17/11/2020 21:08 GMT+7

Từ hàng ghế khán giả: Kẻ sát nhân cô độc - lạ và chất

HOÀNG THU
HOÀNG THU

TTO - Bộ phim hình sự tâm lý tội phạm 'Kẻ sát nhân cô độc' do TFS sản xuất đang làm cho khán giả lẫn giới chuyên môn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với chi tiết cài cắm khéo léo, kịch tính, cách kể chuyện mới lạ, dàn diễn viên diễn xuất tốt…

Từ hàng ghế khán giả: Kẻ sát nhân cô độc - lạ và chất - Ảnh 1.

Hoàng (DV Mã Hiểu Đông) có tính cách nhân vật khá phức tạp - Ảnh: TFS

Đề tài tâm lý tội phạm tưởng chừng khó "nhằn", nhưng qua 10 tập phát sóng, khán giả lại rất thú vị vì "món ăn" độc đáo mà ít phim truyền hình hiện nay làm được.

Trích đoạn Kẻ sát nhân cô độc tập 11

Thiện - ác qua cái nhìn tâm lý

Cái hay của đạo diễn Trần Đức Long trong phim này là đặt để các nhân vật của mình giữa lằn ranh thiện - ác.

Nhân vật chính trong phim là Hoàng (DV Mã Hiểu Đông) mắc bệnh tâm lý vì câu chuyện đau lòng từ quá khứ, nên khi phân tích tâm lý tội phạm khá bài bản và không mang tính bộc phát. Khán giả nhiều khi thấy "sợ" bởi tính cách đa chiều, rối loạn của Hoàng.

Hay Lê Huân (DV Trần Kim Hải) - kẻ được cho là nghi phạm hàng đầu khi liên tục mang bài vị của người chết về nhà thờ, tích trữ máu của nạn nhân đem giấu ở ngôi nhà hoang nhưng chính anh ta lại cứu đứa bé 8 tuổi.

Từ hàng ghế khán giả: Kẻ sát nhân cô độc - lạ và chất - Ảnh 3.

Cảnh trong phim Kẻ sát nhân cô độc - Ảnh: TFS

Theo đạo diễn Tường Phương, bộ phim đi sâu vào vấn đề hoàn toàn mới mẻ trong thị trường phim ảnh ngày nay, đó là sự đi tìm động cơ, ẩn ức phía sau của hành động hiện tại.

Qua đó khán giả đã thấy nhiều cấu trúc nhân cách bị đổ vỡ hay bị sai lệch, đó là thông điệp bộ phim muốn nói tới.

Trong quá trình phá án, ta thấy những hành động tội ác hay thánh thiện đều xuất phát từ bên trong. Bộ phim đã cố gắng khai thác một mặt bằng tâm lý con người, cái gì dẫn đến nhân cách gãy đổ, cái gì dẫn đến thiện và ác.

Từ hàng ghế khán giả: Kẻ sát nhân cô độc - lạ và chất - Ảnh 4.

Cảnh trong phim Kẻ sát nhân cô độc - Ảnh: TFS

Đồng quan điểm với đạo diễn Tường Phương, nhà báo Mỹ Trang, Đài VOH, đã rất phấn khởi khi lần đầu được xem phim Việt với cách khai thác "gan dạ" như vậy. Cái thiện luôn thường trực ở mỗi người, nhưng cái ác không vì thế mà biến mất hay yếu thế đi.

Giữa cuộc đối đầu chính tà, của công an và tội phạm, ngoài rượt đuổi, ngoài tiếng súng, còn có những màn đấu trí căng thẳng để đoán xem kẻ sát nhân sẽ làm gì tiếp theo.

Còn khán giả Huỳnh Nam (30 tuổi, quận Tân Bình) chia sẻ, sự suy đoán vô tội thường diễn ra ở tòa khi không đủ chứng cứ về sự phạm pháp của bị cáo, còn suy đoán tâm lý tội phạm có vẻ "mơ hồ" hơn, nhưng bộ phim thuyết phục anh vì đã đưa các chứng bệnh, học thuyết tâm lý để xây dựng nhân vật một cách chỉn chu, có chiều sâu.

Món chính độc lạ không cần khai vị hay tráng miệng

Chị Thy Diệu, trưởng phòng văn hóa nghệ thuật Cung văn hóa Lao động TP.HCM, cho biết trước đây khi xem phim Việt Nam, chị thấy chỉ là phim khai thác đề tài tình yêu, tình hận, đề tài kinh doanh, sóng gió gia tộc.

Gần đây một vài phim về tham nhũng, về giới xã hội đen cũng được khai thác khá tốt. Nhưng đề tài gai góc như Kẻ sát nhân cô độc lại là quá hiếm, quá ít ỏi.

Và cũng chính vì đề tài này lại gây cho giới chuyên môn một cảm giác e dè, liệu rằng có thu hút được những khán giả lớn tuổi, nội trợ, vốn dĩ chiếm 70% khán giả xem phim truyền hình hiện nay?

Từ hàng ghế khán giả: Kẻ sát nhân cô độc - lạ và chất - Ảnh 5.

Cảnh trong phim Kẻ sát nhân cô độc - Ảnh: TFS

Trả lời cho câu hỏi này, khán giả Thanh Mỵ (65 tuổi, Gò Vấp) theo dõi phim từ những tập đầu đã nhận xét:

Lúc đầu xem cũng hơi khó hiểu, nghĩ phim cảnh sát tội phạm thì cứ đuổi bắt, bắn nhau, thật không ngờ càng coi càng không giống mình nghĩ. Các chứng cứ dần hiện lên, hung thủ dần lộ diện, cuối cùng lại không phải. Vừa coi vừa tức nên càng phải coi tiếp.

Riêng với Duy Tân chia sẻ trong Hội review phim, lâu rồi mới có một phim Việt níu chân anh được 45 phút.

Tuy nhiên anh cũng góp ý cho phim là khi điều tra phá án, đội K13 có vẻ mỏng, lấy chứng cứ nhiều khi cũng dễ dàng quá, phải khúc khuỷu một chút mới hay.

Từ hàng ghế khán giả: Kẻ sát nhân cô độc - lạ và chất - Ảnh 6.

Cảnh trong phim Kẻ sát nhân cô độc - Ảnh: TFS

Còn với cô sinh viên Nhật Nguyệt (20 tuổi, Phú Nhuận), đang theo học diễn xuất với mong muốn trở thành diễn viên tương lai, lại xem phim để học hỏi dàn diễn viên cả chính lẫn phụ.

NSƯT Công Ninh, Mai Huỳnh… đã quá chuyên nghiệp trong diễn xuất, còn với dàn chính cũng tạo nên sự hứng thú vì sự duyên dáng, trẻ đẹp, diễn xuất tự nhiên, và rất đời của Mã Hiểu Đông, Huỳnh Trường Thịnh, Huyền Thạch.

Bộ phim Kẻ sát nhân cô độc không đi theo thị hiếu của khán giả, khi bắt đầu dự án phim này, êkip làm phim đã đoán được con đường chông gai phía trước phải đi.

Bộ phim không mang tính đại chúng, không phải thuộc loại dễ xem, và chắc chắn khi ra mắt cũng sẽ nhận ý kiến trái chiều là điều không thể tránh khỏi.

Từ hàng ghế khán giả: Kẻ sát nhân cô độc - lạ và chất - Ảnh 7.

Cảnh trong phim Kẻ sát nhân cô độc - Ảnh: TFS

Tuy nhiên, bỏ qua những điều chưa được, MC Vũ Mạnh Cường nhìn nhận vui rằng, Kẻ sát nhân cô độc là món ăn chính độc lạ mà không cần phải dùng thêm khai vị hay tráng miệng, khán giả đã thấy đủ đầy và thỏa mãn với từng khung hình trên phim.

Bộ phim Kẻ sát nhân cô độc tiếp tục phát sóng lúc 22h từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần trên HTV9, càng đi tiếp sẽ hé mở kẻ sát nhân mang những chứng bệnh gì về tâm lý.

'Kẻ sát nhân cô độc' - dấu ấn từ những vai diễn

Sau 2 tuần phát sóng trên HTV9, bộ phim 'Kẻ sát nhân cô độc' dài 30 tập do TFS sản xuất đã tạo hiệu ứng tốt khi giới thiệu một thể loại phim hình sự tâm lý tội phạm tại Việt Nam.

HOÀNG THU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên