TTCT - Trùng hợp năm nay, triển lãm hàng không Chu Hải (Chu Hải Airshow) của Trung Quốc mở cửa hôm 12-11, một ngày sau khi triển lãm hải quân Euronaval của Pháp bế mạc. Máy bay J-35A ở triển lãm Chu Hải. Ảnh: GettyEuronaval tự giới thiệu có lịch sử hơn 50 năm, nên là triển lãm hải quân lớn và lâu đời nhất với phạm vi toàn cầu, còn Chu Hải Airshow là một sự kiện khá mới, bắt đầu từ 1996, nhưng hiện đã tự hào là triển lãm vũ khí lớn nhất của Trung Quốc và là một trong những triển lãm quốc phòng lớn nhất thế giới.Có gì mới ở Euronaval?Diễn ra ở Paris, triển lãm Euronaval có tính quốc tế hơn, quy tụ 480 đơn vị tham gia, 55% đến từ nước ngoài và đại diện cho 30 quốc gia, với 13 gian hàng quốc gia. Khoảng 26.000 du khách chuyên nghiệp đã tham dự triển lãm, gồm 150 đoàn đại biểu chính thức từ 79 quốc gia. (Đoàn Việt Nam do chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân, phó tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam dẫn đầu).Ở Euronaval, rất được chú ý là vũ khí tên lửa và UAV của Thổ Nhĩ Kỳ (qua các tập đoàn như Aselan), vốn nổi như cồn những năm gần đây vì chiến sự Ukraine. Đặc biệt trong lĩnh vực phòng vệ hải quân, hệ thống phòng không Göksur 100-N, được thiết kế để bổ sung một lớp phòng thủ tầm xa hơn cho hệ thống phòng thủ cận chiến Gökdeniz CIWS, có tầm bắn hiệu quả nhờ hai khẩu pháo 35mm và đạn nổ trên không khoảng 4km. Hoặc hệ thống hỗ trợ điện tử RESM thu thập thông tin tình báo thông qua "nghe" thụ động bức xạ điện từ, do Tập đoàn SAAB giới thiệu.Hệ thống phòng không Göksur 100-N của hãng Aselan, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: edrmagazineTrung Quốc đã phát triển vũ khí như thế nàoNhân Dân Nhật báo của Trung Quốc 26-9 quảng bá triển lãm Chu Hải: "Quân đội Trung Quốc (PLA) và các nhà thầu vũ khí có kế hoạch trưng bày nhiều thiết bị mới nhất tại triển lãm hàng không và vũ trụ quốc tế Trung Quốc lần thứ 15 sắp tới". Bài báo đưa ra những chi tiết thu hút người đọc: "Trung tướng Du Khánh Giang, phó tư lệnh không quân PLA, cho biết không quân sẽ đem lượng máy bay, tên lửa, radar và các thiết bị khác nhiều chưa từng thấy đến sự kiện diễn ra từ ngày 12 đến 17-11 tại thành phố ven biển Chu Hải, tỉnh Quảng Đông". Bài báo nhấn mạnh rằng đây là sự kiện thường kỳ duy nhất hai năm tổ chức một lần để công chúng trong và ngoài nước quan sát kỹ lưỡng các loại vũ khí của Trung Quốc, đặc biệt là những vũ khí được thiết kế cho mục đích xuất khẩu. Có thể thấy mục tiêu bề nổi của triển lãm Chu Hải là xuất khẩu vũ khí.Song, còn một mục tiêu khác nữa là để khẳng định sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc công nghiệp quốc phòng, theo lời nhà nghiên cứu người Ấn Độ Shahryar Pasandideh. Theo tác giả, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, những lần tổ chức đầu tiên của triển lãm Chu Hải chỉ là "những đốm sáng trên radar ngành công nghiệp vũ khí và hàng không vũ trụ quốc tế trị giá hàng nghìn tỉ đô la".Nhưng triển lãm đã nhanh chóng lớn mạnh, trở thành những chỉ báo về tiến bộ công nghệ nhanh chóng và năng lực ngày càng tăng của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, phục vụ cho cả khách hàng trong nước và quốc tế. Sự tăng nhanh năng lực công nghiệp quốc phòng này vừa "giúp Bắc Kinh hiện thực hóa mục tiêu đưa PLA trở thành quân đội hàng đầu", đồng thời "minh chứng cho khả năng tự túc vũ khí hiện đại", đặc biệt trong lĩnh vực phòng thủ không gian, theo ông Pasandideh. Tác giả cũng giải thích tại sao triển lãm Chu Hải hầu như toàn nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc: "Một phần là do lệnh cấm vận vũ khí áp đặt lên Trung Quốc của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, cũng như các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Hoa Kỳ và EU áp dụng với chi tiết các hệ thống vũ khí bị cấm vận".Có thể hiểu thêm nỗ lực tự cung ứng nhanh chóng của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc qua bản điều trần của văn phòng tổng Kiểm toán nhà nước trực thuộc Quốc hội Hoa Kỳ về việc "Hoa Kỳ và châu Âu bán vũ khí cho Trung Quốc kể từ lệnh cấm vận năm 1989". Bản điều trần cho biết từ những năm 1977 và 1978, Pháp từng chuyển giao và đồng ý cho Trung Quốc sản xuất mẫu trực thăng SA-321 Super Frelon. Đây là loại trực thăng hạng nặng chở trên tàu hải quân, có tốc độ tối đa 134 hải lý/giờ và tầm hoạt động 440 hải lý, có thể chở 27 binh lính được trang bị đầy đủ vũ khí. Trực thăng Z-8L của Trung Quốc. Ảnh: china-arms.comHải quân Trung Quốc (PLAN) đã trang bị cảm biến, ngư lôi và tên lửa chống hạm, rồi đổi tên thành trực thăng Z-8 chuyên chống ngầm. Không dừng ở đó, năm 1980 Pháp đồng ý cho phép Trung Quốc sản xuất trực thăng AS-365 Dauphin-2 với tên gọi là trực thăng Z-9. Dauphin-2 là trực thăng đa năng hạng trung, có khả năng chở 2 phi công và 11 hành khách, tốc độ tối đa 140 hải lý/giờ và tầm hoạt động 410 hải lý. Hải quân Trung Quốc cũng đã trang bị cảm biến, ngư lôi và tên lửa cho Dauphin-2 để sử dụng trên các tàu của họ.Hai thí dụ trên cho thấy Trung Quốc đã nhanh chóng làm chủ một thị trường vũ khí rất ngách: trực thăng chuyên dùng cho tàu hải quân. Họ nay đã trở thành nước sản xuất các mẫu trực thăng đó, mà không phải trải qua giai đoạn tìm tòi, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành phần, rồi nguyên chiếc, vốn đòi hỏi rất nhiều nền tảng tri thức, công nghệ, kinh phí và nhất là thời gian.Một ví dụ khác, xe tăng T-69 "quốc sản" lần đầu tiên xuất hiện trong một cuộc diễu binh tổ chức tại Trung Quốc là vào cuối năm 1982. Mẫu xe tăng này có thiết bị nhìn đêm hồng ngoại dành cho chỉ huy, pháo thủ và lái xe, và máy đo khoảng cách bằng laser trên vũ khí chính. Sau đó, Trung Quốc sản xuất phiên bản T-69 II dành riêng cho thị trường xuất khẩu. Iraq thời Saddam Hussein từng tiếp nhận ít nhất 200 xe tăng chủ lực T-69 II này. Ngay từ năm 1984, Trung Quốc "đã bán gần 2 tỉ đô la Mỹ vũ khí ra nước ngoài, đưa nước này vào "câu lạc bộ top 6" độc quyền bán vũ khí. Mục tiêu của Trung Quốc là bán công nghệ cấp thấp, đáng tin cậy ra nước ngoài để kiếm ngoại tệ mạnh mua vũ khí tinh vi hơn cho lực lượng của chính họ và hiện đại hóa các nhà máy của mình", theo báo cáo.Năm 1984 tới nay đã là 40 năm, bao nhiêu "nước đã chảy qua cầu"? Số liệu khả dĩ nhất hiện có là báo cáo của Viện nghiên cứu Trung Quốc MERICS cho biết nước này chiếm 5,8% tổng lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn 2019-2023, trở thành nhà cung cấp vũ khí thông thường lớn thứ tư, sau Hoa Kỳ, Pháp và Nga.Xe tăng T-69 của Trung Quốc mà Mỹ lấy được từ Iraq sau chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Ảnh: WikipediaNhững vũ khí "đinh" ở Chu HảiCó thể tóm lại bằng một đoạn trong một bài báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 5-11 quảng bá cho sức mạnh của công nghiệp quốc phòng nước này tại triển lãm Chu Hải: "Các thiết bị mới, gồm máy bay chiến đấu tàng hình cỡ trung J-35A, sẽ ra mắt tại Chu Hải Airshow... Ngoài ra, hệ thống tên lửa đất đối không HQ-19 và một máy bay không người lái trinh sát tấn công mới cũng sẽ ra mắt lần đầu tiên tại triển lãm". Chưa hết, "các máy bay được lên kế họach để bay tại triển lãm gồm J-20, J-16 và máy bay tiếp nhiên liệu YY-20A. Sự kiện này trùng với lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập không quân PLA 11-11".Máy bay J-35A - tâm điểm của Chu Hải Airshow - sẽ biến Trung Quốc thành quốc gia thứ hai sau Hoa Kỳ có hai dòng máy bay chiến đấu tàng hình đang hoạt động. Máy bay chiến đấu Baidi (mô hình). Ảnh: defencesecurityasia.comĐược mô phỏng theo máy bay chiến đấu tàng hình J-31 và giống với F-35 của Mỹ, J-35A được thiết kế cho hoạt động trên đường băng thay vì tàu sân bay. (Một biến thể đang được phát triển của J-35 sẽ có thể cất cánh từ tàu sân bay).Ngoài ra, mô hình máy bay chiến đấu siêu thanh có thể bay ra ngoài bầu khí quyển mang tên "Baidi (Bạch đế)", với khoang vũ khí chứa vũ khí không đối đất hạng nặng, được trưng bày kèm chú thích: "Máy bay chiến đấu Baidi Type B được nâng cấp toàn diện về mặt điện tử hàng không, cải thiện công thái học buồng lái và đơn giản hóa các quy trình bảo dưỡng, giúp tăng cường hiệu quả triển khai và hoạt động".Cũng lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng, HQ-19 là hệ thống tên lửa đất đối không thế hệ mới có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và phương tiện lướt siêu thanh. Mỗi đơn vị HQ-19 di động, được lắp trên khung gầm bánh xe 8x8, mang theo sáu tên lửa đánh chặn với ống phóng tích hợp và công nghệ đối phó tiên tiến, khác biệt với các hệ thống phòng không khác của PLA như HQ-9 và HQ-22, vốn chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ phòng không. ■ Triển lãm Chu Hải cũng thể hiện mối quan hệ hợp tác quốc phòng gắn bó giữa Trung Quốc và Nga hiện tại. Tại triển lãm, Nga thu hút sự chú ý với máy bay chiến đấu tàng hình Sukhoi-57. Họ quảng bá máy bay tránh radar này là "máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm duy nhất". Tuy nhiên, do Sukhoi-57 xuất hiện vào lúc mà chính Trung Quốc đang ra sức thiết lập ưu thế về kỹ thuật máy bay tàng hình, nên máy bay này "không được hoan nghênh trên mạng xã hội ở Trung Quốc", theo báo Ấn Độ india.com. Tags: Chu HảiQuốc phòng trung quốcTriển lãmMáy bay chiến đấuVũ khí
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Truyện ngắn: Trích đoạn Chiến tranh (J. M. G. Le Clézio) J. M. G. Le Clézio (trích) 15/11/2024 2561 từ
Ông Putin phê duyệt học thuyết hạt nhân đã sửa đổi THANH HIỀN 19/11/2024 Theo học thuyết hạt nhân sửa đổi, Nga có thể xem xét kích hoạt răn đe hạt nhân nếu bị máy bay không người lái của kẻ thù tấn công đe dọa.
Nghiên cứu xây hai đập dâng trên sông Hồng CHÍ TUỆ 19/11/2024 Theo lãnh đạo Viện Quy hoạch thủy lợi Việt Nam, dự kiến năm 2025 sẽ nghiên cứu khả thi để đưa vào đầu tư xây dựng hai đập dâng Xuân Quan và Long Tử trên lưu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội.
Bác kháng cáo, tuyên tử hình trùm giang hồ Quân 'Idol' và đồng phạm HOÀNG TÁO 19/11/2024 Tại phiên phúc thẩm, Quân 'Idol' không nhận tội vận chuyển 10kg ma túy nhưng không được chấp nhận, tòa tuyên y án tử hình. Kết thúc vụ án, 4 bị cáo nhận án tử hình về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Nhiều nước Bắc Âu hướng dẫn người dân chuẩn bị cho chiến tranh KHÁNH QUỲNH 19/11/2024 Nhiều nước Bắc Âu mới đây lần lượt ban hành một số hướng dẫn nhằm nâng cao kỹ năng sinh tồn cho người dân trước nguy cơ chiến tranh nổ ra.