Kỳ 1: Kỳ 2:
Phóng to |
Cánh đồng lúa ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú (An Giang) đang biến mất dần bởi những ao nuôi cá lóc và vô số ô vuông ương cá giống - Ảnh: Đ.Vịnh |
Tại An Giang, xã cù lao Khánh Hòa, huyện Châu Phú vốn là vùng đất màu mỡ chuyên canh lúa ba vụ luôn cho năng suất cao. Hơn năm nay cánh đồng lúa gần 1.000ha ở đây cứ bị teo tóp dần, hiện loang lổ như da beo bởi nhiều thửa ruộng đã biến mất. Người dân đã phá bỏ lúa lên ao, đào vuông nuôi thủy sản hoặc chuyển qua trồng nhiều loại cây trái khác.
Không đủ sống nên đành bỏ lúa
Dọc hai bên những con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo băng qua giữa cánh đồng này giờ là lớp lớp ao nuôi cá lóc và vô số thửa ruộng đã bị đào xới chi chít ô vuông ương cá giống, đó đây nhiều ruộng lúa đã lên liếp trồng cỏ voi, hoa màu. Chỉ mấy đám ruộng đang tiếp tục bị đào xới, ông Lê Văn Ngon, ấp Khánh Lợi, bảo: “Trồng lúa cứ bị thua lỗ mãi, thu nhập không đủ sống nên bà con mình đành phải bỏ lúa”.
Xu hướng ngày càng phổ biến Theo ông Trần Văn Mì - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, tình trạng thuê mướn đất trồng lúa đang có xu hướng ngày càng phổ biến, xuất phát từ nhu cầu thực tế. Mới đây qua thống kê, toàn huyện có 43.000ha đất lúa, trong đó chỉ hơn 60% hộ trực canh, số còn lại chủ yếu cho thuê đất canh tác và xã nào cũng có việc cho thuê mướn đất. Những hộ cho thuê phần lớn ít đất, sản xuất không hiệu quả, thiếu vốn và điều kiện sản xuất, muốn chuyển đổi nghề, tìm kiếm cơ hội mưu sinh khác. Còn bên thuê đất chủ yếu là những hộ có vốn đầu tư, có kinh nghiệm, điều kiện nhưng không có đất, thiếu đất hoặc muốn mở rộng diện tích canh tác để trồng lúa đạt hiệu quả hơn. Ngoài ra cũng có những hộ thuê đất để làm ăn quy mô lớn theo mô hình trang trại, chuyên sản xuất cung ứng giống lúa. “Dù tốn khoản tiền thuê nhưng nếu tính trên đơn vị diện tích thì những hộ thuê nhiều đất canh tác đạt hiệu quả cao hơn nên lợi nhuận vẫn cao. Trong khi đó những hộ cho mướn đất có điều kiện chuyển nghề, tìm kiếm cơ hội mưu sinh khác có thu nhập tốt và ổn định hơn so với trước” - ông Mì nhận định. |
Ông Ngon kể gia đình ông có 15 công ruộng, vụ nào lúa trúng mùa được giá may ra mỗi công cho lãi vài trăm ngàn đồng. Mấy năm gần đây giá lúa cứ bấp bênh, hễ cứ ngay đợt thu hoạch rộ thì rớt giá nên liên tục lỗ lã. Hồi đầu năm nay thấy nghề nuôi cá lóc cho mức lãi tương đối hấp dẫn, hàng trăm hộ nông dân trong xã ùn ùn bỏ lúa chuyển qua đào ao nuôi cá, ông quyết định bán bớt năm công ruộng cho một hộ khác đang tìm mua đất để đào ao nuôi cá lóc. Với số tiền bán đất và số đất còn lại ông đào một ao nuôi và hơn 50 ô ương cá lóc giống. “Vừa rồi thu hoạch bán 40 tấn cá, bán mấy đợt cá giống lãi được 160 triệu đồng. Chỉ năm tháng mà lợi nhuận cao gấp bốn lần so với tôi trồng lúa suốt cả năm trước đây” - ông Ngon cho hay.
Tương tự, hộ ông Nguyễn Quốc Khái, ấp Khánh Hòa, cũng đào ô vuông trên ruộng nuôi cá, ương giống bán. Ông Khái cho hay gia đình ông gồm năm người, con cái còn đi học nên không thể trông vào chục công ruộng với giá 4kg lúa chỉ bằng... 1kg thức ăn cho cá lóc. Ở cánh đồng này nhiều hộ khác cũng chuyển nghề như vậy, nếu không thì cũng cho người khác thuê đất ruộng để đào vuông sản xuất giống cá. Ngoài ra còn chuyển đất sang trồng hoa màu, trồng cỏ chăn nuôi bò. “Cây lúa không đảm bảo cuộc sống thì nông dân phải tính cách làm ăn khác, chứ không lẽ cứ ôm đất với cây lúa mà... chịu chết” - ông Khái chua chát nói.
Theo ông Trần Văn Tùng - phó chủ tịch UBND xã Khánh Hòa, gần đây trồng lúa lợi nhuận thấp không đảm bảo cuộc sống, nhiều nông dân đã bỏ lúa chuyển qua nuôi trồng nhiều loại cây con khác. Với tình hình sản xuất tiêu thụ lúa cứ tiếp tục khó khăn như vừa qua thì cánh đồng lúa của xã vốn đã bị thu hẹp có nguy cơ biến mất. Ông Phạm Văn Cường, chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú, cho biết không chỉ ở Khánh Hòa mà một số xã khác cũng có hiện tượng tương tự. Tuy nhiên việc tiêu thụ các vật nuôi, cây trồng khác cũng không được ổn định.
Cho thuê mướn đất đời sống dễ thở hơn
Lúc này tại huyện Tri Tôn (An Giang), một số nơi đang xuống giống vụ đông xuân, tuy lúa hiện nay trên 5.400 đồng/kg - mức giá được coi là cao nhất trong năm - nhưng nhiều hộ có ruộng... không chịu trồng lúa mà tiếp tục cho thuê đất. Ông Lê Văn Tình - ấp Ninh Hòa, xã An Tức - kể gia đình ông có chục công ruộng, nhiều năm nay trồng lúa lợi nhuận không đủ đắp đổi, còn vụ nào lúa rớt giá thì bán xong không đủ trả chi phí thu hoạch, nợ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... nên qua mỗi năm nợ càng thêm chất chồng. Cuối năm rồi ông quyết định cho thuê chục công đất này giá 20 triệu đồng (2 triệu đồng/công) trong một năm. Với khoản tiền đó ông mua vỏ lãi hằng ngày đi mua ốc hến quanh vùng về bán lại cho vựa. Ông Tình cho hay làm liên tục ba vụ lúa mà năm nào may lắm lợi nhuận cao nhất cũng chỉ được 36 triệu đồng, tính ra thu nhập mỗi ngày chưa tới 100.000 đồng, ấy là chưa nói nhiều vụ năng suất thấp, lúa rớt giá. Trong khi với nghề mới này mỗi ngày cũng kiếm được ít nhất 200.000 đồng, nhờ vậy mới đủ trang trải mọi thứ sinh hoạt, lo cho con trai út học hành. “Ngày càng nhiều hộ cho thuê đất, người thì chuyển qua buôn bán nhỏ, kẻ làm thợ, con cái đi làm công nhân... đời sống dễ thở hơn xưa” - ông Tình nói.
Người thuê đất của ông Tình là ông Bùi Văn Nam. Ông Nam kể khi vợ chồng ra riêng được cha mẹ chia cho 2ha đất, suốt mấy chục năm nay ngoài trồng lúa ông còn sắm máy cày, máy gặt chuyên đi làm công cho các chủ đất nên dành dụm được chút vốn liếng, đồng thời qua đó biết nhiều hộ không thiết tha trồng lúa nên ông mướn thêm 3ha đất để canh tác. Gần đây tuy giá lúa không cao, lắm lúc chỉ ngoài 4.000 đồng/kg nhưng nhờ diện tích lớn, phần gia đình bỏ công ra làm, sử dụng máy móc nhà và có vốn đầu tư khỏi phải vay mượn hay mua thiếu vật tư giá cao nên đã tiết giảm được khoản chi phí rất đáng kể. “Khoản này đủ bù lại tiền thuê đất 2 triệu đồng/công/năm và vẫn có lợi nhuận” - ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, gần đây chi phí sản xuất ngày càng tăng, gia đình nào chỉ làm lúa dưới 2ha chắc chắn không đủ đắp đổi, từ đó những hộ ít ruộng thường cho thuê đất để “rảnh” tay chuyển sang nghề khác kiếm sống nên ngày càng nhiều hộ thuê thêm đất canh tác như ông. “Trồng lúa phải đứng ra trực tiếp làm từ 4ha trở lên, phải có máy móc cày bừa, máy gặt... mới đảm bảo có lời. Nếu thuê được nhiều đất liền ranh, liền canh đỡ tốn chi phí trong canh tác, khi thu hoạch thì lợi nhuận bình quân trên mỗi đầu công càng cao hơn” - ông Nam nói.
Còn tại huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) - địa phương có trình độ thâm canh lúa rất cao, năng suất luôn dẫn đầu tỉnh thế nhưng hiện nay nhiều nông dân vẫn không đầu tư làm lúa mà chọn giải pháp cho người khác thuê. Có nhiều lý do khiến nông dân “bỏ ruộng”: ít đất làm không hiệu quả, neo đơn không có người làm hoặc cho thuê để đi nơi khác kiếm việc làm thu nhập cao hơn. Bà Nguyễn Thị Nụ (75 tuổi, ngụ ấp Tân An, xã Tân An) cho biết: “Chồng tui mất cách đây mấy năm, để lại cho vợ con một lô đất (3ha). Tôi đã họp gia đình chia đều cho các con mỗi đứa ba công, phần tôi còn lại khoảng sáu công để dưỡng già. Những đứa lớn có gia đình ra riêng ở xa không làm. Những đứa nhỏ thì học đại học, ra trường đi làm việc cho cơ quan nhà nước, nói đến ruộng đứa nào cũng lắc đầu. Thế là cho mướn hết, mỗi năm thu được 90 triệu đồng/ba vụ, đủ để chi phí qua ngày”.
Anh Năm Độ (Lã Văn Độ) - ngụ cùng ấp với bà Nụ - có 1,5ha đất cũng chọn giải pháp cho thuê để đưa cả nhà đi Bình Dương kiếm sống. Theo anh Năm Độ: “Làm ruộng mà cả nhà năm nhân khẩu chỉ bám vào gần chục công đất thì chỉ đủ ăn, không thể khá được. Con cái đi học chi phí ngày càng nhiều, chỉ cần một đứa vào đại học là chắc chắn mang nợ. Vì vậy tôi bàn với vợ cho thuê đất, đóng cửa dắt nhau đến Bình Dương thuê chỗ buôn bán sống qua ngày, con cái lớn có thể đi làm ở các khu công nghiệp. Nhờ đó mỗi năm tiền cho thuê đất cũng dư được hơn 40 triệu đồng dành làm vốn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận