không được gọi. Lần này Tuấn may mắn được khoác balô lên đường.
Tuấn cho biết đã tốt nghiệp Đại học Công nghệ TP.HCM, hiện là bí thư Đoàn phường Linh Chiểu (Q.Thủ Đức). Nhưng Tuấn quyết định gác lại tất cả vì mong muốn một lần được làm “anh bộ đội”, vì lý tưởng bản thân từ những ngày còn đi học. “Bản thân tôi luôn ý thức rõ về sự cống hiến, về nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc”, Tuấn bộc bạch.
Là một đảng viên trẻ, bí thư Đoàn năng nổ, nhiệt huyết và “chịu khó” giành nhiều thành tích cho phường nên khi Tuấn lên đường nhập ngũ, nhiều bạn bè, đồng nghiệp quan tâm.
“Khi nhận được thông báo nhập ngũ, tôi đã tranh thủ bàn giao lại công việc cho phó bí thư Đoàn, trong thời gian chờ lên đường tôi chia sẻ, hướng dẫn mọi thứ về công việc để bạn yên tâm nhận nhiệm vụ mới, đỡ bỡ ngỡ” - Tuấn kể.
Đó là điều duy nhất Tuấn bận tâm, còn bây giờ tất cả đã sẵn sàng cho thời gian quân ngũ 24 tháng. Tuấn cho biết bản thân cũng mong ở lại phục vụ lâu dài trong quân ngũ.
Tân binh Chu Quốc Vương (trái - P.Hàng Bột, Q.Đống Đa, Hà Nội) vui vẻ lên đường khi đơn tình nguyện nhập ngũ được chấp thuận - Ảnh: X.Long |
Gác việc riêng, lo việc nước
Đó là tâm sự của nhiều bạn trẻ thủ đô tại ngày hội tiễn tân binh ở 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc sáng 23-2.
Trong số rất nhiều bạn trẻ viết đơn tình nguyện nhập ngũ, tân binh Nguyễn Vũ Phong (phường Khương Thượng, Đống Đa) cho biết đã nhiều lần viết đơn, và lần viết đơn gần nhất mới toại nguyện ước mơ được rèn luyện trong môi trường quân ngũ.
“Tôi 21 tuổi, có ông và bố đều được rèn luyện trong quân đội, đó là nơi tôi mơ ước được sống và học tập. Tháng 9-2015 khi có đợt tuyển quân, tôi đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ với mong muốn được thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, được rèn luyện bản thân trưởng thành hơn, nhưng khi đó quân số của phường đã đủ nên lỗi hẹn. Đầu năm 2016, khi biết cả năm chỉ có một đợt tuyển quân, tôi viết đơn tình nguyện lần nữa và đáp ứng đủ sức khỏe để có lệnh gọi lên đường” - tân binh Nguyễn Vũ Phong hồ hởi khoe.
Trong hàng ngũ tân binh của lữ đoàn pháo binh 45 thuộc Bộ Tư lệnh pháo binh, tân binh Chu Quốc Vương (phường Hàng Bột, quận Đống Đa) thi thoảng lại đưa ánh mắt về phía gia đình nhưng với nụ cười không ngớt. Vương cho biết đã nhiều lần viết đơn tình nguyện nhập ngũ nhưng đến khi bước qua tuổi 25 mới toại nguyện.
“Tôi sinh năm 1991, tức năm nay 25 tuổi, tuổi này là cao hơn so với những tân binh khác. Trước đây khi còn ngồi trên ghế giảng đường theo học chuyên ngành du lịch của Trường ĐH Công nghệ - kinh doanh Hà Nội, tôi đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ nhưng cả gia đình và UBND phường đều khuyên nên kết thúc khóa học trước. Đến khi ra trường tôi tiếp tục viết đơn tình nguyện nhập ngũ, sau đó đi làm cho một đơn vị có thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng và mới đây mới có sự đồng ý” - Vương tâm sự.
Vương quả quyết không bao giờ hối tiếc trước quyết định “gác lại việc đời, đi lo việc nước” của bản thân. Ủng hộ tuyệt đối quyết định của con, ông Chu Ngọc Khôi, cha Vương, cho biết: “Tôi từng là một người lính trải qua trận mạc, mà với người lính thì nghĩa vụ là thiêng liêng, cao cả. Tôi ủng hộ con với quyết định này!”.
Trong khi đó bà Đào Thị Thắm, mẹ Vương, bộc bạch: “Xa con thì người mẹ nào không nhớ nhưng nói thật là gia đình tôi mỉm cười trước quyết định của con”.
Cũng trong sáng 23-2, tại nhiều điểm tiễn tân binh của thủ đô lên đường nhập ngũ, lãnh đạo TP Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đều bày tỏ mong muốn con em địa phương tiếp tục giữ vững truyền thống, phát huy và tô thắm trang sử vẻ vang, tích lũy kiến thức khoa học quân sự, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian phục vụ tại ngũ, tiếp tục cống hiến, kế cận cho đội ngũ cán bộ ở các cấp địa phương về sau.
Tại huyện Ba Vì, lễ tiễn 240 tân binh của huyện lên đường nhập ngũ sáng 23-2 được ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trực tiếp đến thăm hỏi, động viên tân binh. Theo lãnh đạo huyện Ba Vì, có 74/240 tân binh viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Đại tá Lê Văn Huyên, phó chính ủy Bộ Tư lệnh thủ đô, cho biết Hà Nội có 4.300 công dân đủ tiêu chuẩn lên đường nhập ngũ, đáng mừng là có tới gần 1.500 thanh niên tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ, trong đó nhiều người là gương thanh niên tiêu biểu, trí thức trẻ, cán bộ công chức, có thành tích cao trong thể dục thể thao, tham gia tích cực các hoạt động tại địa phương. “Năm nay chất lượng chính trị tân binh tiến bộ hơn so với các năm” - đại tá Lê Văn Huyên nhấn mạnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận